Tu quan trọng ở định, nhưng nhờ kinh văn mới hiểu giáo nghĩa và theo đó tu hành mới vào định thấy được sự thật. Phật nói kinh Vô lượng nghĩa là kết hợp kinh và định. Định là Bổn môn Pháp hoa, không có định thì không được gì, vì tu trên văn tự chỉ là học giả có kiến thức Phật học thôi.
Tu Pháp hoa, điều thiết yếu Phật dạy phải thấy sự thật của sự vật và biết sự thật của sự vật, cũng biết con người của mình.
Trong 49 năm Phật thuyết pháp là phương tiện, hay là pháp để tu và phải chứng. Phật nói kinh Vô lượng nghĩa là giải thích cách tu để chứng.
Kinh Vô lượng nghĩa có ba việc chính là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích. Con đường thiện chỉ có ba việc này, vì thế, chúng ta tu gì cũng được, nhưng không được rời ba việc này. Trước hết, phải có đạo đức, vì người không có đạo đức là người bỏ đi, làm người còn không được thì sao làm Phật, làm tiên. Căn bản có bốn tội là sát sanh, trộm cướp, tà dâm và nói dối. Phạm bốn tội này, không ai chấp nhận, không thể làm Hiền Thánh.
Vì vậy, Phật dạy không làm việc tội lỗi là đạo đức, không gây thù oán thì dễ tu và cao hơn, làm mười điều lành. Thân đạo đức chẳng những không làm bốn tội ác căn bản nói trên, mà còn phóng sanh, bảo vệ các loài vật, giúp đỡ người, cứu người. Kế đến, người có đạo đức, chẳng những không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói lời độc ác; nhưng luôn nói lời đúng đắn, nói lời hòa nhã, nói lời đoàn kết, nói lời an vui cho người. Về ý nghiệp, không tham lam, sân hận, si mê, mà sống rộng rãi, bao dung, điềm đạm, bình tĩnh, sáng suốt. Đó là mười điều lành của thân, miệng, ý.
Thực tế cho thấy nhiều người thường nói lời hung ác, vì nổi nóng dùng lời nói thô tục, xấu xa nhất. Tu Pháp hoa, tuyệt đối không làm điều này. Khi tôi còn trẻ, Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng, hễ giận là không nói, dù nói gì cũng không tốt. Giận phải nhiếp tâm nghĩ đến Phật, cho đến lúc mình thấy người đáng ghét là Phật thì người hung dữ cũng phải trở thành hiền lành. Vì mình ghét, giận là tâm mình ác rồi sẽ thể hiện ra lời nói và hành động của mình ác. Chư thiên hơn người là đã hoàn thiện mười điều lành. Vì thế, người tu thành tựu mười điều lành không đọa ba đường ác và sẽ sanh lên cõi trời. Khi chưa tu cao thì phải giữ năm giới cấm để sanh lại làm người được gặp Phật pháp.
Kinh Vô lượng nghĩa Phật dạy điều trước nhất là đạo đức và từ con người đạo đức đi sâu vào tâm để phát triển hiểu biết của mình. Hiểu biết có hai loại là trí tuệ hữu lậu và trí tuệ vô lậu. Trí hữu lậu là kiến thức, học nhiều biết nhiều, nhưng trí vô lậu là sự thông minh hay trí khôn. Nhiều người có kiến thức rộng, cái gì cũng biết nhưng không khôn. Người khôn chẳng những biết đúng mà còn biết điều gì nên nói, điều gì không nên nói. Người học rộng, biết nhiều theo sách vở thì nghe người nói khác, họ liền bực tức, nổi giận. Trong khi người khôn thấy biết rõ, nghe người nói là biết họ thuộc thành phần nào rồi, thì có nên đối đáp với họ hay không.
Trí tuệ Phật dạy là trí khôn. Trí khôn rất cần và do tu mà được. Khi tu Thanh văn, thực tập pháp Phật làm cho tâm hồn mình yên tĩnh lần thì cái nhìn của mình sẽ sáng hơn. Tập tu, Phật bảo phải bỏ mười thứ sai khiến mình làm bậy gọi là thập sử gồm có tham, sân, si, tự cao, ngã mạn, khinh người,… dẫn đến khổ đau.
Tu Pháp hoa Bổn môn, pháp y vàng mình thọ là mình luôn nhìn đời với lăng kính giáo pháp của Phật, không nhìn đời như người đời. Nhưng nhìn đời như Phật, hay như người biết rõ cuộc đời là nhìn thấy đúng sự thật, thấy biết theo Phật và làm theo Phật. Bước thứ hai, thọ pháp y mở là y vàng có đai màu trắng tiêu biểu cho quá trình đã sống theo Phật, nên mình có phần giống Phật. Gọi là Phật tử, tức con Phật đã tu có kết quả. Còn tu mà nói dối, tham lam, hơn thua phải trái là tu giả, đó là điều đáng sợ nhất. Tu phải hiền như Phật là giống cách nhìn, cách sống của Phật.
