Chết có phải là hết?

16/12/2023 8:28
Sau khi chết, chúng ta còn hay mất là một vấn đề lớn trong cuộc đời, mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau. Ở đây, tôi chỉ nói theo cách nhìn của đạo Phật. Nhà Phật cho rằng chết không phải hết. Tại sao như vậy?

Con người có hai phần thân và tâm.

Thân là phần vật chất.

Tâm là tri giác, tức sự hiểu biết của mỗi người.

Về phần thân, ai cũng nghĩ thân này sau khi chết là hết.

Thật sự thân này không nguyên vẹn một hình hài duy nhất, mà là sự kết tụ của hàng tỷ tế bào.

Những tế bào này luôn luôn sanh diệt, đã sanh diệt thì cái gì là thật?

Hôm nay có ngày mai đã mất đi, cái khác lại thế vào.

Thân là một dòng sanh diệt liên tục, khi tụ lại thì còn, hết duyên thì tan đi.

Tan không có nghĩa là hết, chỉ là mất đi những giả tướng tụ hợp mà thôi.

Thí dụ khi thiêu xong một người chết thì chỉ còn tro, tất cả những cái li ti của thân vì quá tầm mắt mình, nên chúng ta cho là hết.

Thật ra nó tan trở lại vị trí ban đầu.

Thân người do đất, nước, gió, lửa hợp thành.

Chất cứng như tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương… là phần đất.

Mồ hôi, máu, mủ… là nước.

Hơi thở ra vô là gió.

Chất ấm là lửa.

Nếu phân chia nữa thì còn rất nhiều.

Khi tụ lại, tứ đại quân bình thì ta sống bình yên, tứ đại chống trái thì bệnh.

Như khi lửa mạnh hơn nước, hoặc nước mạnh hơn lửa sẽ gây nóng lạnh trong người.

Khi chết, hơi thở trả vào trong bầu trời, hơi ấm tan từ từ; đất, nước cũng vậy.

Cái nào trả về cái nấy, mất là mất cái giả tướng, chứ không mất cái thật.

Cho nên chết không phải là hết.

Sự sống và cái chết chỉ là một sự vay mượn liên tục.

Về phần tinh thần, thí như muốn đèn sáng phải bật công tắc.

Khi đèn sáng, chúng ta thấy có hai phần rõ ràng: bóng đèn bên ngoài và dòng điện bên trong.

Khi bóng đèn hư, ta nói hết điện, nhưng thật sự điện trở về với dòng điện, vì nó không có chỗ để phát ra ánh sáng, chứ không phải hết.

Cũng vậy, tâm chúng ta gá vào thân, khi thân hoại thì tâm trở về với chính nó.

Vì thế, nếu cho rằng chết là hết thì hơi thiển cận, không thấu đáo được bản chất con người.

Lại nữa, khi chết rồi chúng ta sẽ đi đâu?

Ngay lúc còn nhỏ, đức Phật đã nhiều lần trăn trở về vấn đề này, nên Ngài quyết tìm cho ra manh mối.

Đức Phật đi tu vì thắc mắc những vấn đề then chốt của con người. Chúng ta quá hời hợt, có mặt ở đây, loay hoay giành ăn với nhau rồi ngã ra chết.

Không biết mình từ đâu đến, không biết chết rồi đi đâu, chỉ sống như một cái máy, sử dụng hết xăng nhớt rồi hư mà thôi.

Bước đầu, đức Phật tìm tới các vị tiên học đạo, nhưng chưa ai giải quyết được vấn đề then chốt mà Ngài từng trăn trở.

Cuối cùng, Ngài đến dưới cội bồ-đề, trải tọa cụ ngồi với quyết tâm mãnh liệt. Dù thịt nát xương tan, cũng không rời chỗ này, cho đến khi thành đạo.

Đêm thứ 49, vào canh hai, ngài chứng Túc mạng minh, thấy rõ vô số kiếp trước như nhớ chuyện mới xảy ra hôm qua.

Như vậy Ngài đã biết được chết không phải là hết, mà còn tái sanh trở lại.

Đức Phật tiếp tục tọa thiền, đến canh ba, Ngài chứng Thiên nhãn minh, nhìn thấu cả không gian và thời gian, thấy được tất cả nghiệp của chúng sanh.

Ngài thấy rõ chúng sanh theo nghiệp sanh trong lục đạo luân hồi, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ đi qua, người đi lại.

