Chúng ta thường nói tự thương mình, tự thương mình là gì?

16/10/2023 8:15
Tôi thường khuyên mọi người, học Phật tu đạo nếu muốn thật sự có thành tựu thì phải buông bỏ ý niệm khống chế mọi người ở trong nội tâm sâu thẳm của chính mình. Không được có ý niệm khống chế đối với tất cả người việc vật, đó là gì vậy?

Là thương thiện căn phước đức nhân duyên mà ta tích lũy nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, ta phải thương điều này. Bạn tự thương mình thì bạn sẽ không bị ngoại cảnh mê hoặc, bị ngoại cảnh mê hoặc là bạn không tự thương mình. Tự thương mình thì sau đó mới có thể thương yêu người khác, người không biết tự thương mình thì làm sao biết yêu thương người khác, đâu có cái đạo lý này.

Yêu thương trong Phật pháp là đại từ đại bi, tự thương mình là thanh tịnh bình đẳng giác. Làm sao để gìn giữ tâm thanh tịnh của mình, gìn giữ tâm bình đẳng của mình, gìn giữ tâm giác mà không mê của chính mình, cái này gọi là tự thương mình. Mỗi giờ mỗi phút, niệm niệm dùng tâm chân thành để đối nhân xử thế tiếp vật, người này chính là biết tự thương mình. Đây chính là tâm Bồ-đề chân thật.

Trong Tịnh Độ Luận nói rất hay, tâm Bồ-đề chính là nguyện thành Phật để cứu độ chúng sanh. Thành Phật là tự thương mình, độ sanh là thương yêu người khác, bạn không thành Phật thì bạn không thể độ sanh. Như thế nào thì gọi là thành Phật? Y giáo phụng hành, tâm giống như tâm của Phật. Tâm Phật là tâm gì? Là chân tâm, trong chân tâm thì chẳng có cái gì cả, Đại sư Huệ Năng nói rất hay “bổn lai vô nhất vật” (vốn chẳng có một vật), đó chính là chân tâm, đó chính là Phật tâm. Có một vật là phàm tâm, đó là tâm luân hồi không phải là tâm Phật, trong tâm Phật thì sạch sẽ, chẳng có thứ gì cả.

Tôi thường khuyên các đồng tu buông bỏ tự tư tự lợi, quí vị nên nhớ kỹ, tâm Phật chính là chân tâm của chính mình, trong chân tâm không có tự tư tự lợi, trong chân tâm không có danh vọng lợi dưỡng, trong chân tâm không có ngũ dục lục trần, trong chân tâm không có tham sân si mạn. Mười sáu chữ này, chỉ cần bạn có một chữ, vậy thì bạn bị chướng ngại nghiêm trọng rồi. Không những chúng chướng ngại bạn vãng sanh, chướng ngại bạn khai ngộ, mà còn chướng ngại tín nguyện của bạn nữa. Niềm tin của bạn không thật, nguyện của bạn không tha thiết, vì sao vậy? Vì bạn có những điều này xen tạp bên trong, nó sẽ phá hỏng chân tín thiết nguyện của bạn, là cái đạo lý này.

Tôi cũng thường khuyên mọi người, học Phật tu đạo nếu muốn thật sự có thành tựu thì phải buông bỏ ý niệm khống chế mọi người ở trong nội tâm sâu thẳm của chính mình. Không được có ý niệm khống chế đối với tất cả người việc vật, đó là gì vậy?

Ý niệm khống chế là vô minh, si mê, không phải là điều tốt, trong chân tâm không có. Cũng không được có ý niệm chiếm hữu. Mọi người đều biết tham sân si được gọi là ba độc, khống chế là ngu si, chiếm hữu là tham ái, là tâm tham, đối lập chính là sân hận. Tham sân si có hình dạng ra sao? Đó là khống chế, chiếm hữu, đối lập, đây chính là tướng hiện ra của tham sân si. Tướng này trong nội tâm vô cùng vi tế, đó là gì vậy? Đó là cái gốc, cái gốc của bịnh.


HT. Tịnh Không

Các tin tức khác

Back to top