Năm pháp bình đẳng

28/01/2014 9:49
Giảng về diệu lý Bát Nhã của Bộ Kinh Kim Cang là pháp môn bình đẳng. Chúng ta phần đông đều không hiểu cho nên đầu lại thêm đầu, tướng lại thủ tướng đem cái pháp bình đẳng biến thành không bình đẳng.

Thứ Nhất là: "Sinh Phật bình đẳng".

Sinh là chúng sinh, Phật là mười phương chư Phật. Lúc tôi mười hai tuổi thì xem Kinh Pháp Bảo Ðàn, càng xem càng thấy thích, tôi mười lăm tuổi mới đi học, mười sáu tuổi thì giảng Kinh, tôi hiểu Kinh được mấy chữ thì giảng mấy chữ. Giảng Kinh gì ? Giảng Pháp Bảo Ðàn Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh A Di Ðà ? Giảng cho ai nghe ? Cho một số người xuất gia nghe nghe. Tôi là người cư sĩ giảng Kinh cho các vị xuất gia nghe. Tại sao ? Vì các vị xuất gia đó không biết chữ, muốn học Phật pháp mà không có chỗ nào để học. Nhân vì tôi ở trong Chùa lại biết được mấy chữ, cho nên hằng ngày giảng Kinh cho các vị ấy nghe.

Khi giảng Kinh Pháp Bảo Ðàn đến chỗ :

"Pháp có đốn tiệm,
Mê ngộ có mau chậm".

Tôi liền nghĩ sao lại có đốn, có tiệm ? Ðốn là gì ? Tiệm là gì ? Ðốn tiệm giống nhau chăng ? Hoặc là khác nhau ? Sau đó tôi bèn biên một bức đối liễn.

Vế trước nói : "Ðốn tiệm tuy thù, thành công tắc nhứt, hà phân nam bắc". Ðốn tiệm tuy không giống nhau. Ðốn là lập tức thành Phật. Tiệm là từ từ thành Phật. Ðốn tiệm tuy khác, nhưng đợi đến lúc thành công thì đốn mà chẳng phải đốn, tiệm mà chẳng phải tiệm. Ðốn tiệm đều chẳng có, hà tất lại phân chia nam bắc ? Phương nam là Lục Tổ Huệ Năng giảng đốn pháp, phía bắc là Thần Tú Ðại Sư giảng tiệm pháp. Ðệ tử đôi bên hỗ tương tranh chấp, đều nói môn phái của mình mới là chánh tông.

Lại nói đốn từ đâu đến ? Tuy hiện tại đốn nhiên khai ngộ, đó là vì quá khứ đời đời kiếp kiếp, đều tu hành trong Phật pháp, thời gian lâu dài đến thời kỳ tất khai ngộ. Còn tiệm ? Tiệm thì hiện tại bây giờ tu từ từ, đợi khi nào tu thành công thì cũng là đốn. Cho nên tôi mới nói không có đốn mà cũng không có tiệm.

"Hà phân nam bắc". Bạn hà tất phải phân nam, phân bắc, phân chia địa phương. Bạn nói nam, khi bạn đến cực nam lại biến thành bắc. Kinh Lăng Nghiêm có nói về trung (ở giữa). Gì gọi là trung ? Trung ở đây là từ hướng đông nhìn tức thành hướng tây. Từ hướng nam mà quán thì biến thành hướng bắc. Cho nên không có nam bắc. Hà tất có tâm phân biệt nhiều như thế ? Vế sau nói : "Thánh phàm tạm dị, căn tính khước đồng, mạc luận đông tây". Thánh tức là Phật. Phật gọi là Thánh nhân. Phàm tức là chúng sinh. Tuy nhiên tạm thời là khác nhau, nhưng căn tính lại giống nhau.

Tính vốn đều là Phật tính ; Phật cũng từ Phật tính mà thành. Chúng sinh cũng từ Phật tính mà thành. Bạn đừng luận nói Phật A Di Ðà ở phương tây là Phật, còn hết thảy chúng sinh ở phương đông là chúng sinh. Ðừng có tâm phân biệt nhiều như thế cho nên Vĩnh Gia Ðại Sư nói :

"Diệc vô nhân, diệt vô Phật,
Ðại thiên sa giới hải trung âu,
Nhất thiết Thánh hiền như điện phất".