Bước thứ ba cao hơn, thọ y nâu là y màu đất tiêu biểu cho tấm lòng bao dung của mình, cái gì tốt hay xấu đổ lên mình cũng được. Vì mình sống thanh tịnh, quan sát thấy người nói xấu hay khen ngợi, mình đều biết rõ tại sao họ nói xấu hay khen ngợi để tùy theo đó mà ứng xử tốt theo Phật dạy. Pháp y là hình thức bên ngoài phải chuyên chở được nội dung bên trong đúng đắn, vì thế, thọ y nâu mà còn hung dữ là tu sai. Ba hình thức pháp y tiêu biểu cho ba cách sống của Phật tử tu Bổn môn Pháp hoa.
Điều thứ ba Phật dạy trong kinh Vô lượng nghĩa là làm lợi ích. Thật vậy, mình có trí tuệ rồi, sống trên cuộc đời phải làm điều gì tốt cho cuộc đời. Tôi luôn quan niệm cuộc đời này là giả tạm, sống một thời gian sẽ trở về thế giới của mình, nên mình phải làm gì tốt để lại cho đời. Tu được ba điều: đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích là thành tựu pháp Phật dạy trong kinh Vô lượng nghĩa và bắt đầu vào định Vô lượng nghĩa.
Nhờ tu ba việc trên, tâm mình thanh tịnh và an vui, mới thấy được thế giới thanh tịnh và an vui. Tâm không thanh tịnh thì thế giới mình tối tăm, phiền não. Tâm mình vô minh, nghĩ đủ thứ chuyện thì cuộc đời mình cũng đủ thứ chuyện.
Thế giới vật chất mình đang sống là phiền não, trần lao, nghiệp chướng, nhưng nhờ tu Bổn môn, trần lao, nghiệp chướng tự rơi rụng, tâm mình lắng yên. Vì mình biết thế giới này giả, không quan tâm thì nó tự mất. Mở mắt, thấy cuộc đời đầy khổ đau, nhưng nhắm mắt nhập Vô lượng nghĩa xứ định, tâm thanh tịnh thì thế giới Phật hiện ra. Bấy giờ, chỗ mình ngồi mở rộng 18.000 thế giới khác nhau là thế giới của tâm, mình thấy từ địa ngục A-tỳ đến trời Sắc cứu cánh là tâm sáng thấy thế giới thực.
Lúc trước, tâm u mê cần đủ thứ, nhưng tâm sáng thấy không cần gì. Vì vậy, tôi là thầy tu nghèo nhất, nhưng giàu vì tâm không cần. Cơ thể một ngày chỉ cần nửa chén cơm và một lít nước là sống được. Sống với nội tâm, sống với giáo pháp, với thiền định là cuộc sống tự do, không lệ thuộc vật chất, nói cách khác là dành thì giờ để sống. Còn những tỷ phú nói không có thì giờ để sống, để ăn ngủ! Thiết nghĩ mình sanh trên cuộc đời thì ít nhất cũng phải hiểu cuộc đời này. Trước khi mình về thế giới khác, cũng biết thế giới Ta-bà là gì chứ. Còn bận rộn suốt đời, vô thường tới, không biết đi đâu.
Tu theo Phật, được an lành, giải thoát, nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội thấy hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa là tâm thanh tịnh, an vui, trong khi cuộc đời quá khổ, nhưng vào định, cắt bỏ tâm lệ thuộc vật chất thì không khổ. Người tu khác với người không tu ở điểm này. Người không tu bị vật chất dày xéo cuộc sống là ngạ quỷ nằm trên đống vàng. Còn người tu, thân đói nhưng tâm không đói. Tôi thực tập pháp này, say mê vào định không thấy đói. Có nhiều thiền sư ngồi thiền ba ngày đến bảy ngày, không ăn nhưng tâm không đói. Xưa kia, Phật tọa thiền đến 49 ngày, không có cảm giác của thân, đến khi xả định Ngài ngã quỵ.
Vì vậy, tu thiệt khác với tu giả. Tu giả thì thân chưa đói nhưng tâm đã đói, lúc nào cũng muốn ăn. Tu hành đừng để đọa ngạ quỷ, tức tâm đói, cơ thể không cần, nhưng lòng tham ăn thúc giục ăn đến bụng to như cái trống.
