Hãy nỗ lực đạt sơ quả trong đời này

17/04/2023 8:40
Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM được thành lập từ năm 1983 đến nay 2023 trải qua 40 năm. 20 năm trở lại đây, đất nước phát triển, Học viện cũng phát triển.

Tăng Ni được đào tạo đông hơn và việc đào tạo cũng mở rộng cho Phật tử theo chương trình học từ xa, cho đến đào tạo Tăng Ni tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ. Đó là một bước tiến khá dài về học thuật, nhưng đạo Phật đặt nặng việc tu hành để thành Phật. Chỉ học giáo lý không thành Phật. Phải thực hiện giáo lý trong cuộc sống có kết quả như Phật dạy mới thành Phật, cho nên Tăng Ni cần cố gắng thực hành giáo pháp, thanh tịnh hóa thân tâm là việc quan trọng. Vì vậy, tôi gợi ý về việc tu hành hơn là học thuật.

Đức Phật dạy không nên vội tin những điều người xưa để lại, thậm chí không tin đạo sư dẫn dắt. Nhưng phải nghĩ điều đó hợp lý hay không và áp dụng được kết quả thế nào là cách học Phật của chúng ta khác với các tôn giáo khác. 

Có người nói đạo Phật là đạo khoa học. Theo tôi, đạo Phật vẫn là tôn giáo, nhưng tôn giáo đặt nền tảng trên nhân bản, tức lấy con người là chính. Nếu chỉ là tôn giáo thôi thì đặt nặng thần linh và trao toàn quyền quyết định cho thượng đế. 

Đạo Phật là tôn giáo nhân bản, nghĩa là con người tự quyết định vận mạng của mình, từ đó trí tuệ được nâng lên đỉnh cao. Tuy nhiên, trí tuệ được chia làm hai, một là trí tuệ do học mà có và trí tuệ do tu mà được. Vì vậy, tất cả những kinh nghiệm của người xưa để lại, chúng ta học để có hiểu biết xa hơn.

Đạo Phật chủ trương có sự phát triển hiểu biết từ loài người cổ đại cho đến thời cận đại và hiện đại. Ta vẫn tiếp thu văn minh của loài người từ thời thần quyền tiến lên vương quyền cho đến nhân quyền. Ba thời kỳ phát triển này của nhân loại mà người học Phật phải biết, nhưng đó là sự phát triển của xã hội.

Phật giáo còn có sự phát triển tâm linh gọi là trí tuệ vô lậu và tu theo Phật là phát triển hiểu biết để có tuệ vô lậu, từ hiểu biết do học cho đến hiểu biết tâm linh do tu mới có. Người chỉ học mà không tu là học giả, khác với chúng ta, tu là chính để trở thành Hiền thánh. 

Ban đầu, chúng ta học hết văn minh Đông Tây và xa hơn chúng ta học Phật học, từ Phật giáo Nguyên thủy, đến Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Kim cang thừa mà trường chúng ta dạy đủ. Chúng ta học ba hình thức Phật giáo này để biết được kinh nghiệm tu hành của những vị đi trước, căn cứ vào đó, chúng ta phát triển cái mới. 

Ngoài học thuật, Phật giáo đề cao giới, định, tuệ. Giới là đạo đức, định là tâm hồn bình ổn và tuệ là sáng suốt. Trí sáng do định mà có trực giác là hiểu biết của người tu, học chỉ biết theo sách vở. 

Sự hiểu biết về tâm linh, thấp nhất là hiểu biết của chúng ta do quỷ thần mách bảo. Thực tế chúng ta là người nhưng giao cảm được với quỷ thần, tức bắt đầu vào thế giới siêu hình là thế giới của quỷ thần, chư thiên và chư Phật. Muốn vô thế giới siêu hình này phải có Chánh niệm, Chánh định, tức sức tập trung tư tưởng. Như vậy, người vào thế giới vô hình được chỉ có những người tu thực tập Tứ niệm xứ cho đến thất Bồ-đề phần và Bát Thánh đạo để trở thành con người siêu nhiên mới vào thế giới siêu nhiên và làm được những việc bất khả tư nghì. 

