Bất cứ điều gì cũng có cái để cho thiên hạ tìm thấy sự chê bai trong đó, vậy mà thói thường chúng ta lại rất nhạy cảm với lời khen và tiếng chê. Hay nói đúng hơn, trong đời sống hàng ngày, chúng ta rất xem trọng việc đó. Chúng ta thường lấy cái khen, cái chê của người khác là thước để làm thước đo cho cái hay, cái dở hoặc cái đúng cái sai của mình. Nhưng thực ra khen và chê làm cho tâm của chúng ta giao động, rất dễ đưa chúng ta đến cái nhìn sai lầm cũng như dẫn chúng ta đến những cảm xúc, lắm khi quá lố hay tiêu cực.
Muốn giữ tâm bình an trước những lời khen tiếng chê thì trong nội tâm phải vững vàng giống như trái núi bất động trước cuồng phong. Cho dù cuồng phong cuồng nộ như thế nào thì núi vẫn cứ đứng như như bất động. Ở đây tôi muốn nói đến nội hàm, khả năng nội tại của chúng ta. Khả năng nội tại đó giúp cho chúng ta có sự vững chải, cho phép chúng ta giữ được sự an nhiên trước những cái vui, cái buồn. Có một học giả nói rằng: Khi bạn biết rằng hai cộng với hai là bốn là một chân lý, thì nếu ai nói rằng hai cộng với hai là năm thì bạn có giận không? Chắc chắn là không. Vì sao? Không cần giận làm chi cho mệt. Người ta nói sai vì sự ngu dốt của người ta, họ nói sai là bởi vì họ cố ý nói sai hoặc không biết mình sai thì hà cớ gì chuyện đó mà chúng ta phải giận? Cái quan trọng là mình có chịu tin rằng hai với hai là bốn hay không. Khi chúng ta đã thấy hai với hai là bốn là chân lý rồi, chúng ta biết mình đúng rồi thì chúng ta không để tâm đến cái sai của người khác.
Hãy nhớ rằng có người làm phước nhưng làm rất vụng về, vụng về ở bên ngoài nhưng trong tâm của họ rất chân thành, và nếu trong trường hợp đó chúng ta có những lời nói ra nói vào thì có thể chúng ta tạo một nghiệp rất bất thiện. Những người đang tu tập, những người đang làm chuyện phước sự mà chúng ta có dè bĩu, có những lời nói khiến người đó thối tâm bỏ cuộc, không tiếp tục tu được nữa, không làm chuyện phước thiện nữa thì đó thì là một ác nghiệp rất lớn, nếu chúng ta có chủ tâm làm như vậy.
Riêng đối với bản thân của chúng ta, để giữ cho tâm không bị giao động trước những khen chê, khi chúng ta đang làm việc gì với thiện chí của mình thì chúng ta cũng phải tự nhắc rằng, chúng ta cũng có thể giống như con cua lột – vì trong khi làm việc với thiện chí có nghĩa là lúc đó chúng ta không còn có khả năng bảo vệ chính mình bằng lợi khí của miệng lưỡi, chúng ta không còn có khả năng bảo vệ chính mình bằng sức mạnh thường tình của thế lực của tiền bạc, chúng ta đang đem hết tâm tư của mình ra trải rộng cho cuộc đời. Trước những việc chúng ta làm, người ta có thể sơn son thếp vàng chúng hoặc giả người ta có thể quăng trên đó đủ tất cả những thứ dơ bẩn của cuộc đời và chúng ta phải chấp nhận.
