Phật thuyết bằng chân linh và ta phải nghe bằng chân linh nằm ngoài ngôn ngữ, đó là biểu tượng, nên Phật cầm hoa sen đưa lên, ý nói mình phải tinh khiết như hoa sen. Hoa sen ở Ta-bà, nhưng phải tỏa hương đạo, đừng tanh hôi là bùn.
Phật đưa hoa sen, thấy Ngài ngồi yên làm thinh là Ngài nói trong thiền định, ở chân linh thì chỉ người ở thiền định nghe được, ở chân linh mới thấy. Ví như hai người có mắt thấy biết giống nhau, không cần nói.
Phật đưa cành hoa sen, Ca Diếp mỉm cười. Còn những người khác, Phật nói, họ nghe suy nghĩ, Phật làm thinh, họ không biết.
Phật nói, chúng ta nghe, suy nghĩ. Phật không nói nhưng chúng ta nghe và suy nghĩ nhiều hơn là hành Bồ-tát đạo theo kinh Pháp hoa. Phật nói, chúng ta nghe ngôn ngữ. Phật không nói, chúng ta nghe pháp.
Theo Trí Giả, có người nghe ngôn ngữ, nhưng không nghe pháp. Chúng ta nghe ngôn ngữ nhưng cũng nghe được pháp vì ngôn ngữ chuyên chở pháp bên trong. Người tu Pháp hoa khác ở điểm này.
Lý này được Phật nói sâu sắc rằng khi tiền thân Ngài là Thường Bất Khinh Bồ-tát mạng chung, nghe được 200 ngàn muôn ức bài kệ của Phật Oai Âm Vương. Điều này khiến tôi suy nghĩ, Phật Thích Ca nói kinh Pháp hoa có 60.000 từ, nhưng kinh Pháp hoa của Phật Oai Âm Vương thì Phật Thích Ca nghe tới 200 ngàn muôn ức bài kệ. Điều này cho thấy cái chúng ta học quá ít, cái Phật chứng quá nhiều.
Và tôi suy nghĩ, Phật nói, ta nghe ít, nhưng Phật yên lặng, ta nghe nhiều. Cũng vậy, Phật hiện hữu, chúng ta kẹt vào thân Phật. Phật Niết-bàn, chúng ta thấy Phật rõ hơn, nhìn đâu cũng có Phật, nếu có căn lành. Trong khi Phật tại thế, phải tới tịnh xá để thấy Phật. Người tu phải có cái nhìn khác như vậy.
Qua Ấn Độ, đến chỗ Phật Đản sanh, Thành đạo, Niết-bàn, nhưng người hành hương có thấy Phật Đản sanh, Thành đạo, Niết-bàn đâu, vì không có căn lành, chỉ thấy ăn mày, mua đồ lưu niệm đem về.
Hành hương bằng chân linh thì khác. Tổ Huệ Đăng nói sáng ta dạo chơi non Linh Thứu, tức sáng thức dậy, Ngài tụng kinh Pháp hoa là chân linh Ngài hướng về chân linh Phật để nghe Phật thuyết pháp. Nhưng Phật tại thế, nói ít, Phật Niết-bàn, Phật nói nhiều. Chúng ta nghe bằng chân linh, nghe nhiều là hiểu Đại thừa.
Ca Diếp thấy Phật đưa cành hoa sen lên, Ngài mỉm cười là hai thầy trò hiểu nhau. Ca Diếp hiểu Phật và Phật trao cành hoa cho Ca Diếp. Những gì nói bằng lời, Phật trao cho Xá Lợi Phất, A Nan và nhiều người. Những gì không nói bằng lời, Phật trao cho Ca Diếp là trao hoa sen, hay trao kinh Pháp hoa là cốt lõi của đạo Phật cho Ca Diếp. Điều này làm chúng ta suy nghĩ kinh Pháp hoa thể hiện tính chất tinh khiết. Tinh khiết của hoa sen là cốt lõi từ bùn sanh ra nhưng không tanh bùn, đạo chính là như vậy và từ sự thuần khiết mới có tuệ giác.
Sau khi Ca Diếp nhận sự huyền ký của Phật, Ngài vô núi Kê Túc không giảng. Thiền không nói không giảng, vì không có người để nói. Phải có người biết mới nói được, nhưng người biết rồi thì hai người nhìn nhau cười thôi.