Như các bậc cao tăng làm được việc khó làm mà không thấy các ngài làm gì. Vua Tống Nhân Tông ở Trung Hoa nhận thấy điều này rằng Nhà nước lo mọi cách cho dân, nhưng vẫn không làm vừa lòng dân, vừa lòng người này thì mất lòng người khác, đoàn thể này đồng ý thì đoàn thể khác bất bình… Trong lúc cao tăng ung dung tự tại, không nhọc sức làm nhưng nhân dân hết lòng kính trọng. Ông nói những người ung dung tự tại này hiện hữu là thầy của trời, người, khuất dạng thì trở về cõi Thánh. Nghĩa là từ thế giới nào, họ sanh lại thế giới này thì thực nghiệm một số pháp xong, họ trở về cõi Thánh. Đó là thế giới của người tu mà người ngoại cuộc không biết được. 

Tụng kinh Pháp hoa, tôi đọc câu: “Hành giả Pháp hoa là người thành Vô thượng Đẳng giác vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời”. Như vậy, có phải người tụng Pháp hoa là người thành Phật rồi, sanh lại hay không? Điều này chúng ta phải cân nhắc. Người thành Phật sanh lại mới là hành giả Pháp hoa. Chúng ta tụng kinh Pháp hoa không phải là hành giả Pháp hoa. 

Ngoài ra, phẩm Thí dụ thứ ba, kinh Pháp hoa cho chúng ta thấy rằng người ra khỏi Nhà lửa tam giới, lên đại bạch ngưu xa mới có năng lực ra vào tam giới tùy ý. Nghĩa là họ ở ngoài tam giới đi vào tam giới để thực hiện một số ý định và làm xong ý nguyện rồi, họ lại ra khỏi tam giới. Họ ra vô tam giới hoàn toàn tự tại. 

Còn chúng ta có biết mình từ thế giới nào sanh lại hay không? Chúng ta ở trong sinh tử nhưng chưa biết sinh tử, còn kẹt sinh tử. Chúng ta phải thực tập pháp Phật, quán sát từ lúc mình sanh ra, sống một thời gian và từ giã cuộc đời để nhận ra mình từ thế giới nào sanh lại thế giới này và hoàn tất một số việc theo mục tiêu đề ra thì về thế giới nào. 

Đức Phật chỉ ra các loại hình thế giới, gần nhất là thế giới siêu hình của quỷ thần. Đa số người nhận ra được mình từ thế giới quỷ thần sanh lại làm người và chết thì trở lại thế giới quỷ thần. Thế giới quỷ thần mà thấp nhất là người chết thành ma và ma sanh lại làm người.

Riêng tôi thường quán tưởng coi đời trước mình là gì mà sanh lại đây. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi nhận ra nhiều đời trước tôi đã tu hành theo Phật và từ dạng trung ấm, tôi sanh lại làm thầy tu. Tôi nói như vậy, vì cha mẹ tôi lên núi Bà Đen lạy Phật, lạy Bà mà sanh ra tôi. Trải qua quá trình tu hành, thần thức của tôi về núi tu, vì bản thân tôi vốn thích cảnh núi non thanh tịnh. Một ngày đủ duyên, cha mẹ tôi lên núi cầu tự, hồn tôi đang ở núi và do độ cảm tâm với lòng thành của hai đấng sanh thành mà tôi tái sanh làm thầy tu. Gia đình tôi có bốn anh chị em, chỉ một mình tôi là thầy tu. Đời trước tôi là thầy tu nên tái sanh làm thầy tu. 