Nghiệp lực tuy không nhìn thấy nhưng có sức mạnh dẫn chúng sanh đi trong lục đạo luân hồi.

Ví như hai cục nam châm để gần sẽ hút lại với nhau, dù chúng ta không nhìn thấy lực hút đó, nhưng rõ ràng giữa chúng có một từ trường.

Thi hào Nguyễn Du nói:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Nghĩa là tạo nhân khổ thì nghiệp dẫn đi vào chỗ khổ, sao lại trách trời trách đất.

Người thế gian không biết tại sao khổ, cứ cho là tại trời đất.

Chúng ta thấy có những người sanh ra trong gia đình quan chức giàu có được coi như vàng như ngọc.

Những người sanh ra trong gia đình nghèo khổ thì xã hội coi như rơm như rạ, là do ta không làm chủ được nghiệp, nên bị nó lôi đi.

Khi ta làm hoài một việc sẽ thành thói quen gọi là nghiệp.

Đến lúc chết, nghiệp chi phối lại mình.

Nếu còn trong vòng sanh tử thì đi trong lục đạo luân hồi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Tạo nghiệp lành thì đi trong ba đường còn lại.

Ngày nay chúng ta được làm người đầy đủ sáu căn tức là đã có duyên lành, nếu để rơi xuống ba đường ác thì không biết chừng nào mới ngoi lên.

Phật dạy được làm thân người ví như rùa mù gặp bộng cây, mất thân người tìm lại rất khó.

Cho nên quý vị phải cố lên.

Thế thì tạo nghiệp gì đọa địa ngục, tạo nghiệp gì được sanh lên cõi trời?

Đức Phật nói người phạm mười điều ác, khi nhắm mắt liền rơi vào địa ngục.

Mười điều ác là, thân có: ba sát sanh, trộm cướp, tà dâm; khẩu có bốn: nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác; ý có ba: tham, sân, si.

Ngược lại, người không phạm mười điều ác khi chết liền được sanh lên cõi trời.

Nghĩa là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói ác độc, bớt tham, bớt sân và bớt si.

Phật cũng dạy muốn được làm người phải giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và hút thuốc phiện, xì ke, ma túy.

Giữ năm giới là tu Nhân thừa Phật giáo.

Người giữ được năm giới điều này là người tốt, đời này và đời sau tiếp tục làm người tốt hơn.

Nếu bỏn xẻn tham lam thì khi chết sẽ đọa làm ngạ quỷ, si mê thì đọa vào súc sanh. Si mê tức là không phân biệt thiện ác, tội phước, tà chánh.

Chúng ta tự xét lại mình đang đi đường lành hay đường dữ?

Tạo nghiệp lành sẽ đi đường lành, tạo nghiệp ác sẽ đi đường ác.

Chúng ta đời này được làm người thông minh sáng suốt là do đời trước tu tạo nghiệp lành.

Cho nên, nếu làm những điều xấu dở thì sẽ bị dẫn xuống ba đường xấu, không biết chừng nào mới trở lên.

Như con mèo muốn làm lành cũng không được, vì mèo thích ăn thịt chuột nên cứ sát sanh hoài.

Tạo nghiệp liên tục như vậy thì không thể sanh lên những cõi trên, chỉ đi xuống mà thôi.

Cho nên lại tiếp tục bị nghiệp dẫn đi trong lục đạo luân hồi.

Tu là dừng nghiệp ác, làm nghiệp lành.

Nghiệp từ thân, miệng, ý mà phát sinh.

Thân làm lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ những điều tốt là tạo nghiệp lành.

Chúng ta muốn đi đường sáng, phải dè dặt ngừa đón việc ác, siêng làm các việc lành.

Chúng sanh tạo nghiệp nên bị nó dẫn đi, chứ không phải trời đất ban thưởng hay hay trừng phạt.

Là chủ nhân tạo nghiệp thì chúng ta cũng có quyền chọn lấy con đường tốt hay xấu để đi, không ai xúi giục mình được.

Nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ là do chính mình đã tạo, đừng than trời trách đất gì cả.

Chết không phải là hết mà tiếp tục đi.

Nhưng đi đâu thì mỗi người phải tự biết, không ai có thể trả lời thay.

Đời này ta sống thế nào thì đời sau sẽ nhận kết quả đó. 




HT. Thích Thanh Từ


Các tin tức khác

Back to top