Phật nói nhiều nhưng không ai ngộ. Tu thiền đòi hỏi ngộ. Ngộ là từ chân tánh khởi lên. Phật là trí tuệ tiêu biểu cho dòng điện và điện truyền qua kim loại được. Còn ta là gỗ tiêu biểu cho không biết, thì điện hay trí tuệ Phật không thể truyền qua thanh gỗ, Phật đưa pháp vô lỗ tai gỗ sao được. Suốt 49 năm Phật thuyết pháp, tôi chỉ có thể dùng chữ “Tuyệt vời”, vì không nói bằng ngôn ngữ được.
Phật vào Niết-bàn, Phật giáo lặng lẽ truyền trên giáo tông thôi. Một ngàn năm sau, tại Thiếu Lâm tự, hiện tượng thứ hai xảy ra là Thần Quang chặt một cánh tay để cầu pháp và được Đạt Ma truyền pháp. Điều này tiêu biểu cho tinh thần không tiếc thân mạng. Thần Quang quỳ ở Thiếu Lâm suốt đêm, tuyết ngập đến đầu gối. Đạt Ma vẫn làm thinh và Thần Quang cũng làm thinh, không nói mới đi sâu vào chân linh mới là thiền. Nói là giáo.
Hai người tu thiền đi vào thế giới chân linh, hai thế giới này giao nhau. Thiền sư truyền cho thiền sinh, hai người không nói, nhưng tâm thầy truyền cho tâm trò làm tâm trò thanh tịnh và sáng lên. Thật vậy, tâm Đạt Ma Tổ sư truyền qua Huệ Khả, Huệ Khả tiếp nhận được tâm lực này khiến tâm ông yên tĩnh lần đến tột cùng.
Còn câu chuyện thiền ghi rằng Đạt Ma bảo Huệ Khả đem tâm của ông, ta an cho và Huệ Khả đáp không tìm thấy tâm. Tôi nghĩ không phải vậy. Huệ Khả không nhờ Đạt Ma an tâm Ngài và Đạt Ma cũng không nói ta an tâm rồi. Sử dụng ngôn ngữ không phải thiền. Trong yên lặng, thầy trò hiểu nhau và thấy pháp chân thật giống nhau, không cần nói. Nói, đưa ngôn ngữ vô là hỏng.
Quý vị thực tu thiền gặp thiền sự thật sẽ hiểu ý này. Ta ngồi trước mặt thiền sư, thiền sư yên lặng khiến tâm ta cũng yên lặng lần và sáng ra, hiểu được thâm ý của thiền sư, gọi là giáo ngoại biệt truyền. Pháp này không qua ngôn ngữ. Qua ngôn ngữ là lạc qua thực tế cuộc sống rồi. Vì vậy, đòi hỏi người ta thiền trong đêm khuya, vì trong đêm thanh vắng dễ tiếp nhận năng lượng thanh tịnh.
Thần Quang quỳ tới khuya, không cảm giác lạnh. Làm sao ngồi thiền không biết lạnh, điều này quan trọng. Tới chừng đó, tâm Thần Quang hoàn toàn yên tĩnh, tâm Đạt Ma cũng yên tĩnh. Trong lịch sử nói Thần Quang rút kiếm chặt cánh tay ném trước Đạt Ma. Vì trước đó, Đạt Ma mắng Thần Quang là ông đem thân tâm hèn mọn mà cầu pháp sao được. Bao giờ tuyết đổi thành màu hồng, ta truyền pháp. Điều này không biết có hay không. Tôi nghĩ không có.
Thần Quang chặt tay, máu đổ, nên tuyết có màu đỏ và ông nắm tuyết đỏ đưa Đạt Ma. Đạt Ma mới nói khả dĩ. Điều này có thể người dạy thiền diễn dịch.
Tôi nghĩ còn điều bí ẩn, không nói được, nên tôi diễn tả “Rạng ngời thiền tông” là giữa Phật với Ca Diếp, giữa Thần Quang với Đạt Ma, chúng ta phải suy nghĩ để áp dụng được điều gì lợi lạc cho sự thăng hoa con đường đi tới chân linh của mình. Chẳng lẽ cả đời tu mà để trắng tay hay sao.