Nước có dậy sóng không?

12/10/2023 8:14
Biển yên tĩnh là sự thái bình của người và vật, biển động sóng to là sự hiểm nguy cho người và vật. Tâm thể thanh tịnh là hạnh phúc, là Niết-bàn của con người; Tâm thể dấy động là phiền não, là trần lao của nhân loại.

Mùa đông năm 1991, tôi ra Vũng Tàu dưỡng bệnh, ở nhờ thất Thích-ca của Quan Âm Phật Đài. Trước cửa thất nhìn xuống mặt biển có cây bồ-đề sum sê che rợp, râm mát cả thất. Tôi thường ra đứng dưới tàng cây nhìn xuống biển. Một hôm, tôi đứng nhìn ra biển thấy biển cả thênh thang sóng bủa trắng xóa, lúc đó có chú Thị giả đứng bên cạnh, nhìn sang chú tôi hỏi: “Đố chú nước có dậy sóng không?” Chú ngần ngại thưa: “Có.” Tôi hỏi tiếp: “Nước có chảy không?” Chú thưa: “Có.” Tôi chậm rãi bảo chú: “Nếu nước dậy sóng và chảy thì khi không gió, hoặc nước chứa trong hồ sao không tự dậy sóng và chảy?” Chú Thị giả lặng câm. Nhân đây tôi giải thích rộng cho chú hiểu:

Nước không dậy sóng và không chảy. - Nếu nước hay dậy sóng và chảy thì bất cứ lúc nào, ở đâu nước cũng dậy sóng và chảy, vì bản chất nó là như thế. Như con người chúng ta là động thì bất cứ lúc nào, ở đâu đều là động, dù cho khi ngủ yên mũi vẫn thở, tim vẫn đập, máu vẫn tuần hoàn, nếu dừng động là con người chết. Song nước không phải thế, bản chất nước là yên lặng, khi bị gió đùa hoặc bị một tác động nào khác, như tàu chạy... nước mới dậy sóng.

Chúng ta chứa nước trong hồ, trong vò, khạp... thì nước yên lặng, mặc dù nước vừa múc trên lượn sóng đang vỗ ầm ầm, mà chứa vào chỗ an tịnh nước từ từ lặng yên. Nước cũng không chảy, nếu nước bản chất hay chảy thì lúc nào và ở đâu nước cũng phải chảy. Thực tế chúng ta thấy không phải thế, nước có khi chảy có khi dừng, ở chỗ này chảy, ở chỗ khác không chảy. Chẳng qua nước là thể lỏng, ở chỗ cao thì nước chảy dồn xuống chỗ thấp, hoặc bị sức ép hay sức hút thì nước liền di chuyển, nếu ở chỗ bình, trong hoàn cảnh bình thường thì nước an nhiên bất động. Tôi có thể kết luận rằng: “Nước dậy sóng và chảy là do duyên.”

Cái gì làm duyên khiến nước dậy sóng? - Gió là duyên chủ yếu khiến nước dậy sóng. Bởi duyên gió thổi mặt nước dậy sóng, gió càng mạnh thì sóng càng to. Khi sóng đang bủa ầm ầm thì có trăm ngàn lượn khác nhau, luợn A không phải lượn B... bấy giờ có danh từ Sóng và Nước dường như hai, mà thật thể sóng với nước không phải hai. Sóng là tướng động của nước, khi tướng động dừng, chỉ còn lại một thể nước an tịnh. Đứng về mặt sóng thì có trăm ngàn thứ, đứng về mặt nước thì không có hai. Chính sóng tức là nước, rời nước không có sóng. Người thông minh muốn cần nước cứ trên sóng mà lấy, cần thấy mặt biển phẳng lặng chỉ chờ khi sóng dừng thì thấy. Nếu bỏ sóng đi tìm nước là người ngu, chạy tìm mặt biển phẳng lặng ngoài chỗ sóng dậy ầm ầm là kẻ dại. Bám trên từng lượn sóng cho là mặt biển là kẻ đại ngu. Phải biết vô số lượn sóng rượt đuổi nhau la hét ì ầm trên mặt biển là tướng sanh diệt, chính mặt biển bát ngát thênh thang này mới là thể bất diệt bất sanh.

