Giả sử như người buôn bán, nếu tráo hàng thật ra hàng giả, hoặc cân đo thiếu, hoặc bán người trả giá không đúng, nổi giận la chửi, đó là thân miệng tạo nghiệp ác, không biết tu.
Nếu buôn bán với mức lời vừa phải, hàng thật nói là hàng thật, hàng giả nói là hàng giả, cân đo đúng, khách trả đúng giá thì vui vẻ bán, khách trả không đúng giá tuy không bán vẫn vui cười không tức giận mắng chửi.
Hoặc đi đường gặp người già yếu nhường lối đi, nhường chỗ ngồi, đưa qua đưòng, đưa qua cầu, bưng xách nặng dùm người... đó là thân khẩu thiện, biết tu, tu trong công ăn việc làm, tu ngoài đường, tu ngoài chợ.
Ở trong nhà, đối với người thân cũng phải giữ thân miệng luôn lành, làm cha mẹ giữ đúng tư cách của cha mẹ, con cái có lỗi lầm phải từ tốn răn dạy, hướng dẫn phù hợp với đạo lý cho con nên người, đó là tu.
Nếu ỷ quyền cha mẹ, khi con làm không vừa ý, tay đánh đập, miệng la hét, chửi rủa, đó là không biết tu.
Phận làm con đối với cha mẹ phải biết thương kính, chăm lo việc ăn mặc thuốc thang cho cha mẹ, đừng để cha mẹ buồn tủi lúc tuổi già.
Nếu cha mẹ có sanh tật khó khăn thì nên an ủi khuyên lơn hơn là hờn trách chế diễu.
Đó là chuyển nghiệp thân , nghiệp khẩu luôn lành.
Về ý nghiệp có phần vi tế hơn, với người biết tu cũng chuyển được nghiệp ác thành nghiệp thiện.
Nếu đang ngồi chơi hay đi, hoặc làm việc, khởi nghĩ buồn giận người, biết đó là ác ý liền dừng không nghĩ, mà khởi nghĩ thương người nghèo khó, quý kính bậc hiền đức, tìm cách giúp đỡ người khốn khổ...
Đó là chuyển nghiệp ý ác thành ý thiện.
Nếu cho rằng đi chùa hay tụng kinh mới là tu, thì tu quá ít.
Rồi bệnh nào tật ấy vẫn còn nguyên, tham sân si ích kỷ vẫn không chừa, tu như thế hiện tại tự mình không lợi ích và cũng không đem được an hòa cho mọi người chung quanh, mai sau bị nghiệp lôi vào đường ác là địa ngục ngạ quỉ súc sanh.
Thế nên Phật dạy trong tất cả ngày giờ của mọi sinh hoạt đều phải tu mới chuyển được ba nghiệp trọn lành.
Ba nghiệp lành rồi, ngay đời hiện tại tự mình không phiền não, lúc nào cũng nhẹ nhàng an vui.
Trong gia đình mọi người không thắc mắc rày rà, trên thuận dưới hòa, đầm ấm hạnh phúc.
Ngoài xã hội được an bình không loạn ly.
Tu như thế mới thật là tu.
Đừng vì muốn được đi chùa thường xuyên, muốn được tụng kinh nhiều mà phế bỏ cả việc nhà, thân miệng ý không chuyển cho lành, về nhà thì thắc mắc, gây cãi hết người này tới người nọ làm cho gia đình xào xáo.
Đối với người ngoài xã hội thì không nhịn một lời không nhượng một bước.
Đi chùa tụng kinh như thế là chưa thật tu.
HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Nhẫn nhục là sự thực tập mở rộng dung lượng trái tim (14/11/2023 8:16)
- Nhân quả đẹp xấu, tài sản ít nhiều (14/11/2023 8:14)
- Lòng từ bi chân chính và bình an nội tâm (14/11/2023 8:12)
- Chúng ta chỉ có thể trải nghiệm chứ không thể nào sở hữu (13/11/2023 8:46)
- Những chướng ngại khiến chúng ta mắc kẹt trong luân hồi (13/11/2023 8:38)
- Hành Bồ-tát đạo (13/11/2023 8:33)
- Những bài học về cách “tùy duyên” mà người đệ tử Phật cần nên thực tập (12/11/2023 8:15)
- Phật dạy cách chi tiêu mang lại nhiều lợi ích (12/11/2023 8:13)
- Giết cá tàn nhẫn để sáng tạo món ăn và báo ứng kinh hoàng (12/11/2023 8:10)
- Không chuẩn bị cho cái chết, ta sẽ tàn phá đời này và vô lượng đời sau (11/11/2023 8:28)