Biết thương yêu.
Trong cuộc đời này, dầu bận rộn đến đâu chúng ta cũng có thì giờ để lo cho nhau. Bản chất của mỗi chúng ta bao giờ cũng biết thương yêu, chỉ cần mình biết cẩn trọng và bước chậm lại thôi. Sự bận rộn có thể khiến ta làm ngơ trước những khổ đau. Đôi khi chỉ cần ở một người biết dừng lại thôi.
Chỉ cần một giọt nước nhỏ.
Bạn nhớ câu chuyện của bà lão cúng dường Phật bằng một ngọn đèn dầu nhỏ? Hãy đóng góp tình thương của ta cho cuộc đời bằng những việc làm nhỏ: tha thứ một chút, xẻ chia một chút, cho người khác một nụ cười, một lời nói dễ thương... Mother Teresa nói rằng, đôi khi chúng ta nghĩ những việc mình làm chỉ là một giọt nước nhỏ trong đại dương, nhưng thiếu nó, đại dương kia cũng vơi bớt đi một giọt nước.
Mỗi sáng bạn hãy mang lại niềm vui cho một người, buổi chiều bạn giúp cho một người bớt lo âu. Chỉ là một hành động nhỏ và chỉ cần giúp cho một người.
Buông xả bằng tình thương.
Trong kinh đức Phật cũng có lúc dạy cho chúng ta những phương cách đối trị tạm thời để buông bỏ những tâm bất thiện. Tuy chúng không nhỗ tận gốc những phiền não, nhưng cũng giúp ta làm phát khởi những tâm thiện lành trong ta.
Thật ra, trong một thế giới tương đối này thì không có gì là thật sự trống không hết. Một ly đầy nước, nhưng khi ta đổ hết nước đi, thì ly ấy sẽ lại đầy không khí. Không cái này thì sẽ có một cái kia.
Phật dạy chúng ta một cách tạm thời buông bỏ bằng cách thay vào đó một cái gì tốt lành hơn. Ta buông bỏ một phiền não bằng cách thay vào đó bằng một niệm an vui. Lấy một hơi thở thay cho một bất an. Lấy một câu niệm Phật thay vào một tâm sợ hãi. Lấy một việc làm thiện lành thay cho một hành động xấu ác. Phật có cho ví dụ như một người thợ mộc thay những cái chốt hư xấu của một chiếc bàn, bằng cách dùng một cái chốt mới để đánh bật cái chốt hư xấu ra ngoài, và thay vào đó bằng một cái khác tốt đẹp hơn.
Tình thương là một con chốt tốt lành có thể đánh bật ra hết những muộn phiền, hờn giận, sợ hãi trong ta, và nó sẽ thay vào đó bằng một sự chấp nhận, an tĩnh, và hạnh phúc. Một tình thương lớn giúp cho ta có được một khả năng buông xả. Trong tứ vô lượng tâm: từ bi hỷ và xả, thì một tình thương sâu xa sẽ dẫn dắt ta đến sự xả bỏ, tha thứ được hết tất cả, ngay cả những khổ đau của chính mình. Tình thương nhỏ khiến ta bị dính mắc, nhưng với một tình thương lớn thì tâm ta sẽ không còn bị vướng vào một nơi nào hết.
Tâm từ là một tâm không buồn giận.
Trong đạo Phật tâm từ (metta) cũng là một tâm không sân (adosa). Có nghĩa là khi trong tâm ta không có một sự ghét bỏ, giận hờn nào, thì lúc ấy tâm từ cũng đang có mặt. Ta hãy chú ý và nhận biết trạng thái tâm không phiền giận ấy khi nó đang có mặt trong ta, mà trạng thái tâm ấy cũng có mặt rất thường. Và đó cũng là một phương cách để nuôi dưỡng và phát huy tâm từ trong ta.
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
Các tin tức khác
- Tiền tài theo quy luật nhân quả ( 3/04/2022 7:59)
- Cho điều người khác cần ( 2/04/2022 12:16)
- Và con đã đi như chưa từng đến ( 2/04/2022 12:14)
- Có bao nhiêu người sẵn sàng bán sức, đánh đổi sức khỏe để lấy những vật ngoài thân…? ( 2/04/2022 12:11)
- Nỗi sợ mất đi ( 2/04/2022 11:53)
- Phút nhìn lại mình ( 1/04/2022 1:20)
- Suy nghĩ kĩ trước khi nói ( 1/04/2022 1:14)
- Người không biết hối cải (31/03/2022 12:09)
- Người bất hiếu với cha mẹ (31/03/2022 12:06)
- Làm gì cũng cần kiên trì (31/03/2022 12:02)