Trước hết, vết dơ là ở ngoại cảnh quệt vào trán, không phải do vết dơ có tính bẩm sinh đã có sẵn ở trán, vì lý do từ ngoài quệt vào nên chùi sạch được, cái trán sau khi chùi sạch không còn dấu vết gì nữa. Đây là tính khả diệt của tội lỗi trình bày ở phần Diệt đế trong Tứ diệu đế. Nếu không có tính khả diệt, tội lỗi đã tập nhiễm sẽ trường tồn mãi mãi trong tâm thức của tội nhân, việc sám hối sẽ hoàn toàn vô hiệu quả, đây là điều trái với chân lý Diệt đế nên không thể có được. Tội lỗi khả diệt là chân lý bất biến dùng làm cơ sơ cho pháp môn sám hối.
Sự thiếu cẩn thận sạch sẽ là nhân, vết dơ quệt lên trán là quả, người phạm lỗi không biết tay dơ khi quệt lên trán và sau khi trán đã bị dơ cũng không biết là do vô minh si mê. Nếu biết tin nghe lời người khác bảo hay thấy trán mình dơ khi soi gương là có tâm phục thiện, nếu không nghe người khác bảo và cũng không chịu lấy gương soi chấp ngã, là có kiến hoặc. Nhận có vết dơ trên trán, đi lấy nước rửa hay khăn lau cho sạch sẽ là tu pháp môn sám hối.
Phân tách chi tiết sự chuyển hóa trong quá trình sám hối, xét đến tác động chuyển tâm thức dần dần thành ra diệu trí, tâm vọng động vì nghe theo tham dục chuyển thành tâm thanh tịnh Bồ-đề, vọng thức chuyển thành thánh trí, người khéo tu có những nhận xét như sau:
- Năm thức đầu chuyển thành thành sở tác trí.
- Thức thứ sáu tức ý thức chuyển thành diệu quan sát trí.
- Thức thứ bảy tức Mạt-na thức chuyển thành bình đẳng tánh trí.
- Thức thứ tám tức A-lại-da thức hay tàng thức chuyển thành đại viên kính trí, còn gọi là Như lai tàng khi đạt quả Phật vô thượng.
Tâm thức của phàm nhân thường nghe theo tham dục nên gọi là vọng thức, vọng tâm hay vọng ngã, năm thức đầu gồm có:
- Nhãn thức tức thị giác là khả năng nhìn của mắt.
- Nhĩ thức tức thính giác là khả năng nghe của tai.
- Tỷ thức tức khứu giác là khả năng ngửi của mũi.
- Thiệt thức tức vị giác là khả năng nếm của lưỡi.
- Thân thức tức xúc giác là khả năng sờ chạm của tay, nói chung là của da thịt toàn thân.
Năm thức này đóng vai trò thừa hành tiếp nhận ngoại cảnh, Phật học gọi là trần cảnh, ý nói cảnh đời sống ở thế gian nhiều và dơ bẩn như bụi đất. Sự tiếp nhận này đặt dưới quyền điều động của thức thứ sáu là ý thức. Cả sáu thức này gọi là lục thức, coi như một đội quân bảo vệ sinh hoạt tâm linh con người. Đội quân này trung thành với thiện tâm khi làm điều lành, chúng biến thành lục tặc tức sáu tên giặc khi không nghe thiện tâm, làm phản nghe theo vọng tâm tham dục sui làm điều dữ. Làm cho đội quân này cải tà quy chánh tức là chuyển năm thức đầu thành thành sở tác trí và ý thức chuyển thành diệu quan sát trí.
Thức thứ bảy tức Mạt-na thức coi như chỉ huy trưởng đội quân nói trên. Vị chỉ huy trưởng này luôn luôn chấp ngã cho cái Ta và cái Của Ta là trên hết, do đó mắc phải bệnh chấp trước, thân kiến, thiên kiến nên chỉ huy đội quân làm điều dữ để thỏa mãn tham dục vị kỷ nhiều hơn làm điều lành theo hướng vị tha. Làm cho vị chỉ huy trưởng chấp ngã này sáng tỏ chánh tà, thiện ác là chuyển Mạt-na thức thành bình đẳng tánh trí, coi Ta và Người đẳng với nhau, dứt bỏ khuynh hướng vị kỷ, hay tệ hại hơn nữa là ích kỷ hại nhân.
