11/08/2022 12:03
Ao cũ,
Con ếch nhảy vào.
Tiếng nước xao
Tác giả không diễn tả mùa nào, không có những chiếc lá thu, hay ánh nắng ôm ấp buổi chiều trên mặt nước... Ông không hề thêm bớt một chi tiết nào, chỉ kể lại những gì xảy ra trước mắt mình: ao xưa, một con ếch, tiếng nước khua! Hình ảnh tuy đơn sơ nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được cái không gian và thời gian của nó: tĩnh lặng và vô tận. Tôi nghĩ nhà thơ phải có một tâm hồn sâu sắc lắm mới có thể nhìn thấy và ghi lại được hình ảnh ấy.
Ngày nay chúng ta thường nghe nói nhiều về vấn đề sống trong hiện tại, có mặt trong bây giờ và ở đây. Nhưng bạn nghĩ thế nào là sống trong hiện tại? Nhà thơ Basho viết,
Ở Kyoto
Nghe tiếng chim cuốc gọi
Tôi nhớ Kyoto
Bạn có thấy vô lý không! Nhà thơ Basho đang ngồi giữa Kyoto nghe một tiếng kêu của loài chim bản xứ, ông lại chợt thấy nhớ Kyoto? Nhưng đó lại là một điều rất thật.
Trời tháng này tôi thấy những nụ lá mới đã bắt đầu phủ một màu xanh nhạt rất nhẹ lên khu rừng nhỏ cạnh nhà. Có lẽ chỉ vài tuần nữa là màu sắc sẽ nở rộ khắp nơi. Miền của tôi ở mùa thu cũng rất đẹp. Nếu có dịp sang đây, bạn hãy ghé thăm vào mùa thu. Nhà văn Albert Calmus nói "Mùa thu là một mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một đoá hoa”, Autumn is a second spring when every leaf is a flower.
Nhưng nếu không khéo thì chúng ta lại có thể như nhà thơ Basho viết, mình đang ngồi giữa một mùa xuân, hay trời thu sắc màu, mà lại cứ mơ tưởng, mong nhớ về một mùa xuân, hay mùa thu xa xôi nào đó. Tất cả những gì ta đang tìm kiếm, có thể đang có mặt ngay trong giây phút hiện tại, nhưng tâm mình vẫn cứ mong nhớ hay mộng tưởng về một "hiện tại" nào khác.
Một người học trò một hôm vào lạy từ giã thầy của mình, và nói: “Kính thưa thầy, con xin đội ơn thầy đã bỏ công dạy dỗ con suốt mấy năm nay, nhưng con thấy bây giờ đã đến lúc con phải lên đường.” “Thế con định sẽ đi đâu thế?” Người học trò đáp: “Dạ thưa thầy, con định sẽ đi khắp nơi để tìm học Phật pháp.” Vị thầy nói: “Thế sao con không hỏi ta, ta có giữ Pháp nơi đây này!” Người đệ tử mở to mắt hỏi, “Ở đâu thầy?” Vị thầy kéo ra một sợi chỉ trong tay áo ngài, nói: “Đây này! Cái này nếu cũng không phải là Pháp thì là gì?”
Tôi nghĩ có lẽ tất cả đều bắt đầu từ sự chuyển đổi nhận thức của mình mà thôi. Người ta thường cho rằng, người có thần nhản là người có thể nhìn xuyên suốt được qua khắp ba nghìn thế giới, thấy được quá khứ và tương lai. Nhưng tôi lại nghĩ, thần thông là thấy được những gì đang có mặt trong giờ phút này, như chúng thật sự là, mà không có một sự mong cầu gì khác.
Tháng này trời mưa nhiều. Những buổi sáng sớm bước ra ngoài trời còn lạnh, sương mù phủ kín khu vườn và che khuất con đường đi. Trong cuộc đời, đôi lúc nhờ lối đi xưa hằng ngày bị che lấp mà ta lại chợt nhìn thấy được một con đường mới. Bạn có thấy không, một hạt mưa chợt biết lại đường về với biển khơi…
Mưa mùa xuân ơi
Giữa rừng xưa bổng thấy
Con đường ra biển khơi
Otsuji
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
Các tin tức khác
- Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm: "Yêu thương chưa bao giờ xưa cũ" (11/08/2022 11:54)
- Sám hối giải nghiệp do tội bất hiếu (10/08/2022 7:33)
- Ai sẽ lo cho ta? ( 9/08/2022 12:18)
- Thế giới hiện hữu, nhưng không như ta nghĩ ( 9/08/2022 12:13)
- Kết thân với bạn hiền ( 9/08/2022 12:07)
- Chướng ngại người tu là con mắt thứ hai ( 8/08/2022 11:52)
- Bốn người bạn nên thân thiết ( 8/08/2022 11:42)
- Ba điều tâm niệm giúp bạn cải thiện cuộc sống ( 7/08/2022 11:37)
- Đừng để người khác nói mình là "ngu" ( 6/08/2022 12:04)
- Không tranh cãi là cách giải quyết thị phi nhanh nhất ( 6/08/2022 11:57)