Vô thường là một chân lý

8/03/2023 8:09
Nói đến vô thường, đó là một chân lý. Dù cho có Phật ra đời hay Phật không ra đời thì thế gian cũng là vô thường, vẫn luôn biến dịch không đứng một chỗ. Hiểu được thế thì cuộc sống của chúng ta bớt vướng mắc và cởi mở nhiều hơn.

Nói đến vô thường, đó là một chân lý. Dù cho có Phật ra đời hay Phật không ra đời thì thế gian cũng là vô thường, vẫn luôn biến dịch không đứng một chỗ. Hiểu được thế thì cuộc sống của chúng ta bớt vướng mắc và cởi mở nhiều hơn. Lâu nay, Phật tử đã nghe, hiểu được thế gian là vô thường, nhưng nghe mà có luôn nhớ như vậy không?

Nghe thì nghe vô thường, nhưng gặp chuyện vô thường cũng buồn cũng khổ. Nên hôm nay đưa ra đề tài này để giúp Phật tử nhận sâu thêm đạo lý này, tức là đem Phật pháp vào cuộc sống thế gian luôn biến dịch thay đổi này.

Người xưa có câu nói “Thương hải tang điền” tức là biển cả có lúc sẽ biến thành ruộng dâu, ruộng dâu cũng có thể sẽ biến thành biển cả. Đúng là như vậy. Hiện nay, có nơi đã lấp biển thành đồng bằng. Quý Thầy vừa viếng thăm nước Hà Lan (Holland) thấy người ta cũng lấp biển thành đồng bằng làm nơi cư trú. Vậy nói biển cả biến thành nương dâu quá rõ ràng. Rồi cũng có những chỗ nương dâu biến thành biển cả. Như vậy, thế gian không hề đứng yên một chỗ hay dừng lại mà con người lại cứ luôn muốn nắm bắt nó đứng một chỗ, nên chúng ta khổ là vậy đó.

Ví dụ, ở đời ai sanh ra rồi cũng phải lớn lên, già rồi chết, đó là lẽ thường. Tất cả sự biến đổi trong thế gian này đều phải trải qua như vậy. Còn chúng ta thương mến ai thì muốn gặp hoài, không muốn rời không muốn mất, nên khi mất thì khổ. Là Phật tử chúng ta hiểu rõ định luật vô thường luôn chi phối tất cả, như có câu “không thể tắm hai lần trong một dòng sông”, tức là khi vừa tắm lên rồi trở xuống nữa thì dòng nước khác trên kia đổ xuống, không phải dòng nước lúc trước nữa rồi.

Trong đời sống hằng ngày cũng vậy, đi đâu cảnh đẹp thì chụp hình để giữ lại, mà có giữ được không? Thấy cảnh hay, cảnh đẹp muốn giữ lại cho lâu mà giữ không được. Bởi vì thế gian là luôn thay đổi.Xưa, vua Trần Nhân Tông khi đi tu, Ngài lập ra phái Thiền Trúc Lâm nên gọi là Sơ Tổ Trúc Lâm. Trong bài kệ “Đăng Bảo Đài Sơn” tức là “Lên núi Bảo Đài” trong đó có câu:

Vạn sự thủy lưu thủy Bách niên tâm ngữ tâm.

(Trích Con đường giác ngộ)

Dịch:

Muôn việc nước trôi nước Trăm năm lòng nhủ lòng.

Muôn việc trên đời này như nước trôi nước. Dòng nước này đẩy dòng nước khác, cứ đẩy tới, đẩy tới không dừng, cuộc đời cũng vậy cứ đi tới, đi tới thôi. Rồi “trăm năm lòng nhủ lòng”. Tâm mình luôn nhắc thầm với lòng của mình, sự đời nó luôn biến đổi. Thấy đúng lẽ thật như vậy thì sẽ bớt khổ, nhẹ khổ. 



Thích Thông Phương

Các tin tức khác

Back to top