Đức Phật nhập định một tuần đứng nhìn cây Bồ đề, nhằm biểu lộ lòng biết ơn đối với cây Bồ đề đã che chở mưa nắng cho Ngài trong suốt thời gian tu tập.
Theo truyền thuyết kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật ngồi dưới cội cây Bồ đề để thuyết kinh Hoa Nghiêm, nhưng đó chỉ là truyền thuyết. Còn sự thật lịch sử bài thuyết pháp đầu tiên mà Đức Phật dạy cho loài người và loài trời là bài học của lòng biết ơn qua hình ảnh Ngài đứng nhìn cây Bồ đề suốt một tuần.
Chúng ta thấy ý nghĩa Đức Phật nhìn cây Bồ đề là Ngài dạy cho chúng ta “khi một người thành công được cái gì trong cuộc đời này, điều đầu tiên phải nghĩ tới, không là tương lai mà chính là lui lại quá khứ. Nhìn lại những ân nghĩa mà chúng ta đã thọ nhận để có kết quả như ngày hôm nay”.
Như một người vừa tốt nghiệp ra trường làm kỷ sư. Nếu người này không biết đạo Phật thì chỉ biết nhìn tới trước xem mình phải làm công sở nào, chừng nào mới mua được nhà, chừng nào lập gia đình v.v…Còn người biết đạo Phật, vừa tốt nghiệp ra trường là nhìn lại quá khứ, tưởng nhớ nhờ những ai mà mình được như ngày nay.
Trong cuộc sống cũng như vậy, đa số chúng ta ai cũng trải qua cuộc đời với bao nổi thăng trầm, đến nay thì coi như yên ổn. Chúng ta bỏ hết mọi cái vinh nhục cuộc đời để sống trong thực tế, sống với đạo. Mà đến với đạo cũng là một cái được đối với mình, nghĩa là chúng ta có được đạo để hiểu biết, để sống. Thì ngang đây, chúng ta cũng quay lưng để nhìn lại một chút, xem những ai trong cuộc đời đã đưa chúng ta đến ngày hôm nay. Đó là một ý nghĩa của lòng biết ơn.
Còn nếu nói rộng ở trong cuộc sống này, chúng ta thấy cái ân nghĩa mà ta phải chịu giữa cuộc đời này quá nhiều. Từ hình hài do cha mẹ sinh. Ăn miếng cơm thuộc về người nông dân. Mặc quần áo thuộc về người thợ dệt. Đi trên chiếc xe thuộc về hảng xưởng, những người kỷ sư, những người công nhân. Đặt chân trên đường đi, công lao thuộc về những người làm đường. Chúng ta ngồi nghe Pháp, âm thanh phát ra thuộc về những nhà khoa học… Nghĩa là mỗi bước chân đi, mỗi sự sống trôi qua là chúng ta sống trên ân nghĩa không biết của bao nhiêu người.
Do đó, sống trên cuộc đời mà chúng ta không nhìn thấy mối tương quan ân nghĩa đó, cứ mãi tiếp tục đi tìm ích lợi riêng tư thì thật không xứng đáng là đệ tử Phật. Cho nên từng giờ từng phút trong cuộc sống, phải xét hết những mối tương quan, để thấy cái ân nghĩa mà chúng ta thọ nhận của cuộc đời rất là nhiều. Từ đó, mới thấy trách nhiệm phải làm gì trong cuộc sống này, để bù đắp lại nếu không muốn mình là người vô ơn.
Chúng ta nguyện suốt đời còn lại, sẽ sống vị tha một cách trọn vẹn vì người khác, để đền đáp ân nghĩa của bao nhiêu người trong cuộc đời mà mình đã thọ nhận. Đầu tiên là cha mẹ người đã cho chúng ta hình hài, đã nâng niu, che chở, đỡ đần, nuôi dưỡng mình từ những hơi thở đầu tiên của cuộc sống. Sau đó, mới đến những ân nghĩa khác nối tiếp trong cuộc đời.
TT. Thích Chân Quang
Các tin tức khác
- Loài vật cũng thương yêu con mình đến đứt ruột (15/05/2023 8:54)
- Quán thân để đi đến xả ly (15/05/2023 8:52)
- Ba cách tốt nhất để báo đáp lòng tốt của người khác (14/05/2023 8:17)
- Ý muốn thiện sẽ nuôi dưỡng cho việc làm thiện trong tương lai (14/05/2023 8:10)
- Người có thấu hiểu thì mới có từ bi (13/05/2023 8:31)
- Người giữ tâm khiêm hạ ắt có phúc báo lớn (13/05/2023 8:26)
- Ngũ thông tiên nhân (13/05/2023 8:22)
- Làm thế nào để sống an ổn với người mình không yêu thích? (13/05/2023 8:19)
- Sự bận tâm vô ích làm hao tổn thời gian, sức lực và phước lành (13/05/2023 8:17)
- Lãng phí thức ăn là gieo nhân làm ma đói (12/05/2023 8:23)