Nhân quả không cố định

7/06/2022 12:56
Trong Kinh A-hàm, đức Phật đưa ra ví dụ rất hay: “Có một nắm muối, nếu ta bỏ vào ly nước nhỏ thì ly nước ấy sẽ bị mặn, ta sẽ không uống được vì nước quá mặn. Cũng cùng một nắm muối đó, nếu ta bỏ vào một bình nước lớn, tuy có nắm muối hoà tan nhưng vì nước trong lu quá nhiều, cho nên nước hơi măn mẳn ta có thể dung xài hoặc giải khát tạm thời được. Cũng cùng một nắm muối đó, nếu ta đem bỏ vào một hồ nước lớn, tuy có nắm muối bỏ vào, nhưng nước trong hồ quá nhiều, do đó chúng ta có thể dùng xài bình thường.

Nhà Phật dụ nắm muối là nghiệp xấu ác, còn nước là nghiệp thiện lành và khả năng tu tập của mỗi người. Tuy trong nhà Phật có nói rằng, gieo nhân nào gặt quả nấy, nhưng nhân quả do hành động của mình tạo ra từ thân, miệng, ý thì cũng từ chính mình ta có thể thay đổi, chuyển hóa được. Cũng như trước kia, lúc còn nhỏ, quý vị chưa biết hút thuốc, uống rượu, cờ bạc… đến khi lớn lên, hòa vào đời sống cộng đồng, quý vị thấy người ta làm điều đó, rồi quý vị bắt chước một vài lần nếu ai chịu tiếp tục huân tập một thời gian thì quý vị cũng biết hút thuốc, biết uống rượu, biết cờ bạc như ai vậy.


Khi chúng ta biết rõ đây là những tập nghiệp xấu thì từ đó ta ý thức biết được sự tác hại của nó, quý vị tự từ bỏ chứ không phải ai ép ta bỏ được. Nếu như chúng ta không tự ý thức, không chịu từ bỏ thì dù cho đức Phật có hiện tiền cũng không thể nào giúp cho ta bỏ được.


Nắm muối bỏ vào ly nước, Phật dụ cho nhân nào quả nấy để ám chỉ cho hạng người buông trôi theo số phận, chẳng chịu cố gắng làm lại cuộc đời vì nghĩ rằng số tôi như thế mà chấp nhận sống trong đau khổ lầm mê.


Nắm muối bỏ vào bình nước lớn là dụ cho người đã cố gắng bỏ những thói hư tật xấu, nhưng chưa bỏ được hoàn toàn, nếu kiên trì bề bỉ thì sẽ chuyển hóa được nghiệp tập xấu ác.


Hạng người thứ ba là hạng người hoàn toàn chuyển nghiệp xấu ác do biết tu thân, tu giới và tu tâm niệm rộng lớn cho nên đức Phật dụ cho nắm muối bỏ vào một hồ nước lớn.


Khi chúng ta tự ý thức được rằng, đây là việc làm sai trái có hại cho người và vật, thì tự mình can đảm buông xả hoặc từ bỏ là do ý chí của ta mạnh mẽ, thấy được việc làm sai trái mà mình mạnh dạn từ bỏ. Và ta nếu muốn từ bỏ vững chắc và lâu dài không bị tái phạm trở lại nữa, thì ta phải phát nguyện tu theo con đường Phật đạo, gìn giữ năm điều đạo đức, đời đời kiếp kiếp quyết tâm không tái phạm lỗi lầm xưa và dứt khoát không làm chuyện xấu đó nữa vì biết được sự tác hại của nó.


Ai hợp duyên với đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì niệm Phật Thích Ca Mâu Ni, ai thích Phật A-di-đà thì niệm Phật A-di-Đà, ai thích Bồ-tát Quán Thế Âm thì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm…ai thích niệm hơi thở thì niệm hơi thở. Bất cứ danh hiệu Phật nào, danh hiệu Bồ-tát nào nếu ta nhiếp tâm, trì chí hướng về đức Phật đó, thì ta sẽ từng bước vượt qua những chướng duyên nghịch cảnh mà ngày càng sống tốt hơn. Tuy thân này phải chịu quả đau  nhức, bệnh hoạn… nhưng tâm ta vẫn an nhiên tự tại, than đau mà tâm không đau.


Theo luật nhân quả thì có vay ắt phải có trả hay “gieo gió gặt bão”. Nếu nói một cách cứng ngắt như vậy, vô tình chúng ta cho rằng luật nhân quả là cố định, là bất biến, điều đó chỉ đúng một phần, chưa đúng hẳn. Vì sao? Nó chỉ đúng đối với những hạng người bèo dạt mây trôi, không đủ ý chí và nghị lực để buông xả thói quen xấu của mình.


Đạo Phật nói lý nhân quả là một chuỗi dài thời gian mang tính cách ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi ta gieo nhân phải trải qua một thời gian nhất định nào đó, nhanh hay chậm là tùy theo những duyên phụ thuộc mới cho ra kết quả trong hiện tại và mai sau.


Nhân nào quả nấy hay còn gọi là hiện báo gieo nhân liền gặt quả như người đói bụng ăn cơm liền no, đó là nhân quả hiện tiền. Vừa gieo nhân là có kết quả liền. Vì vậy mà người ta dễ hiểu lầm vấn đề nhân quả với số phận, nó chỉ đúng và phù hợp với hạng người chấp nhận số phận an bài, không chịu cố gắng vươn lên làm mới lại chính mình mà đành sống trong đau khổ lầm mê.


