Tại sao “thọ lạc” cũng là khổ?

24/10/2023 5:59
Trong phần giải thích về thọ thì đức Phật chia ba thứ: Thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc. Quý vị biết thọ là gì chưa?

Pháp tu Tứ niệm xứ, một là quán thân, hai là quán thọ, ba là quán tâm, bốn là quán pháp.

Trong phần giải thích về thọ thì đức Phật chia ba thứ: Thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc. Quý vị biết thọ là gì chưa?

Trong mười hai nhân duyên có xúc thọ, xúc là chạm, mắt chạm với sắc, tai chạm với tiếng, mũi chạm với mùi, lưỡi chạm với vị, thân chạm với cảnh vật.

Năm căn chạm với năm trần ở ngoài, vừa xúc chạm thì chưa có cái thích hay không thích.

Khi có niệm thích và không thích thì có thọ.

Ví dụ mắt vừa thấy đồng hồ biết cái đồng hồ liền khởi niệm cái đồng hồ này đẹp thích quá, đó là thọ.

Cái đẹp mình thích gọi là thọ lạc, cái xấu không ưa gọi là thọ khổ, còn thấy không đẹp cũng không xấu là thọ không khổ không lạc.

Để vào miệng thức ăn ngon, lúc đó chưa phải là thọ, mới là xúc, lưỡi nghiền ngẫm cái ngon đó là thọ.

Trong khi thọ lạc mình thích muốn được ăn hoài.

Nếu cho một món ăn dỡ hay thuốc đắng để vô lưỡi cảm thấy khó chịu, đó là khổ.

Bình thường chưa khát lắm ai cho mình ly nước lã, uống cũng không chê, đó là thọ không khổ không lạc.

Thọ có thọ lạc thọ khổ, thọ không khổ không lạc.

Phật nói tất cả thọ đều khổ, vì nó vô thường nên khổ.

Dù thọ lạc cũng khổ, vì có tham đắm si mê đi kèm nên khổ.

Ví dụ thọ lạc của lưỡi là ăn ngon và muốn thưởng thức món ngon đó hoài.

Nhưng nuốt qua khỏi cổ là hết, muốn mà không thỏa mãn nên khổ.


HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top