Chúng tôi cũng muốn nhắc đến một ý nghĩa hết sức quan trọng là trên phương diện tâm lý và tinh thần của Phật Pháp: Một người mà càng sung sướng với lời khen nhiều chừng nào thì người đó càng dễ sầu não, càng bị chi phối bởi lời chê nhiều chừng ấy. Người nào bình tĩnh đối với lời khen thì cũng có khả năng bình tĩnh với tiếng chê. Nếu chúng ta tự chủ giữ lòng mình để không bị ảnh hưởng chi phối nhiều bởi lời khen của người khác thì chúng ta giữ được những cảm xúc của mình, không để bị mất tinh thần vì lời chê cũng dễ dàng hơn. Và như vậy chúng ta hãy thực tập. Nếu có một ngày nào đó, một người nào đó, họ xưng tán khen tụng mình một cách nồng nhiệt thì chúng ta cũng nhớ rằng người ta khen mình được thì người ta cũng chê mình được. Nếu mình sung sướng với lời khen nầy thì mai mốt tiếng chê của người khác cũng có thể làm mình chao đảo không kém.
Nếu mai nầy có ai gặp mình mà họ miệt thị, họ chê việc làm của chúng ta, chúng ta cũng nhớ rằng ở trên đời nầy không có ai không bị chê, kể cả Đức Phật, kể cả những vị vua, kể cả các bậc hiền thánh, tất cả mọi người đều bị phê phán hết. Vậy, sá gì cái thân hèn mọn của chúng ta? Và với suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ không đặt trọn giá trị của cuộc sống nầy nằm ở ý kiến của người khác. Đức Phật đã ân cần nhắc chúng ta rằng chúng ta chỉ nên lắng nghe bậc hiền trí và nếu có bậc hiền trí nào họ cho chúng ta biết điều hay điều dở mà hoàn toàn không có hậu ý, với một thái độ khách quan thì chúng ta hãy cố gắng lắng nghe.
Thị phi của cuộc đời nầy không có nghĩa gì hết. Trong chữ Hán, chữ thị phi là một chữ rất đẹp, phi chính là cái nầy hay không phải là cái kia. Tương tự như chữ dị đoan, chúng ta nghĩ rằng dị đoan là mê tín, nhưng thực sự thì dị đoan là một đầu mối mà không thể lần ra. Thị phi tức là có người nói thế nầy là đúng, có người nói thế kia là đúng, nếu chúng ta để ý đến thị phi thì cuộc đời của chúng ta cũng lên xuống như thị phi vậy, bản chất của thị phi vốn dĩ nó không có một giá trị nào hết, bản chất của thị phi vốn là kẻ nói vầy, người nói khác, trông đánh xuôi kèn thổi ngược, vậy thì có sá gì mà chúng ta phải lăng xăng chạy tới chạy lui theo nhịp độ chóng mặt của cuộc đời. Nên chăng đôi lúc chúng ta dành cho mình một chút thì giờ ngồi lại lắng đọng tâm tư, suy ngẫm về những lời dạy của Đức Phật. Những lời dạy từ ngàn xưa này cho đến hôm nay vẫn có giá trị, vẫn đem lại sự lợi lạc cho chúng ta, giúp cho tâm chúng ta được an tịnh, mát mẻ. Tôi chưa bao giờ thấy những lời lẽ của bài Kinh đó lại xa lạ với mình, chưa bao giờ cảm thấy những lời dạy đó một thứ kinh điển khuôn sáo mà người ta thường áp đặt cho một chủ nghĩa, một tôn giáo nào đó.
Chuyển biên: Minh Hạnh
Biên tập: Panna Dipa Tuệ Đăng
Theo: phapluan.net
Các tin tức khác
- Bóng sắc (27/11/2013 9:49)
- Theo dõi tâm mình (26/11/2013 11:04)
- Hạnh phúc chân thật (26/11/2013 10:02)
- Bảo vệ đạo pháp (25/11/2013 11:00)
- Thái độ chánh niệm và tỉnh giác (25/11/2013 6:08)
- Ai điên ai tỉnh (25/11/2013 5:33)
- TT.Thích Lệ Trang trò chuyện về hiện tượng ngoại cảm (24/11/2013 4:51)
- Người hay giận hờn (22/11/2013 8:50)
- Nặng ký (21/11/2013 9:50)
- Sống hòa thuận, hài hòa với người khác (21/11/2013 9:49)