Thức thứ tám tức A-lại-da thức đóng vai trò một kho tàng chứa đựng tài sản nên gọi là Tàng thức, chữ Hán tàng là cất chứa, tích trữ. Tài sản cất chứa trong kho nói ở đây là chủng tử nghiệp nhân lành cũng như dữ để chờ đến thời gian hội duyên thì chuyển thành quả báo, có thể coi như lúa giống, đậu giống cất trong nhà kho chờ đến vụ mùa mới đem ra gieo hạt cho thành cây lúa, cây đậu. Việc nộp lúa giống, đậu giống nhập kho do thức thứ sáu tức ý thức đảm nhận, những hạt giống này là tác nghiệp đã thực hiện trong quá khứ ở kiếp này và ở những tiền kiếp.
Việc xuất kho đem hạt giống ra gieo trồng tức thức thứ bảy tức Mạt-na thức quyết định rồi giao cho thức thứ sáu tùy nghi hành động. Tàng thức đóng vai trò kho chứa, khi có tài sản hay không có hàng nhập kho cũng như xuất kho đều như một tấm gương chiếu vào, có hay không, nhiều hay ít đều thấy có hình tướng của tài sản trên mặt gương, trường hợp nhà kho trống rỗng thì trên mặt gương không có hình tướng gì. Người khéo tu thì tấm gương tốt trong sáng nên gọi là Tàng thức chuyển thành đại viên kính trí, nghĩa là tấm gương có khả năng làm tròn hoàn toàn nhiệm vụ của tấm gương, không có lưu giữ hình tướng của bất cứ một món tài sản nào.
Trong Tàng thức của mỗi người đều có hai loại chủng tử nghiệp nhân lành và dữ, chỉ khác nhau loại nào nhiều hay ít, loại dữ nhiều coi nghiệp nặng phải trả nhiều quả khổ, loại lành nhiều coi như nghiệp nhẹ phải trả ít quả khổ và còn được hưởng quả phúc. Tu là chuyển nghiệp từ dữ sang lành, hàng ngày thức thứ sáu nộp kho chủng tử lành, thức thứ bảy xuất kho để trả nghiệp có cả lành lẫn dữ. Cứ như vậy tiến tu, tỷ lệ chủng tử lành tăng lên đồng thời tỷ lệ chủng tử dữ giảm xuống, nếu tiếp tục tăng tiến hoài sẽ đến thời điểm trong Tàng thức chứa toàn chủng tử lành, hết sạch không còn chủng tử dữ nữa.
Khi đó hoàn toàn giải thoát không còn vướng mắc vào quả khổ nữa, vọng thức trở thành chánh trí, vọng tâm trở hành chân tâm, vọng ngã trở thành chân ngã, người tu viên thành đạo quả, không còn vương vấn chút nào với dục vọng si mê. Trong tâm thức người tu pháp môn sám hối không còn mầm mống tội lỗi đã vi phạm trong quá khứ, đã diệt trừ hết tội lỗi nên tội tướng cũng không còn nữa, dù là tội tướng nằm yên trong Tàng thức dưới dạng chủng tử dữ.
Trong thời gian cả hai loại chủng tử dữ và lành cùng chứa trong thức thứ tám chờ thời gian hội duyên chuyển thành quả báo, nếu chủng tử lành chiếm đa số, có tác lực mạnh hơn thiểu số chủng tử dữ, thứ dữ số ít dần dần chuyển thành thứ lành, giống như một vài người xấu ở chung một thời gian lâu với số đông người tốt, số người xấu dần dần trở nên tốt. Vì có hiện tượng kỳ diệu này nên thức thứ tám còn có tên Như lai tàng.
Đối chiếu với tâm lý học ngày nay, có lập luận coi pháp môn sám hối như một dạng của phương pháp tự kỷ ám thị để tự soi sáng tìm thấy tội lỗi của mình. Lập luận này không được vững vì lý do trong tâm lý học ngày nay không có danh xưng nào tương đương với Mạt-na thức và A-lại-da thức, danh xưng tiềm thức hay hạ thức, bán ý thức (subconsciousness) không diễn tả đầy đủ nội dung của thức thứ bẩy và thức thứ tám trong Phật học.
Tám thức của người phạm tội coi như tám cây nến (đèn cày) bằng sáp tốt chưa được thắp sáng nên tâm thức tối tăm si mê chạy theo dục vọng sai lầm. Tu pháp môn sám hối là thắp sáng tất cả tám cây nến, tâm thức sẽ thông suốt mọi vật mọi lẽ. Trong số tám cây nến, cây thứ sáu (ý thức) và cây thứ bảy (Mạt-na thức) là khó thắp hơn cả, vô minh và chấp ngã là bệnh phiền não trầm trọng khó trị hơn cả. (còn tiếp)
Bảo Thông