Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. …
Đức Phật nói:
- Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ kém cỏi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không thường đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh đức, người ấy không thường đến nơi đó hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa chư tôn, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu?
Thế nào là trắng, thế nào là đen? Trắng đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại như thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai như thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?’ Giả sử có hỏi nhưng không chịu thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ kém cỏi. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo trí tuệ kém cỏi, nghĩa là kẻ nam hay người nữ ấy không có thường đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
- Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ tốt đẹp? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh đức, người ấy thường đến nơi ấy mà hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa chư tôn, thế nào là nghiệp thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu?
Thế nào là trắng, thế nào lào đen? Trắng và đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại là thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai là thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?’. Hỏi xong lại thường thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ tốt đẹp. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có trí tuệ tốt đẹp, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Căn bổn phân biệt, kinh Anh vũ, số 170 [trích])
Theo đạo Phật, trí tuệ là hiểu rõ đạo lý, là chánh tri kiến chứ không phải là thông minh và hiểu biết thông thường. Người nào tự suy nghiệm hay học hỏi nơi các bậc thiện tri thức về sự tạo nghiệp thiện ác, về có tội và không tội, về quả báo trong hiện tại cùng vị lai để điều chỉnh suy nghĩ, lời nói, hành động sao cho thiện lành là có trí tuệ.
Xung quanh ta có vô số người thông minh, lanh lợi. Họ đã tận dụng những lợi thế của mình để vun vén cho bản thân và gia đình bằng mọi cách để rồi phải trả giá vô cùng chua chát. Khi thân bại danh liệt, chắc chắn rằng họ sẽ nghiệm ra “Chữ tài liền với chữ tai một vần” để thấy mình khôn lanh mà vô trí. Có tài phải cần thêm có đức mới thành công bền vững. Đức chính là đạo đức, phẩm hạnh do trí tuệ thấy rõ thiện ác, tốt xấu; việc ác xấu thì không làm, việc tốt thiện thì phát huy.
Không học tập đạo lý (tin hiểu nhân quả, duyên sinh…), cứ tạo nghiệp theo sự dẫn dắt của tham ái và vô minh thì không có trí tuệ, đi vào con đường ác và chịu quả báo nặng nề trong hiện tại và mai sau. Những ai biết dừng lại trước cám dỗ là sáng suốt, vững chãi, trong đó có phần nhờ căn lành tuệ giác từ nhiều đời hỗ trợ. Thế nên, mỗi người cần phát huy tuệ giác, thấy rõ nhân quả-nghiệp báo để chuyển hóa các nghiệp ác, phát triển các nghiệp lành, xây dựng cuộc sống “nay vui, đời sau vui”. Làm được như vậy mới đích thực là người có trí.