Chánh niệm là năng lượng của sự tập trung tâm ý (định lực), là khả năng có mặt một trăm phần trăm cho những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta, là phép lạ giúp ta thực sự sống trọn vẹn từng giây phút và cũng là yếu tố căn bản để chữa lành, chuyển hóa và tạo an hòa trong gia đình, nơi làm việc và trong xã hội.
Hoa trái của sự tu tập chánh niệm là nhận biết rằng an lạc có sẵn trong ta và chung quanh ta, ngay bây giờ và ở đây.
Chánh niệm là một trong năm nguồn năng lượng tâm linh, đồng thời cũng là nền tảng cho những hành động phản ảnh quyền lực đích thực.
Nếu không biết tạo nên một môi trường chánh niệm trong gia đình hay ở nơi làm việc, ta sẽ chỉ đầu độc thêm cho cuộc sống của mình và gia đình mình mà thôi. Nhiều nhà doanh nghiệp đã nhận ra sự thật đó.
Không có chánh niệm, ta khó cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn với quyền lực kinh tế hay chính trị.
Chánh niệm giúp ta trở về tự thân và nhìn sâu vào hoàn cảnh của mình.
Chúng ta làm việc, nhưng chúng ta cũng đem tới chỗ làm những khó khăn, những niềm đau nỗi khổ riêng tư. Chánh niệm giúp ta ôm ấp và hiểu rõ đau khổ. Chánh niệm là căn bản chuyển hóa và chữa trị.
Vậy thì làm sao để có chánh niệm? Đây là một thực tập rất đơn giản nhưng cũng đầy thử thách. Thực tập chánh niệm đòi hỏi khi làm bất cứ việc gì cũng làm hết lòng, đầu tư một trăm phần trăm tâm ý vào cả những việc đơn giản nhất như nhặt một cây bút, mở một cuốn sách hay thắp một nén hương. Khi còn là một chú tiểu, tôi phải thắp hương trong chính điện nhiều lần trong ngày. Tôi đã được dạy là phải cầm cây hương lên bằng hai tay, tay trái đặt lên tay phải. Cây hương rất nhẹ, tại sao lại phải dùng cả hai tay? Lý do là tôi phải chú tâm một trăm phần trăm vào sự việc đơn giản là cầm nén hương trong tay. Khi quẹt một cây diêm và châm cây hương vào ngọn lửa, tôi cũng phải để tâm một trăm phần trăm. Đó là thực tập chánh niệm.
Khi uống trà, hành động rót trà vào chén cũng là một hành động thiền tập nếu ta rót trà trong chánh niệm. Đừng nghĩ tới quá khứ. Đừng nghĩ tới tương lai. Đừng lo phải làm gì ngày mai. Hãy chỉ chú tâm vào việc rót trà. Hãy đầu tư một trăm phần trăm vào giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Ai cũng biết rót trà, ai cũng biết uống trà, nhưng mấy ai biết rót trà trong chánh niệm và uống trà trong chánh niệm? Lý do là vì chúng ta luôn có xu hướng quên lãng hiện tại, vì chúng ta bị tập khí lôi cuốn. Tập khí là một thói quen, năng lượng của nó rất mạnh mà chúng ta phải thực tập để chuyển hóa. Càng chế ngự được tập khí thì chúng ta càng có khả năng sống trọn vẹn mỗi ngày.
Trong công việc, ta có thể cảm thấy có trách nhiệm với những ai đó, hay chỉ với riêng mình. Ý thức trách nhiệm là tốt. Ta cũng muốn thành công trong công việc, nhưng vì thiếu chánh niệm cho nên ta để cho ước muốn thành công cuốn hút. Ước muốn ấy sẽ trở thành một tập khí, thúc đẩy ta, làm ta không còn khả năng uống trà trong giây phút hiện tại, ngay cả khi nước trà đã vào miệng mà ta cũng không ý thức. Ta đang uống những dự án, những lo âu, những khó khăn của mình.
Theo lời Bụt dạy, sự sống chỉ có mặt trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Bụt nói: “Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến. Ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại.” Nếu đánh mất hiện tại thì sẽ đánh mất sự sống. Quá rõ ràng. Chánh niệm là một nguồn năng lượng và thực tập chánh niệm sẽ giúp ta trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với sự sống. Phép thực tập này đòi hỏi thời gian và sự nâng đỡ. Thiếu thời gian thực tập và không có môi trường thuận lợi thì khó mà thành công. Có khi đồng nghiệp của ta cũng muốn cùng ta thực tập nếu họ được truyền cảm hứng.
Bạn có thể có một ngôi nhà rất đẹp và một khu vườn đầy hoa. Bạn biết là trong vườn của mình có hoa, nhưng bạn lại không có thì giờ để thưởng thức. Bởi vì tâm trí bạn đang bị ám ảnh bởi những thắc mắc cần giải đáp, những vấn đề cần giải quyết. Bạn muốn bạn là “số một.” Thỉnh thoảng chắc bạn cũng đã thoáng giác ngộ rằng bạn có một vườn hoa rất đẹp và phải dành chút thì giờ để thưởng thức. Đó là do thiện chí. Rồi bạn ra vườn đi dạo, ngắm những nụ hoa đẹp, nhìn thảm cỏ xanh. Nhưng chỉ sau vài bước bạn đã bỏ cuộc, vì bạn đang có quá nhiều bận tâm về công việc. Như một nhà độc tài, mối bận tâm đó không cho bạn cơ hội tiếp xúc và thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống bây giờ và ở đây.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Còn chấp thì còn khổ, buông bỏ là giải thoát ( 5/01/2023 7:28)
- Nghiệp báo của ai người ấy tự trả ( 5/01/2023 7:25)
- Bốn pháp tâm tăng thượng: Niệm tưởng Như Lai ( 5/01/2023 7:23)
- Niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" siêu độ cho quỷ đói ( 4/01/2023 8:17)
- Nghèo thì càng phải ráng làm phước ( 4/01/2023 8:14)
- Năm mới từ đâu tới? ( 4/01/2023 8:02)
- Sinh làm con để báo thù ( 2/01/2023 8:09)
- Người Bắc Âu: Sống đơn giản, ít ham muốn để tâm linh an bình ( 2/01/2023 8:07)
- Muốn bớt chướng ngại lúc lâm chung cần treo hình Phật như thế nào? ( 2/01/2023 8:03)
- Loại bỏ lòng tham ( 1/01/2023 7:07)