Tâm không đói, chứng được Ly sanh hỷ lạc là có an vui trong nội tâm, hạnh phúc thực. Còn hạnh phúc vật chất nguy hiểm, vì sau hạnh phúc có khổ đau đi theo liền. Bữa nay lên xe hoa, ngày mai khóc. Đa số người rơi vô tâm trạng này là hạnh phúc vật chất không bao giờ thỏa mãn, nhưng mỗi lần lại tăng trưởng vì lòng tham luôn dâng trào.
Phật dạy đừng nhịn ăn đến mức đói ngã quỵ, chỉ ăn vừa đủ để giữ cho cơ thể được bình yên và tu chứng mức thấp nhất là Ly sanh hỷ lạc, thân khổ nhưng tâm không khổ.
Năm 1963, tôi thực tập pháp này trong nhà tù, vì ở tù chỉ có khổ thôi, nhưng tập làm sao thân khổ mà tâm không khổ. Tâm mình an lạc dù đời sống vật chất quá khổ. Người đời càng khổ càng hung dữ. Nhưng tâm mình an lạc sẽ hiện tướng dễ thương, mọi người sẽ thương mình, đó là quả đầu tiên mà tôi gặt hái được trong nhà tù. Thật vậy, anh cai ngục thấy tôi cũng thương, nghĩ tội nghiệp ông thầy tu này, sao lại bị bắt vô đây chứ!
Người tham lam càng khổ càng tham, càng đòi hỏi vật chất. Mình khổ, bỏ vật chất, nhất định được Ly sanh hỷ lạc là nhu cầu vật chất không có, tách mình ra khỏi nhu cầu vật chất. Phật tử phải tập tu mới có được quả này, không phải tự nhiên được. Tôi có tu rồi, nên vào nhà lao thực tập được, không bị nhu cầu vật chất chi phối. Và vào Vô lượng nghĩa xứ định còn được pháp cao hơn.
Thật vậy, chưa tu, gặp cảnh khổ thì khổ thêm, nhưng tôi sống cảnh tù tội mà tâm không tham, không giận, không si mê mới sống được với pháp Ly sanh hỷ lạc. Hơn thế nữa, vào Vô lượng nghĩa xứ định, tâm an vui và dùng tâm đó quán sát thấy địa ngục A-tỳ cho đến trời Sắc cứu cánh là thấy người cùng cực khổ đau đến cùng cực sung sướng. Thấy như vậy là thấy trong thiền định thì mới thấy được sự thật của cuộc đời, gần là tôi thấy những người ngồi trước mặt tôi cho đến thấy toàn cảnh xã hội.
Vì vào định Vô lượng nghĩa, tâm mình thật thanh tịnh, trí mới sáng, mới thấy được sự thật. Cũng xã hội mình đang sống, nhưng có người cùng tột sung sướng, lại có người cùng tột khổ đau, đó là thế giới sanh tử luân hồi. Luân hồi là từ cái này thay đổi sang cái kia, thay đổi luôn, mới giàu trở thành nghèo, mới là tỷ phú trở thành trắng tay, mới có quyền thế liền ở tù, mới sanh liền chết…
Tôi nhìn kỹ cuộc đời thấy người lớn tuổi đã chết, người đồng thời với tôi cũng chết và người nhỏ tuổi hơn cũng chết rồi. Tất cả sự thay đổi khổ đau vô lượng. Nhưng trụ định, có huệ, mình lấy trí tuệ làm thân. Dùng thân trí tuệ là thân không sanh diệt quan sát cuộc đời sanh diệt thấy ai cũng khổ gọi là khổ não vô lượng của thế giới sanh diệt.
Nhưng mình tu chứng quả Vô sanh, vì mình có tâm không sanh diệt đứng trên bờ không sanh tử, hay bờ giải thoát nhìn xuống sanh tử. Nói cách khác, mình đứng ngoài cuộc đời, không tranh chấp với cuộc đời, để nhìn xuống cuộc đời, đó là đứng trong Vô lượng nghĩa xứ định quán sát cuộc đời là khổ, sanh, già, bệnh, chết là khổ, thương không được ở gần là khổ, ghét phải sống chung là khổ, cái không muốn cứ tới là khổ, cái muốn không bao giờ tới là khổ…
Nhưng trong cái khổ đó, mình quán sát cuộc đời theo lăng kính Pháp hoa, trong xã hội cũng có những người hoàn toàn không khổ là thấy có Phật ra đời. Phật cũng là người nhưng Ngài không khổ, không bị cuộc đời chi phối, không bị tham sân si chi phối. Chúng sanh là người khổ vô lượng. Tất cả mọi người đều khổ, nhưng tại sao xuất hiện con người lạ là thái tử Sĩ-đạt-ta làm vua thông minh, khỏe mạnh, tài đức vẹn toàn là Chuyển luân Thánh vương, nhưng sao Ngài bỏ ngôi vua đi tu, mình mơ còn không được.