Khi gieo nhân thì phải chờ thời gian mới cho ra kết quả. Thí dụ, muốn có trái mít ăn, ta phải có một hột mít trồng xuống đất, rồi phải chờ đến ba bốn năm sau mới có trái mít, nhưng nếu thiếu sự chăm sóc, hay thời tiết không phù hợp, chưa chắc ta đã có mít ăn. Biết như vậy, chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh mà tạo ra kết quả sai biệt, không nhất thiết phải nhân nào quả nấy.


Như vậy, nói nhân nào quả nấy thì không đúng hẳn, tùy theo điều kiện, nhân duyên mà cho ra kết quả. Chúng ta không thể nói một chiều nhân nào quả nấy một cách cứng ngắt như vậy được. Nếu nói nhân nào quả nấy thì những người tu hành như chúng tôi có lợi ích gì cho ai đâu?


Khi xưa ta chưa biết tu, thì mình gieo tạo nghiệp xấu ác như lường gạt, trộm cướp làm khổ đau cho nhiều người. Giờ ta biết tu rồi, biết quán chiếu, biết xem xét thấy được sự tác hại của nó mà dứt khoát chừa bỏ.


Như chúng ta đang chạy xe với tốc độ nhanh khi thắng gấp thì cái chớn của nó cũng xa hơn xe chạy tốc độ chậm, cũng vậy ai tạo thói quen xấu nhiều thì sự tu hành cũng sẽ khó khăn hơn người bình thường. Những người xuất gia tu hành thọ dụng vật thực, của đàn-na tín thí, nhờ sự giúp đỡ của Phật tử về phương tiện vật chất, tiền bạc của cải. Như vậy, chúng tôi có phải trả món nợ nhân quả này hay không? Nếu chúng ta cứ khẳng định nhân nào quả nấy, vay tiền trả tiền, vay bạc trả bạc, thì chắc chắn người xuất gia không thể trả hết nợ được.


Người xuất gia tu hành như chúng tôi, thọ nhận sự cúng dường của đàn-na tín thí sẽ trả những món nợ vật chất ấy bằng hình thức khác. Người xuất gia tu hành thọ nhận sự cúng dường của đàn-na tín thí, họ phải trả món nợ ấy bằng sự tu hành chân chính, hóa độ chúng sinh, truyền bá lời Phật dạy, chỉ cho mọi người biết được nhân nào dẫn đến quả an vui hạnh phúc, nhân nào dẫn đến sa đoạ khổ đau, thì coi như trả được cái nợ cơm áo gạo tiền. Bởi tiền bạc của cải quý phật tử giúp cho Tăng ni ăn thì hết, còn chúng tôi hướng dẫn chỉ dạy cho mọi người cách sống làm người tốt trong hiện tại và mai sau, thì coi như chúng tôi đã trả nợ rồi. Chỉ sợ những ai không chịu tu hành đàng hoàng mà còn bê tha hưởng thụ quá đáng, mới phải chịu mang lông đội sừng để trả món nợ lạm dụng của người khác.


Tiền bạc quý Phật tử giúp ăn năm ba tháng thì hết hoặc nhiều lắm được vài ba năm là cùng, còn Phật pháp chân chính giúp cho mình chuyển hóa tham lam, sân giận và si mê, quý Phật tử có thể cảm nhận được hạnh phúc tràn đầy mà không ai có thể lấy được. Trong kinh đức Phật thường nói, trong các hạnh bố thí, bố thí chính pháp là thù thắng hơn tất cả, vì giúp cho mọi người được sống an vui, bình yên và hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.


Nhân quả tốt xấu theo ta như bóng với hình dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không bao giờ bị mất. Chúng ta có thể qua mặt được luật pháp thế gian, nhưng không thể nào trốn tránh sự tác động của nhân quả khi đủ nhân duyên. Người biết tu khi gặp quả xấu đến thì không đổ thừa tại, bị, thì, là…, không than phân trách phận mà luôn biết rằng, nhân quả tốt xấu đều do mình tạo ra, nên càng siêng năng tinh tấn tu hành.


Do đó, tất cả quả tốt hay xấu mà chúng ta đang thọ nhận trong hiện tại, gốc từ nhân đã gieo trồng từ trước kia. Cho dù ta có tu thành Phật đi nữa vẫn phải chịu quả báo nhiều đời còn xót lại, chỉ có điều người tu hành chân chính khi quả xấu đến, chấp nhận chịu mà không phiền muộn khổ đau cho nên an nhiên tự tại.


Nói nhân nào quả nấy thật không sai đối với những người chịu chấp nhận buông trôi theo số phận, mặc tình chạy theo dòng đời ai làm sao ta làm vậy, ai làm bậy ta làm theo chẳng cần suy nghĩ, nhận định đúng sai gì cả. Người yếu đuối, bạc nhược, thấp hèn thiếu ý chí sẽ chấp nhận cuộc đời như bèo dạt mây trôi, nhân như thế nào thì quả như thế ấy “nhân nào quả nấy” hay “ gieo gió gặt bão”.



St

Các tin tức khác

Back to top