Bụt đã để lại cho ta những gì? Và ta đã thừa hưởng được những gì?

23/06/2022 7:51
Bụt đã để lại cho ta ba tạng Kinh điển, Bụt đã để lại cho ta lịch sử của một giáo đoàn. Nhưng trước hết Bụt đã để lại cho chúng ta cuộc đời của Bụt.

Cuộc đời của Bụt nghĩa là sự sống của Bụt. Bụt đã sống như thế nào? Bụt có phải là một nhà trí thức không? Bụt có phải một nhà văn viết hết từ bộ sách này sang bộ sách khác hay không? Hay Bụt chỉ là một người đi bộ, đi từ khu vườn này sang mái tranh kia, đi từng bước thảnh thơi, tiếp xử với mọi người bằng lòng từ bi, bằng nụ cười khoan lạc của mình? Bụt là như vậy. Bụt không phải là một nhà trí thức. Bụt không phải là một nhà nghiên cứu. Bụt không phải là một người tổ chức. Bụt không phải là một uy quyền cầm đầu một giáo hội lớn lao.


Bụt chẳng qua là một ông thầy tu, một ông thầy tu có lòng từ bi lớn và có tuệ giác lớn. Và quanh Bụt có những người học trò, có những người bạn. Họ cũng muốn làm như Bụt: đi bộ từng bước thảnh thơi, đi xin thức ăn mỗi ngày để tiếp xúc và độ đời, thực tập hơi thở, thực tập chánh niệm.


Chính vì thế Bụt đã cứu giúp cho không biết bao nhiêu người. Không phải giúp bằng cách tổ chức cứu trợ có hàng trăm triệu, mà giúp bằng cách dạy cho người ta biết đi, đứng, nói, cười, thở, và chuyển hóa. Và Bụt là một người vui tươi, không rầu rĩ, Ngài có một nụ cười sống mãi 2500 năm cho tơi bây giờ.


Đời sống cûa Bụt là thông điệp của Ngài. Thông điệp đó, ta phäi tiếp nhận cho được. Còn những hệ thống tư tưởng trong đạo Bụt liên hệ gì với đời sống của Ngài, có liên hệ gì với an lạc, hạnh phúc trong sự sống của Ngài, câu hỏi đó chúng ta sẽ phải đặt ra.


Có những giờ phút nghe như là huyền sử về cuộc đời Bụt. Ví dụ những giờ phút Ngài ngọa bịnh ở Vaisali. Bịnh nặng đến nỗi thầy A Nan phải ra bên ngoài đứng khóc. Nhưng sau đó Bụt lành bịnh và cho triệu các thầy trong vùng đến để nói chuyện. Bụt biết rằng Ngài sẽ tịch trong một thời gian ngắn. Khi gặp các đệ tử Bụt dạy: ‘‘Này các thầy, các thầy hãy thực tập quay về nương tựa nơi hải đảo của tự thân. Đừng tìm nương tựa vào một nơi nào khác. Vì nơi hải đảo tự thân vốn có Bụt, có Pháp, có Tăng. Đừng tìm kiếm nơi khác, không cần đi đâu xa.


Ở trong tâm ta đã có đủ hết những gì ta muốn tìm kiếm.’’ Đó là những giây phút rất ấm cúng và mầu nhiệm, chỉ có thầy với trò ngồi với nhau thôi. Lời dạy ấy cho ta thấy một tình thương rất lớn. Và khi thầy trò lên đường đi về phương Bắc thì có lúc Bụt quay lại và đưa mắt nhìn thành phố Vaisali một lần chót. Bụt nhìn với tất cả chánh niệm. Kinh ghi chép: ‘‘Đức Thế Tôn ngoái lại nhìn thành phố Vaisali bằng đôi mắt của một con voi chúa, rồi Ngài mỉm cười hướng về phía Bắc và bước tới.’’ Đó là lần chót Đức Thế Tôn nhìn thành phố Vaisali, và Ngài đã nhìn bằng con mắt của chánh niệm, con mắt của một tượng vương.


Mỗi bước chân đi của Bụt là một huyền sử, mỗi cái nhìn của Bụt là một huyền sử. Bốn mươi lăm năm trước, vào một buổi sáng, lúc sao mai mọc, Bụt đã thành đạo. Nhìn sao mai vừa mọc, Ngài giác ngộ, và mỉm cười. Đó là một giây phút đẹp như một huyền thoại. Những sự việc xảy ra tuy có thật, nhưng đẹp đến nỗi ta không thể diễn tả được. Ta chỉ biết nói: mỗi giây phút trong đời sống của Bụt là một huyền sử. Ngồi trên núi Thứu, ăn cơm với các đệ tử, leo lên núi, đi xuống núi, từng bước chân, tất cả những giây phút đó đều tràn đầy an lạc và hạnh phúc.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top