Tại sao “Pháp thí” cao hơn “tài thí”?

8/10/2022 8:01
Nếu đọc sử thì thấy vào thời đức Phật tại thế, ngài chỉ khuyên dạy Phật tử làm việc phước thiện, còn chư Tỳ-kheo phải lấy việc tu học giác ngộ giải thoát làm gốc. Như vậy để thấy rõ tinh thần của đạo Phật, người tu phải thấu hiểu đạo lý và chỉ dạy lại cho người được tỉnh thức.

Người thế gian dù giàu đến đâu cũng không thể cúng dường trăm ngàn đời chư Phật nhiều như thế.

Lại xây vô lượng tháp báu, cúng dường hương hoa, tràng phan bảo cái hoặc một kiếp hoặc ít hơn một kiếp...

Tất cả những phước đó chung lại cũng không bằng phước của người nghe kinh này tin hiểu, đọc tụng thọ trì đúng như pháp mà tu hành.

Vì sao?

Vì Bồ-đề của chư Phật từ đây mà sanh, tướng Bồ-đề không giới hạn, do nhân duyên đó nên phước đức cũng không giới hạn.

Còn bố thí tài dù nhiều bao nhiêu cũng có chừng mực hạn lượng.

Giả sử có trăm ngàn muôn ức hạt sương lóng lánh như kim cương, cũng không thể đổi với một hạt kim cương thật dù nhỏ.

Tại sao?

Vì cái giả không sánh với cái thật được.

Cũng vậy, cúng dường tài vật thì được phước, nhưng chỉ là phước hữu hạn, bằng hình thức sự tướng, là pháp vô thường, dù nhiều bao nhiêu cũng phải hoại diệt.

Còn tánh Bồ-đề không hoại nên nói trở về với Bồ-đề là tối thượng.

Do đó đức Phật nói pháp thí là trên hết.

Cúng dường tài thí như trên chúng ta không thể thực hiện nổi, nhưng cúng dường pháp là việc làm to tát, người tu ắt có thể làm được.

Như thấy một gia đình nghèo đói, vì thương nên mỗi ngày mình đều đem gạo đến cho, nhưng họ cứ than đói khổ hoài.

Tìm hiểu ra mới biết, hai vợ chồng này không chịu khó làm ăn, có tiền ít mà xài nhiều, tất nhiên phải túng thiếu.

Như vậy dù cả đời mình đem vật chất giúp họ cũng không hết khổ.

Chỉ cần khéo léo giải thích khuyên bảo họ, phải siêng năng và cần kiệm mới mong thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thiếu hụt này.

Dùng lời khuyên bảo tuy tốn công, nhưng khi hiểu rồi, họ sửa đổi cách sống, biết tiết kiệm, chăm chỉ làm ăn chứ không như trước nữa.

Như vậy mình nhịn ăn bớt mặc chưa cứu người hết khổ, mà chính lời nói nhẹ nhàng khéo léo giúp họ thức tỉnh.

Việc làm này thấy như tầm thường, nhưng lại cứu người thoát khổ, đó là điều quan trọng.

Thế nên giác ngộ rồi mới thoát khổ sanh tử trong tam giới.

Việc cúng dường tuy được phước nhiều, mà không giác ngộ, khi hưởng hết phước vẫn bị đọa.

Có nhiều người cho rằng tu sĩ Phật giáo chỉ lo tu cho riêng mình mà không xả thân làm việc từ thiện xã hội, đó là họ chưa hiểu mục đích cứu cánh của đạo Phật.

Nếu đọc sử thì thấy vào thời đức Phật tại thế, ngài chỉ khuyên dạy Phật tử làm việc phước thiện, còn chư Tỳ-kheo phải lấy việc tu học giác ngộ giải thoát làm gốc.

Như vậy để thấy rõ tinh thần của đạo Phật, người tu phải thấu hiểu đạo lý và chỉ dạy lại cho người được tỉnh thức.

Do đó nói phước pháp thí là trên hết.

Vì vậy tôi chủ trương, tuy làm việc từ thiện xã hội như Tuệ Tĩnh đường... nhưng không được bỏ việc tu học.

Chúng ta giúp dân được bao nhiêu mừng bấy nhiêu, còn việc tu học là chính yếu của người tu giác ngộ giải thoát, nên không thể thiếu.

Trên đây đức Phật nêu lên dẫn dụ so sánh giữa hai pháp cúng dường, để cho thấy cúng dường pháp là cao tột. 


HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top