Làm sao không gây khẩu nghiệp?

26/04/2022 12:08
Phật giáo phân ra ba nghiệp là ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp. Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói có chủ ý tạo thành. Không phải tự nhiên mà Phật khuyến khích chúng ta nói lời ái ngữ.

Chánh ngữ thuộc khẩu nghiệp. Trong ba nghiệp chướng của con người, khẩu nghiệp khó kiểm soát hơn thân nghiệp và ý nghiệp, bởi vì lời nói vô cùng phong phú đa dạng, phần lớn xuất phát và thay đổi theo trạng thái tâm lý. Các trạng thái đó lại không phải lúc nào cũng ổn định mà thay đổi thất thường, vui buồn, thương ghét chợt đến chợt đi, hôm nay là bạn bè, nhưng ngày mai lại là đối thủ. Cho nên lời nói cũng theo cái lưỡi không xương mà lắt léo: “Yêu ai yêu cả đường đi/ Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng”. Đức Phật đã đưa vào năm giới cấm và mười điều ác (khẩu nghiệp chiếm đến bốn, ý và thân mỗi thứ chỉ có ba) nhằm giúp chúng ta hạn chế nói năng, giải trừ ác nghiệp, vun bồi thiện nghiệp trong việc tu hành và đối nhân xử thế.

Theo Gautam Sharda, “Chánh ngữ không chỉ là lời nói đúng đắn mà nó còn là lời nói thiện lành, hòa ái. Giao tiếp bằng lời nói là điều mà chúng ta phải tham gia mọi lúc, cho dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải giao tiếp. (…) Thực hành Chánh ngữ cũng là thực hành chánh niệm. Với sự thực hành này, chúng ta nhận thức rõ hơn về thân thể, tâm trí và cảm xúc của chúng ta. Chánh niệm giúp chúng ta dễ dàng nhận ra những gì chúng ta sắp nói, và do đó, nó cho chúng ta quyền tự do lựa chọn những gì chúng ta nói. Với chánh niệm, chúng ta học cách kiềm chế bản thân vào những lúc tức giận, thù hận và bối rối”. *

Cũng như ý nghiệp và thân nghiệp, khẩu nghiệp có thiện, ác và không thiện không ác (trung tính). Thiện nghiệp là những lời nhẹ nhàng, êm ái, hòa nhã… Ác nghiệp là những lời hung dữ, cay độc, cộc cằn, khiêu khích, đâm thọc, tráo trở, thêu dệt… Một cách để xét xem bạn có sử dụng chánh ngữ hay không là hãy dừng lại và tự hỏi trước khi nói: “Điều này nói có đúng không? Điều này nói có tử tế không? Điều này nói có ích lợi không? Có làm hại ai không? Có đúng lúc để nói điều đó không?”. 

Dùng chánh niệm để củng cố thêm quyết tâm không nói điều gì gây tổn hại và chỉ nói những lời nhẹ nhàng, đã được chọn lọc có thể mang lại sự hòa hợp cho mọi người trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Qua chánh ngữ, ta có thể truyền đạt tình yêu thương, sự chân thành, là sức mạnh nền tảng của bất cứ cộng đồng, hay quốc gia nào. Đó cũng là con đường mà chúng ta hơn bao giờ hết cần đề cao và xây dựng hôm nay trong bối cảnh thời đại internet với tính hai mặt mà mặt tiêu cực hiện nay đang có phần lấn át. 

Trích từ Journal of Religion and Theology, Volume 3, 2-2019


Các tin tức khác

Back to top