Một ngày nọ, ông đi vào thành phố, tất cả mọi người đều sợ hãi. Lúc ấy, Bụt và tăng đoàn đang ở gần đó và sáng hôm ấy đức Bụt cũng đi vào thành để khất thực. Một người trong thành khẩn nài: “Bạch đức Thế Tôn, hôm nay đi ra đường rất nguy hiểm. Thỉnh mời Ngài đến nhà con, con xin được cúng dường Ngài. Angulimala đang có mặt trong thành phố này.”
Bụt nói: “Không sao. Đừng lo lắng. Ta sẽ đi khất thực từng nhà, không phải đến một nhà mà đến nhiều nhà. Ta đi khất thực không chỉ để kiếm miếng ăn hằng ngày mà còn để cho họ có cơ hội thực tập bố thí và ta có cơ hội tiếp xúc với họ, để giảng dạy cho họ.” Vì vậy, Bụt đã không tán thành lời cầu khẩn đầy lo lắng của người kia. Ngài có đủ bình an, có đủ can đảm và sức mạnh tâm linh để tiếp tục sự tu học của mình. Trước khi đi tu, Ngài cũng là một người có võ công cao cường.
Bụt ôm bát, rất bình an và định tĩnh, đi từng bước ung dung, chánh niệm. Sau khi khất thực xong, Ngài đi vào rừng. Nghe tiếng ai đó chạy theo sau lưng, Ngài nhận ra ngay là Angulimala. Đây là lần đầu tiên Angulimala thấy có một người không sợ mình. Bất kỳ người nào khi thấy Angulimala đến gần cũng đều bỏ chạy càng nhanh càng tốt, trừ những người vô phúc, thiếu may mắn bị tê liệt vì sợ hãi nên không chạy được.
Nhưng với Bụt thì khác hẳn. Ngài cứ tiếp tục đi, bình thản. Angulimala giận điên lên khi thấy có người không hề bối rối sợ hãi mình chút nào. Đức Bụt rất chánh niệm. Ngài ý thức tình trạng của mình, nhưng không run sợ, nhịp tim của Ngài vẫn đập ổn định, bình thường, không có một chất adrenaline[1] nào xuất hiện trong cơ thể Ngài. Ngài không hề luống cuống đắn đo là nên bỏ chạy hay nên chống lại. Ngài rất bình tĩnh. Ngài thực tập rất hay.
Khi Angulimala đến gần Ngài, ông ta la lớn: “Này ông thầy tu kia, hãy dừng lại.” Bụt vẫn tiếp tục đi, phong thái Ngài rất điềm tĩnh, uy nghiêm và thanh tịnh. Ngài là hiện thân của bình an và vô úy (sự không sợ hãi). Angulimala đến ngay bên cạnh Bụt và nói: “Này ông thầy tu kia, ta biểu ngươi dừng lại sao ngươi không dừng lại?”
Vẫn tiếp tục bước đi, Ngài nói: “Angulimala, ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có anh là chưa dừng lại thôi”.
Angulimala sửng sốt: “Ngươi muốn nói gì? Ngươi vẫn còn đang bước đi mà nói là đã dừng lại à?”
Sau đó Bụt nói cho Angulimala nghe dừng lại thực sự nghĩa là gì. “Angulimala, anh không nên tiếp tục làm những điều anh đang làm nữa. Anh có biết là anh đang gây khổ đau cho chính anh và cho nhiều người khác không? Anh phải học cách thương yêu.”
“Thương yêu? Ngươi đang nói với ta về thương yêu ư? Loài người rất độc ác. Tôi ghét tất cả bọn họ. Tôi muốn giết hết tất cả. Trên đời này không có tình thương yêu.”
Đức Bụt ôn tồn nói: “Angulimala, ta biết anh rất đau khổ. Nỗi giận dữ, hận thù của anh rất lớn. Nhưng nếu nhìn chung quanh, anh sẽ thấy có những người rất dễ thương, họ có tâm tốt. Anh đã từng gặp vị tỳ kheo, tỳ kheo ni nào trong tăng đoàn của ta chưa? Anh đã từng gặp những người học trò cư sĩ của ta chưa? Họ rất từ bi và bình an, không ai có thể phủ nhận điều này.
Anh không nên che mờ sự thật là trên cuộc đời này vẫn có tình thương, vẫn có những người có khả năng thương yêu. Này Angulimala, hãy dừng lại.”
Angulimala trả lời: “Quá trễ rồi. Bây giờ đã quá trễ cho tôi dừng lại rồi. Cho dù tôi có cố gắng dừng lại thì người ta cũng không chấp nhận tôi. Người ta sẽ giết tôi trong tích tắc. Tôi không thể dừng lại được nếu tôi muốn sống sót.”
Bụt nói: “Này anh bạn, không bao giờ là quá trễ cả. Hãy dừng lại ngay đi. Ta sẽ làm bạn với anh và sẽ giúp anh. Tăng thân của ta sẽ bảo vệ cho anh.” Nghe được điều này, Angulimala quăng kiếm, quỳ xuống và xin Ngài nhận vào tăng đoàn của Ngài. Angulimala trở thành một hành giả thực tập chuyên cần nhất trong tăng đoàn. Ngài chuyển hóa hoàn toàn và trở thành một người vô cùng nhẹ nhàng, Ngài là hiện thân của bất bạo động.
Nếu Angulimala có khả năng dừng lại thì tất cả chúng ta cũng có khả năng dừng lại. Không ai trong chúng ta bận rộn, lo lắng, điên rồ hơn kẻ giết người này. Chúng ta không thể tìm thấy an lạc trong sự im lặng nếu ta không dừng lại. Chạy càng nhanh, đẩy mình càng nhiều thì ta sẽ không bao giờ đạt được bình an.
Chúng ta chỉ tìm thấy bình an ở đây thôi, không thể tìm thấy bình an ở bất cứ nơi nào khác. Giây phút mà ta có thể dừng lại thật sự, trên cả hai phương diện hành động và những tiếng ồn bên trong, thì ta bắt đầu tìm thấy được sự im lặng và trị liệu. Im lặng không phải là một sự mất mát, trống trỗng. Càng có không gian cho sự yên tĩnh và im lặng, ta càng có khả năng hiến tặng cho chính mình và cho người khác.
Sư Ông Làng Mai
Các tin tức khác
- Không biết buông bỏ (23/12/2023 8:26)
- “Nó sẽ ngã theo phía nó nghiêng” (23/12/2023 8:23)
- Lúc lâm chung không muốn bị mê hoặc điên đảo thì phải làm gì? (22/12/2023 8:46)
- Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị niệm Quan Âm Bồ tát khi khẩn cấp (22/12/2023 8:42)
- Em là sự nối tiếp của Bụt, là bảo bối của Pháp, là tinh hoa của Tăng (21/12/2023 8:22)
- Câu chuyện nhân quả (21/12/2023 8:20)
- Nhân duyên gì khiến cha mẹ và con cái trở thành người một nhà? (21/12/2023 8:12)
- Tại sao chúng ta bị ma chướng khi tu tập? Tại sao bị đổ nghiệp? (20/12/2023 9:02)
- Nuôi lớn hạnh phúc và chăm sóc khổ đau (20/12/2023 8:51)
- Phật dạy về năm công đức lạy Phật (20/12/2023 8:44)