Nghiã rằng :

"Cũng chẳng có người, cũng chẳng có Phật,
Hết thảy thế giới như bọt trong biển,
Tất cả Thánh hiền như điện chớp".

Nếu như bạn hiểu Phật pháp, thì vật gì cũng đều không có. Bạn giác ngộ thì là Phật pháp, bạn không giác ngộ thì chẳng hiểu Phật pháp. Không giác ngộ cũng là Phật pháp, chỉ vì bạn không hiểu mà thôi. Cho nên tôi mới nói :"Sinh Phật bình đẳng". Chúng sinh từ đâu lại làm chúng sinh? Chúng sinh từ Phật thị hiện ra làm chúng sinh. Làm thế nào để trở thành Phật ? Chúng sinh trở về cội nguồn thì thành Phật. Ðây cũng gọi là "Thánh phàm không hai", tức là "Sinh Phật bình đẳng".

Thứ Hai: "Không, có bình đẳng".

Không là gì ? Kinh Pháp Bảo Ðàn có nói : "Hỏi không thì dùng có để đáp". Không là gì ? Không tức là có. Bạn thể hội được "Không, có không hai", "Không, có bình đẳng". Cũng không chấp thường, cũng không chấp đoạn. Bạn chấp đoạn thì rơi vào "Không", chấp thường thì rơi vào "Có". Cho nên "Không, có không hai", "Không, có bình đẳng", mới là trung đạo. Chân không không ngại diệu hữu. Diệu hữu không ngại chân không. Chân không cũng là diệu hữu, diệu hữu cũng là chân không. "Không" là thế nào ? "Không" là do "Có" mà hiện "Không". Thế nào gọi là "Có" ? "Có" là do "Không" mà hiện "Có". Không có "Không" mà cũng chẳng có "Có". Không có "Có" sao lại có cái "Không". Cho nên "Không, có không hai". Tức là "Không, có bình đẳng".

Thứ Ba: "Các Pháp bình đẳng".

Kinh Kim Cang có nói :"Là pháp bình đẳng, không có cao thấp, cho nên gọi là chánh đẳng chánh giác". Ðây là các pháp bình đẳng. Như Lai không chỗ đến cũng không chỗ đi, không đến không đi là các pháp bình đẳng.

Thứ Tư: "Một nhiều bình đẳng".

Một cũng là nhiều, nhiều cũng là một. Một hạt bụi tức là ba ngàn đại thiên thế giới. Ba ngàn đại thiên thế giới cũng là một hạt bụi, không có phân biệt. Chúng sinh ngu si, nên tâm phân biệt quá nhiều. Nói cái này nhiều, cái kia ít, mà "Nhiều" là từ "Ít" mà có, "Ít" là từ "Nhiều" mà có. Cho nên gọi "Một nhiều bình đẳng" hoặc cũng gọi hạt bụi thế giới. Thế giới cũng là hạt bụi, hạt bụi cũng là thế giới.

Thứ Năm: "Chư kiến bình đẳng".

Nào là ngã kiến (thấy cái ta), nhân kiến (thấy người), chúng sinh kiến (thấy chúng sinh), thọ giả kiến (thấy tuổi thọ), đều chẳng có. Cho nên gọi là chư kiến bình đẳng. Năm pháp bình đẳng này là tinh túy toàn bộ Kinh Kim Cang. Hơn nữa Kinh Kim Cang cần phải có chữ "Tin". Bát Nhã là lý không, bạn nên tin. Giả như bạn không tin lý không thì giảng nhiều hay ít đều vô dụng *. Phật pháp như biển cả, chỉ có chữ tin mới vào được. Bạn có tín tâm thì mới có thể đi vào biển Phật pháp được.

HT Tuyên Hóa (Trích trong 'Nhân Sinh Yếu Nghĩa')

Các tin tức khác

Back to top