Tôi nói người chết làm ma, ma sanh lại làm người. Thế giới này có nhiều loại ma, nhưng ma tham, ma sân, ma si nhiều nhất. Thầy tu đã diệt ma tham sân si, nên không lệ thuộc cuộc sống nhiều. Các vị kiểm chứng sẽ thấy rõ điều này. Tôi có những bạn tu, người thì kẹt tham, người kẹt sân, người kẹt si, tu một thời gian gặp cám dỗ, hoặc bực tức, không tu nữa. Tu hành mà không thấy gì xa hơn cuộc sống bình thường nên dễ tham sân si, bỏ tu, không đi trọn cuộc đời tu. Vì vậy, tôi chia sẻ với Tăng Ni việc quan trọng nhất phải đoạn tham sân si, không bực tức, không ham muốn, bình tĩnh, sáng suốt. 

Người nào đi tu không kẹt ăn, mặc, ở, danh lợi, chúng ta biết người này là thầy tu chết sanh lại làm thầy tu nữa. Điều này dễ nhận nhất trong sinh tử luân hồi. Kiếp này chúng ta tu được phần nào, cuộc sống chúng ta sẽ nhẹ hơn. Thực tế so với các bạn đồng tu, việc ăn mặc của tôi đơn giản và gặp nguy hiểm, tôi không sợ. Tôi biết đời trước mình tu rồi, nên đời này tiếp tục tu. Và gặp Hòa thượng Trí Tịnh, tôi càng xác định điều này hơn. Hòa thượng Vạn Linh nói với đại chúng rằng ông này đời trước là Hòa thượng và đời này cũng là Hòa thượng, đừng xem thường. Nghe Tổ dạy như vậy, Hòa thượng Trí Tịnh liền nhận biết được đời trước mình đã tu rồi. Ngài học thuộc kinh rất nhanh, bộ kinh Pháp hoa chữ Hán ngài thuộc lòng. 

Đời trước mình tu rồi, đời này sanh lại có điều kiện tu tốt hơn, nghĩa là mang thân ngũ ấm nhưng có được mối liên hệ tương thông đa chiều, cụ thể là mình sống thì liên hệ với người sống, khi ngủ thì liên hệ với người vô hình và chết thì liên hệ với Phật, Bồ-tát.

Hãy nỗ lực đạt sơ quả trong đời này ảnh 1

Gặp các vị cao tăng, tôi thấy họ có hiểu biết kỳ diệu làm tôi vững niềm tin về lý này. Ở Nhật Bản, tôi thăm Đức Pháp chủ Tịnh Độ tông, ngài mù mắt, nhưng nghe giọng nói của tôi, ngài biết được vận mạng của tôi rất đúng. Ngài biết những điều mà người bình thường không biết. Gặp Hòa thượng khác nói rằng nghe tiếng mõ, tiếng chuông, hay giọng tụng kinh thì biết người này tu đến đâu. Tôi cũng nghiệm ra người phiền não nhiều, bực tức, ham muốn bên trong sẽ thể hiện ra giọng tụng kinh như vậy. 

Lắng lòng thanh tịnh, quý vị sẽ nhận ra người từ đâu sanh lại, vì bản chất đời trước của họ vẫn còn tồn đọng trong hiện đời. Hòa thượng Từ Nhơn kể rằng khi còn ở điệu, có ông điệu ăn no rồi ngủ. Hòa thượng hỏi sao ông không học kinh. Ông đáp, huynh học đi, tôi là heo, không học được. Đằng sau ót của ông có một chòm lông giống lông heo và cũng có mùi heo. Cảm tính đời trước của ông là heo vẫn còn, nên thích ăn ngủ thôi. Cốt cách đời trước là thầy tu, là chánh khách, là tướng lãnh, là lính, hay là nông dân thì sanh lại cũng có cốt cách như vậy. Trong dân gian có tục lệ để đồ chơi trước mặt đứa trẻ 3 tuổi chưa biết gì cuộc đời. Nó bốc cái nào thì có thể đoán định đời trước của nó, vì nghiệp của nó còn nên nó thấy vật quen dễ dàng nhận ra. Thí dụ đời trước là lính thường cầm súng, thì nay thấy cây súng là bốc liền. 