Vì vậy, mình thấy có Phật ra đời và quan sát cuộc sống của Phật tốt đẹp để mình theo tu được an lành. Còn không thấy Phật phi thường, có cuộc sống cao quý thì sự hiện hữu của Phật chẳng liên quan gì đến họ. Có Phật là có đối tượng để mình hiểu và tu theo. Tôi quan sát thấy Phật có cuộc sống sung sướng tột bậc mà Ngài vứt bỏ dễ dàng để đi tu, còn mình không có thì cầu xin làm gì, mình không có khỏi phải bỏ thì mình tu dễ hơn chứ.
Ngoài ra, Phật nhìn xa trông rộng tột bậc. Thật vậy, vua cha xây ba tòa lâu đài tiện nghi nhất để Ngài ở, có vô số người hầu hạ, nhưng Ngài nói nếu không làm gì được cho cuộc đời mà hưởng thụ nhiều thì món nợ phải trả lớn không trả nổi. Vì vậy, người khôn học Phật kiếm được mười đồng thì xài năm đồng thôi, để dành một nửa tiền dự phòng, mai kia, lỡ đau yếu, hay có việc cần thiết thì còn tiền để sống. Xài hết tiền, nợ chồng chất là khổ tới rồi.
Mình tu theo Phật, tập sống theo Phật là thấy Phật ra đời, Ngài luôn sống trong thiền định. Còn sống theo cuộc đời, cuốn theo chiều gió thì không bao giờ thấy đúng. Nhưng thấy Phật ra đời thuyết pháp giáo hóa, độ chúng Nhị thừa và hàng nhơn thiên là thấy mẫu người siêu tuyệt mà mình phải bắt chước, làm theo. Chúng Nhị thừa là hàng Thanh văn được Phật giáo hóa, giúp họ ra khỏi sanh tử. Phật độ chúng nhơn thiên là Ngài dạy con người cách sống thế nào để chết, được sanh lên cõi chư thiên, hoặc tái sanh làm người, không bị đọa.
Trong định, bằng con người thực, con người tâm linh của mình thấy tâm mỗi người khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và hiểu biết cũng khác nhau. Trong định Vô lượng nghĩa, thấy Phật và cũng thấy các vị Bồ-tát hiện đủ các loại hình cứu khổ ban vui, thành tựu Lục độ vạn hạnh. Mình theo Bồ-tát đó, họ cũng là người nhưng mang an vui và chấm dứt khổ đau cho chúng sanh. Bồ-tát chỉ làm việc đó.
Bồ-tát xuất hiện đủ các loại hình là trong xã hội có nhiều thành phần, trong đó có người tốt mà mình biết được và quan hệ với họ thì kết thành thế giới tốt, thế giới Pháp hoa và mình đã là quyến thuộc của Bồ-tát. Thí dụ người có nhiều tiền đi bố thí, mình không có tiền, nhưng có sức khỏe, hợp tác với họ, đi theo làm việc thiện lành là tu Pháp hoa Bổn môn được kết thân với Bồ-tát. Nhìn kỹ cuộc đời, quan sát xem ai làm việc tốt, ai có trí tuệ, ai dìu dắt nhơn thiên, ai dạy người ra khỏi sanh tử… thì theo họ, tạo thành thế giới Bổn môn là thế giới vô hình nhưng cũng là thế giới hiện thực gọi là bề trái của cuộc đời.
Đối với người xấu, nhưng cũng có lúc họ tốt thì mình quan hệ với cái tốt của họ. Thể hiện ý này, Phật dạy Địa Tạng Bồ-tát vào địa ngục, với người có một trăm điều xấu, chỉ có một việc tốt thì cũng nhắm đến điểm tốt đó mà cứu họ. Không phải thấy họ có một điều xấu rồi bỏ thì cuộc đời này không có ai trọn lành, không lỗi nhiều cũng lỗi ít.
Đương nhiên với người có nhiều điều tốt, mình quan hệ nhiều, kết thành đạo tràng vô tướng, mình hợp tác mặt tốt cùng làm việc tốt để sanh công đức không uổng phí cuộc sống ở cõi tạm này. Như vậy là thấy bề trái, thấy vô hình, khi tâm hồn mình mở rộng dung được tất cả thì cuộc đời này đẹp với mình. Cuộc đời xấu cũng có, nhưng nhìn được mặt đẹp và kết hợp với tâm hồn đẹp thì cuộc đời đẹp. Những người tới đây tu, nghe pháp thì đạo tràng này đẹp chứ. Nhưng tập hợp người hung dữ tạo thành thế giới bất an của A-tu-la.
Tóm lại, việc quan trọng là tu được giải thoát phải vào thế giới Phật, thế giới của Bồ-tát. Cuộc đời này của Ta-bà thì trả lại cho Ta-bà. Đơn giản vậy thôi.