Thường hành chánh niệm

13/07/2022 12:33
Chánh niệm có thể giúp chúng ta đối mặt và giải quyết những căng thẳng, lo âu, đau đớn và bệnh tật. Chánh niệm nên được coi là nguồn sống của sự tỉnh thức trong mọi hoạt động hằng ngày, là cách mà ta nhận chân được sự nhiệm mầu trong từng khoảnh khắc. Chúng ta có đầy đủ năng lực để quay vào bên trong mình bằng cái nhìn sâu sắc, chuyển hóa và chữa lành vết thương của thân lẫn tâm.

Chánh niệm nghĩa là, trong từng giây từng phút, chỉ ghi nhận mà không phán xét; được nuôi dưỡng bởi khả năng tập trung, chú tâm trong thời điểm hiện tại và duy trì nó hết mức có thể từ lúc này qua lúc khác; điều đó khiến chúng ta bén nhạy hơn trong khi tiếp xúc với từng phần của cuộc sống.

Năng lực tập trung sẽ được trau dồi, khả năng điều chỉnh cảm xúc sẽ được phát triển, các thị phi vọng tưởng và lo âu phiền muộn cũng theo đó mà giảm thiểu. Điều này cho thấy, sự ảnh hưởng của thiền – chánh niệm có lợi ích thiết thực đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất.

Tiến sĩ người Mỹ John Kabat Zinn – một trong những người sáng lập trung tâm thiền Cambridge, từng là đệ tử học thiền với thiền sư Thích Nhất Hạnh, đưa ra 7 yếu tố chính dẫn đến con đường chánh niệm như sau:

  1. Không phán xét: Bạn đóng vai trò của một người vô tư quan sát bất cứ điều gì bằng kinh nghiệm ngay hiện tại. Điều này có nghĩa là bạn không nên đánh giá tiêu cực hay tích cực với những gì đang diễn ra. Đơn giản, chỉ là bạn đang quan sát nó.
  2. Kiên nhẫn: Sự nuôi dưỡng lớn về trí tuệ và từ bi phải trải qua thời gian đủ để phát triển toàn vẹn, không thể ép uổng nó nhanh lên được.
  3. Sơ tâm trong sáng: Hãy sẵn sàng nhìn thế giới này như lần đầu tiên trải nghiệm cuộc đời. Điều này tạo ra sự cởi mở cần thiết cho chú tâm và tỉnh thức.
  4. Niềm tin: Tin tưởng vào trực giác và năng lực của bản thân.
  5. Không căng thẳng: Bạn nên ở trong trạng thái “không làm gì cả” (vô tác), chỉ có như thế, chấp nhận mọi thứ diễn bày trước mắt như nó đang là.
  6. Nhìn nhận trung thực: Hoàn toàn nhìn nhận trung thực những suy nghĩ, cảm xúc, trạng thái và những niềm tin mà bạn đang có. Thấu hiểu rằng tất cả cũng đơn giản chỉ là như vậy mà thôi.
  7. Không đồng nhất, không dính mắc: Hãy thôi đi việc gắn mác, dán nhãn hiệu cho suy nghĩ hay cảm xúc của bạn, tệ hơn nữa là bạn thường thích đặt cho nó 1 chức danh, 1 nhiệm vụ. Thay vào đó, bạn hãy để những tâm hành ấy trôi qua tự nhiên mà không phải thực hiện cái việc “dính mắc” trên, hãy nhìn nó trôi 1 cách lững lờ mà không cần tác động gì cả.

Bạn có nghe nói đến việc giảm áp lực căng thẳng bằng chánh niệm chưa? Đây! Những gì nãy giờ bạn đọc chính là phương pháp điều trị, hỗ trợ giảm áp lực căng thẳng bằng chánh niệm của tiến sĩ John Kabat Zinn, được gọi là MBSR (Minfulness – Based Stress Reduction). Lộ trình mà ông đưa ra kéo dài 8 tuần và người bệnh (người mắc các hội chứng lo âu, suy nhược, trầm cảm v.v…) được chữa lành những vướng mắc của mình ngay sau đó nếu họ cam kết thực hiện nghiêm túc liệu pháp này. Từ việc thư giãn sâu và liên tục hàng giờ cho đến việc thường trực tiếp xúc với thiên nhiên, sống đời tĩnh lặng, hạn chế giao tiếp khi không cần thiết và rèn luyện thể lực,… là những gì mà John Kabat Zinn đề cập chi tiết trong “phác đồ điều trị” của mình.

Thiết nghĩ, không phải bây giờ chúng ta mới cần đến chánh niệm vì đời sống quá đỗi bộn bề, áp lực và bon chen, mà đây đã là chuyện muôn thuở, còn hiện hữu là còn đau khổ, còn vướng bận, còn luân hồi. Chánh niệm kết hợp với tỉnh giác sẽ đánh thức thế gian khỏi những ràng buộc, tai ương.

Chỉ cần như vậy là đủ cho tất cả, phải không?


Chuyển ngữ từ giáo trình “Thiền tâm lí trị liệu” của giáo sư Sarath Chandrasekara, đại học Kelaniya, Sri Lanka.

Các tin tức khác

Back to top