Chánh niệm và lo âu

14/03/2023 8:10
Một công trình nghiên cứu khoa học quan trọng đã được thực hiện tại Landmark Hoa Kỳ nhằm chứng minh hiệu quả của Thiền Chánh niệm đối với việc giảm thiểu và điều trị chứng lo âu kinh niên.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí bình duyệt JAMA Psychiatry vào ngày 9-11 vừa qua. Công trình đã được công nhận là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đầu tiên nhằm so sánh hiệu quả của việc điều trị giảm thiểu căng thẳng dựa trên việc thực hành chánh niệm có sự hướng dẫn (MBSR) với thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn Escitalopram.

Tiến sĩ Elizabeth Hoge, tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời cũng là giám đốc Chương trình Nghiên cứu Rối loạn Lo âu và Phó Giáo sư phân khoa Tâm thần học tại Georgetown, chia sẻ rằng những phát hiện này nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Thiền Chánh niệm như một phương pháp điều trị chứng lo âu và mở đường cho việc phổ biến rộng rãi phương pháp này trong cộng đồng y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

“Nghiên cứu của chúng tôi sẽ cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho các bác sĩ lâm sàng, các công ty bảo hiểm và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một lợi thế rất lớn của Thiền Chánh niệm là không yêu cầu bằng cấp lâm sàng để đào tạo ai đó trở thành một người hướng dẫn thực hành chánh niệm. Ngoài ra, các hoạt động điều trị có thể thực hiện bên ngoài môi trường y tế, chẳng hạn như tại khuôn viên của các trường đại học hoặc các trung tâm cộng đồng”, tiến sĩ cho biết.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, một tổ chức giáo dục và nghiên cứu y sinh có trụ sở tại Washington, DC, đã kết hợp với 276 bệnh nhân từ đầu tháng 6-2018 đến tháng 2-2020. Những người này được chỉ định ngẫu nhiên để áp dụng một liệu trình (MBSR) hoặc dùng thuốc Escitalopram trong thời gian 8 tuần. Tất cả các triệu chứng của bệnh nhân đều được ghi lại khi đến đăng ký và sau khi kết thúc 8 tuần với sự can thiệp điều trị cũng như các đánh giá sau điều trị trong 12 và 24 tuần lễ.

Vào cuối cuộc khảo sát, 102 bệnh nhân đã hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị bằng MBSR, trong khi 106 người khác cũng đã hoàn thành liệu trình Escitalopram theo đúng quy định. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá những người tham gia sau 8 tuần trên cùng một thang đo lâm sàng và nhận thấy rằng cả hai nhóm đều giảm khoảng 20% mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

“Tỷ lệ giảm thiểu triệu chứng ngang bằng nhau của hai phương pháp này là một điều đáng kinh ngạc, và giờ đây, chính điều đó đã mở ra một phương pháp điều trị tiềm năng hoàn toàn mới”, Tiến sĩ Hoge cũng nhấn mạnh. Mặc dù bản thân cô không khẳng định rằng thiền có thể thay thế hoàn toàn sự can thiệp của dược phẩm, nhưng nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng khoa học để hỗ trợ các lựa chọn điều trị mới.

Được khám phá và phát triển tại Trung tâm Y tế Đại học Massachusetts vào những năm 1970 bởi học giả, tác giả và Phật tử Thiền tông Jon Kabat-Zinn, MBSR đã được sử dụng để hỗ trợ và điều trị cho những người bị căng thẳng, lo lắng và trầm cảm trong nhiều thập kỷ thông qua sự kết hợp của chánh niệm, ý thức về các hoạt động của cơ thể và thực hành yoga.

Mặc dù MSBR có nguồn gốc từ giáo lý Phật giáo và được thực hiện dựa trên những nguyên tắc căn bản của Thiền Minh sát (Vipassana), nhưng chương trình điều trị này lại có mục tiêu vượt qua khỏi giới hạn của Phật giáo. Ý định của Kabat-Zinn khi thiết kế chương trình là mang đến những lợi ích cho nhiều đối tượng hơn, trong đó có cả những người không phải là Phật giáo hoặc không theo bất kỳ niềm tin hoặc tôn giáo nào.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry vào tháng 2 cho thấy chứng rối loạn lo âu là một căn bệnh tâm thần phổ biến nhất và ảnh hưởng đến tối thiểu là 301 triệu người trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Hoge chia sẻ thêm rằng hiệu quả của phương pháp điều trị dựa trên chánh niệm phụ thuộc rất nhiều vào cam kết kiên trì thực hành của bệnh nhân: “Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù Thiền Chánh niệm mang lại hiệu quả rất cao nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư thời gian và nỗ lực để hoàn thành tất cả các liệu pháp cần thiết cũng như duy trì thực hành thường xuyên tại nhà. Vì nếu được như thế thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn”.

Các phương pháp chánh niệm được áp dụng cho những người tham gia nhóm MBSR bao gồm theo dõi hơi thở, nhận biết những cử động của thân và hành động chánh niệm. Các bệnh nhân này thực hành thiền định 45 phút mỗi ngày tại nhà cũng như trong các khóa tu kéo dài cả ngày vào mỗi cuối tuần.

Có cùng ý kiến với Tiến sĩ Hoge, các nhà nghiên cứu khác đã đánh giá rất cao giá trị của công trình nghiên cứu này và những bằng chứng thực nghiệm mà nó đem lại. “Nghiên cứu này cho chúng ta biết rằng cả hai phương pháp điều trị (dược phẩm và chánh niệm) đều rất hữu ích và gần như mang lại kết quả tương đương nhau”, Michael Mrazek, Phó Giáo sư nghiên cứu của Đại học Texas nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Austin, người sáng lập trung tâm trí tuệ và tiềm năng con người tại Đại học California tại Santa Barbara cũng đề cao giá trị của nghiên cứu này: “Điều quan trọng là nghiên cứu cho hấy MBSR có thể đạt được kết quả tương tự với thuốc chữa bệnh và ít tác dụng phụ hơn rất nhiều.” 

Các tin tức khác

Back to top