Mất phước mới là điều đáng sợ

25/06/2023 8:19
Chỉ khi ta biết kiềm chế, từ chối những cuộc vui xao động, sống một đời nghiêm túc, có giới hạnh, tạo phước mãi thì càng về sau ta càng được người khác nể trọng, tâm hồn càng thăng hoa.

Chúng ta từ chối những cuộc vui vô bổ để tránh không mất tiền và mất phước, mà mất phước mới là đáng sợ. Bởi khi phước tổn thì kho hạnh phúc của ta bị hao hụt, ta khó tu và mất dần giá trị.

Chỉ khi ta biết kiềm chế, từ chối những cuộc vui xao động, sống một đời nghiêm túc, có giới hạnh, tạo phước mãi thì càng về sau ta càng được người khác nể trọng, tâm hồn càng thăng hoa.

Đặc biệt, nếu phước đó được kết hợp với công phu tu tập thiền định thì sau này ta sẽ được hưởng niềm hạnh phúc cao cả nhất, đó là sự khai mở tâm linh, sự an lạc vi diệu cao siêu trong thiền định. Đó là niềm hạnh phúc của bậc Thánh.

Ta được ăn một món ngon, được vui chơi thoải mái, được mọi người ngợi khen, được vinh quang, danh vọng,.. đều là hạnh phúc trần gian. Chỉ có an lạc vi diệu của thiền định mới là hạnh phúc bền lâu.

Nếu trước đây chưa hiểu đạo lý, ta lỡ hưởng thụ, vui chơi, lỡ đi tìm niềm vui thế gian thì thôi, cái đó không đáng trách lắm. Nhưng khi đã quy y Tam Bảo rồi thì buộc chúng ta phải đi tìm niềm hạnh phúc của Thánh, chứ không được tìm hạnh phúc tầm thường của phàm phu nữa.

Đó là một bổn phận thiêng liêng của người đệ tử Phật. Đức Phật chế ra giới luật cho Phật tử và cho cả người xuất gia để chúng ta kiềm chế, không làm điều sai, khước từ những lạc thú trần gian, để dành tổng kho hạnh phúc, dồn phước vào công phu tu tập thiền định, để trở thành một bậc Thánh tương lai.

Hiểu điều này ta mới hoan hỷ trì giới, mới thấm thía, cúi đầu biết ơn Phật. Người đã cấm ta, đã ngăn không cho ta trở thành một người tầm thường. Đức Phật là đấng cha lành cực kỳ sáng suốt, cực kỳ trí tuệ. Người muốn tất cả những người con của Người đều trở thành những bậc Thánh cao siêu. Hạnh phúc đó mới thật vững bền, vĩnh cửu mà cao thượng bao la. 


TT. Thích Chân Quang

Các tin tức khác

Back to top