Mình biết người từ đâu sanh lại, vì trong sáu nẻo luân hồi, sự quan hệ mật thiết rất gần và dễ thấy rõ. Là người học Phật sanh lại thì có tánh Phật bên trong sẵn. Ý này nghiên cứu chúng ta hiểu rõ. 

Như Phật Thích Ca sanh lại, không phải Ngài mới thành Phật. Có người nói Đức Thích Ca mới thành Phật. Có người nói Ngài là Bồ-tát Hộ Minh ở cung trời Đâu Suất sanh lại. Cũng có người nói Ngài là Phật vì thương nhân gian mà sanh lại, từ ý này mới có kinh Pháp hoa nói rằng Phật hay hành giả Pháp hoa có thân người đạo đức thuần thiện giống như hoa sen và tâm như viên ngọc sáng không tì vết. Ngài thông minh xuất chúng, biết việc mà mọi người không biết. Thái tử mới 8 tuổi mà hỏi thầy dạy rằng ông định dạy sách nào. Ngài đưa ra những quyển sách mà ông chưa từng đọc qua và những ngôn ngữ thái tử sử dụng, ông không hề biết. Như vậy làm sao dạy được thái tử. Quả tình chúng ta nhận ra Đức Phật Thích Ca là bậc siêu phàm hiện thân lại thế gian này để cứu độ chúng sanh, cho nên từ khi Phật vào Niết-bàn đến nay, chưa có vị Phật nào ra đời. Người tự xưng là Phật chắc chắn là giả.

Đọc kinh Phật, tôi suy nghĩ ai là Phật, là Bồ-tát hay là Thánh sanh lại. Và Thánh Tăng sanh làm người phải tiếp tục tu cho đến có được phước đức, trí tuệ viên mãn mới thành tựu quả vị Phật. Phật dạy rằng tu hành đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn thì tu thêm nhiều lắm là bảy đời nữa, thể nghiệm trọn vẹn Tứ thánh đế đắc Thánh quả La-hán. Thực tập lời Phật dạy, tôi cố gắng đạt Sơ quả Tu-đà-hoàn để không mất kiếp, bảo đảm không đọa.

Nhớ lại kỳ Đại hội thống nhất Phật giáo năm 1981, phiên họp đầu tiên tại chùa Xá Lợi, Hòa thượng Trí Tịnh đem trái hồng nhung tặng cho Ban Thường trực. Hòa thượng Kim Cương Tử hỏi tôi ngài cho một trái hồng nhung thì làm sao chia? Lúc đó, tôi đang suy nghĩ về quả Dự lưu Tu-đà-hoàn. Tôi nói chắc Hòa thượng muốn nói với mình là hàng lãnh đạo thì tối thiểu phải chứng được Dự lưu. Dự lưu thì sao? Tức hàng lãnh đạo nhưng còn kẹt ăn mặc ở, danh vọng thì nguy hiểm. Phải cố gắng đạt Sơ quả không kẹt vật chất ăn mặc ở. Cho gì ăn đó, không có thì thôi, hạn chế tối đa ăn mặc để không tốn kém và không lệ thuộc vật chất mới hy vọng chứng Sơ quả.

Người bạn đồng tu với tôi lúc nào cũng lo đói, ông luôn mua gạo để dành cho đến mốc mới ăn rồi lại mua gạo để dành, lúc nào cũng ăn gạo mốc. Bị vật chất chi phối như vậy, làm sao vào thiền định chứng Sơ quả, phí đời tu. 

Phật dạy tu hành không kẹt đói khát, nóng lạnh. Tôi tập nhịn ăn uống. Bác sĩ khuyên phải uống 2 lít nước mỗi ngày. Tôi tập uống ít lần. Ăn ít nhưng không đói và uống rất ít mà không khát và cũng không bị sạn thận, đó là thế giới của người tu không kẹt ăn uống, ngủ nghỉ. 