Này chú! Nơi tôi và chú sẵn có Tâm thể thênh thang an tịnh dụ như mặt biển, vọng tưởng dấy khởi dụ như dậy sóng. Một lượn sóng nổi lên trên mặt biển, muôn ngàn lượn sóng tiếp nối dấy lên; cũng thế một vọng tưởng khởi dậy, muôn ngàn vọng tưởng tiếp nối khởi lên. Chúng ta nhìn trên mặt biển thấy những lượn sóng hùng hổ rượt đuổi ầm ầm trùng điệp, tưởng chừng như mặt biển chỉ có sóng với sóng. Nội tâm chúng ta khi vọng tưởng nổi lên ào ạt liên miên, tưởng như nội tâm mình chỉ là vọng tưởng, do đó, hầu hết người đời đều chấp nhận vọng tưởng là tâm của mình. Đến khi gió yên sóng lặng, chúng ta mới biết sóng chỉ là tướng sanh diệt tạm thời trên mặt biển, duy mặt biển mới là Thể chân thật bất diệt bất sanh. Nội tâm được những giây phút an tịnh, chúng ta mới biết vọng tưởng là tướng sanh diệt hư dối trong Tâm thể, chỉ có Tâm thể mới là thể bất diệt bất sanh.

Vọng tưởng có khi có, có khi không, Tâm thể hằng hữu chưa lúc nào vắng mặt. Chấp nhận vọng tưởng là tâm mình, khác gì người chấp sóng là mặt biển. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật kể: Thuở xưa có anh chàng tên Diễn-nhã-đạt-đa sáng sớm lấy gương soi mặt, thấy đầu mặt hiện rõ ràng trong gương, khi úp gương lại không còn thấy đầu mặt đâu nữa, chàng ta phát điên ôm đầu chạy la to: “Tôi mất đầu! Tôi mất đầu!” Chú biết đức Phật kể câu chuyện này cốt nói điều gì không? - Dạ không. Đây là đức Phật ám chỉ người nhận vọng tưởng làm tâm mình, như chàng Diễn-nhã nhận bóng trong gương làm đầu mặt mình thật, khi mất bóng, phát điên ôm đầu thật chạy kêu mình mất đầu. Mặt biển nguyên không hai, vừa có lượn sóng dấy động biến thành hai, vì đã có biển và sóng.

Cho nên các Thiền sư qua một câu hỏi hoặc đáp thấy Thiền khách suy nghĩ liền đưa hai ngón tay. Song sóng không đơn thuần chỉ dấy một lượn, mà lượn này vừa khởi trăm ngàn lượn khác nối tiếp theo (nhất ba tài động vạn ba tùy). Vọng tưởng cũng vậy, một niệm khởi lên trăm ngàn vọng tưởng tiếp nối. Người tu không ngừa đón được niệm đầu thì không tài nào ngăn chận được những niệm sau. Sóng có khi dấy có khi lặng, mặt biển chưa bao giờ vắng mặt. Vọng tưởng lúc có lúc không, Tâm thể khi nào cũng hiện hữu. Sóng có thể tìm cách ngăn chặn được, còn mặt biển chú thử có cách nào xua đuổi được nó hay không? Người tu có thể xả bỏ vọng tưởng, chớ không ai xa rời Tâm thể được.

Chú thử nghĩ, người ta xả bỏ vọng tưởng để Tâm thể hiện bày trọn vẹn, hoặc xả bỏ Tâm thể để vọng tưởng hiện lên đầy đủ, hai cách đó cách nào khó, cách nào dễ? Thưa: Bỏ vọng tưởng dễ, chớ Tâm thể làm sao bỏ được. - Đấy! Vậy mà có nhiều người tu nói “bỏ vọng tưởng khó”. Bỏ cái sanh diệt, bảo tồn cái bất sanh bất diệt là vô sanh, là giải thoát. Trái lại, quên cái bất sanh bất diệt, chạy theo cái sanh diệt là sanh tử, là trầm luân. Biển yên tĩnh là sự thái bình của người và vật, biển động sóng to là sự hiểm nguy cho người và vật. Tâm thể thanh tịnh là hạnh phúc, là Niết-bàn của con người; Tâm thể dấy động là phiền não, là trần lao của nhân loại. Phật dạy rất nhiều pháp tu, chủ yếu không ngoài dạy chúng ta “đừng chạy theo vọng tưởng, phải nhận chân Tâm thể hiện tiền”.

Chạy theo vọng tưởng là mê, nhận chân Tâm thể hiện tiền là giác. Mê là quên Tâm thể nhận vọng tưởng, giác là bỏ vọng tưởng nhận Tâm thể. Bởi con người đã mê, nên Phật dùng nhiều phương tiện chỉ dạy trừ dẹp vọng tưởng: Trực tiếp biết rõ vọng tưởng không theo; gián tiếp dùng niệm khác đè ép, như trì danh hiệu Phật, trì câu thần chú, khán thoại đầu... Khi nhiếp phục vọng tưởng được yên lặng, chỉ còn Tâm thể thường hằng, gọi là kiến tánh, ngộ đạo, nhất tâm. 


HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top