Ngủ nghỉ của mình là gì? Ngủ là mệt, thân phải nghỉ và nghỉ sâu là ngủ, nhưng người tu tập ít ngủ và thay ngủ bằng thiền định. Tập được pháp này, chúng ta mới vào dòng Thánh được. Không vô dòng Thánh, muôn đời ở trong lục đạo. Quyết tâm ra sinh tử luân hồi phải tập pháp này. Thử không ngủ xem sao. Tôi phát hiện thực sự thiền thay cho ngủ. Thiền đúng pháp, cơ thể không mệt và điều hòa hơi thở, ăn uống thì mình sẽ lấy được không khí, lấy được nước giúp thân mình được nghỉ ngơi. Như vậy, không kẹt đói khát và không kẹt nóng lạnh. Chỉ có thiền định mà vượt ngoài nóng lạnh. Trời nóng nhưng tôi nhập định không thấy nóng. 

Phật dạy không kẹt đói khát, nóng lạnh để vào Dự lưu. Bước một như vậy không kẹt vật chất và qua bước hai, tinh thần không lệ thuộc, mình mới sáng được. Thầy tu không làm vừa lòng ai, nhưng không mất lòng ai. Thầy tu tập pháp này và ai cũng vừa lòng, chúng ta thành công. Thầy tu không lệ thuộc tình cảm ủy mị, tập sống thực, nhưng được người quý trọng là ta bước lên dòng Thánh. Dù họ nói gì, nghĩ gì, nhưng ta vẫn là ta. Để biết điều này, chúng ta quan sát người xung quanh. Kinh Pháp hoa nói ý này rằng biết chúng sanh muốn gì, nghĩ gì. 

Tóm lại, người tu chưa vào dòng Thánh mà tiếp xúc với cuộc đời sẽ bị đọa. Vượt được sự chi phối của vật chất và tình cảm, chúng ta bắt đầu nhập vào dòng Thánh và tiếp tục tu thêm bảy đời nữa là đắc A-la-hán. Đó là con đường từ nhân lên quả Thánh mà chúng ta phải đi. Đức Phật đưa bản đồ cho tiến trình tu hành này, đầu tiên thực tập thiền Tứ niệm xứ để chứng Dự lưu Sơ quả. 

Sau đó tiếp tục thể nghiệm các pháp tu của 37 Trợ đạo phẩm, lên Nhị quả, Tam quả và thành tựu Bát Thánh đạo, đắc Tứ quả A-la-hán có cuộc sống hoàn toàn tự nhiên. Nghĩa là dưới Tứ quả còn thực tập tám điều là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Nhưng đắc La-hán, tự nhiên sử dụng tám pháp này hoàn toàn tự tại, không cần dụng công. Thực tế là vị La-hán thân tâm thanh tịnh hoàn toàn và với trí sáng thấy đúng như thật, nên hành xử không sai lầm. Còn chúng ta thấy không đúng, vì thấy theo nghiệp phải khổ. 

Trên bước đường hành đạo, nhiều thầy tu lâu, nuôi đệ tử cũng muốn họ đỗ đạt, thành danh. Tôi không muốn như vậy, vì thấy rõ họ là Bồ-tát sanh lại, hơn mình thì mình phải kính trọng. Người quyết tâm tu, không cho tu, họ cũng tu là đệ tử Phật nhiều đời đã tu. Trái lại, với người không muốn tu mà ép tu thì vô chùa, họ phá lắm. Người không có căn lành không cho tu. Tu hành tối thiểu từ con người thể nghiệm pháp Phật phải vào Sơ quả làm thềm thang tiến lên Thánh quả La-hán, như đã nói, chỉ qua bảy đời là được. Cầu Phật gia hộ tất cả huynh đệ chứng quả Tu-đà-hoàn để không rơi vào sinh tử và tiếp bước lộ trình Phật đạo.

Các tin tức khác

Back to top