Hãy xả bỏ tất cả

28/12/2023 8:22
Phải học cách xả bỏ mọi chuyện thế gian, đừng tìm cách chống lại chúng. Nhưng chúng ta lại muốn chúng thuận theo ý muốn của chúng ta. Chúng ta tìm đủ mọi cách để xếp đặt hay đối phó với chúng.

Khi thân này bị bệnh, đau nhức, ta không thích và tìm kinh để tụng. Ta muốn kiểm soát và điều khiển thân này, ta không muốn cơ thể này đau. Kinh trở thành một loại nghi lễ huyền bí khiến chúng ta rối rắm thêm trong tham ái, dính mắc.

Đó là vì chúng ta tụng kinh để trừ khử bệnh tật, để được sống bền vững lâu dài. Thật ra, Đức Phật ban cho chúng ta giáo pháp là để chúng ta biết sự thật của cơ thể này nhờ thế chúng ta có thể xả bỏ nó, nhưng chúng ta biến những lời dạy của Ngài thành kinh tụng để gia tăng thêm sự si mê của chúng ta.

Hãy tìm hiểu thân thể và tâm trí bạn. Hãy bằng lòng với sự thanh đạm, ít ỏi. Đừng quá dính mắc vào giáo pháp. Đừng nắm giữ hay nhảy bổ vào những cảm xúc của mình.

Nhiều người sợ bố thí. Họ cảm thấy bị áp chế và bóc lột khi phải cho ra. Muốn trau dồi lòng từ thiện, bạn chỉ cần áp chế chính lòng tham muốn, dính mắc của mình chứ không ai áp chế bạn cả. Làm như thế thì bản chất thật sự của chúng ta sẽ tự chinh phục lấy chính nó để trở nên nhẹ nhàng và tự do hơn.

Nắm cục lửa hàng xóm trong tay, bạn sẽ bị bỏng. Nắm cục lửa nhà bạn, bạn cũng bị bỏng. Cả hai cục lửa đều nóng. Thế nên, đừng sờ vào những gì có thể làm bạn bỏng tay, dầu đó là thứ gì và ở đâu đi nữa.

Người ngoài có thể cho rằng chúng ta điên khùng khi thấy chúng ta sống trong rừng và ngồi chẳng khác nào những pho tượng đá như thế này. Thế nhưng, họ sống ra sao? Họ cười, họ khóc, và có lúc họ giết hại lẫn nhau vì quá tham lam và sân hận. Vậy thì ai điên khùng đây?

Thay vì dạy người khác, Achaan Chah chỉ tạo hoàn cảnh và cơ hội đặc biệt để họ tự tìm hiểu chính mình. Ajahn Chah nói: “Những gì tôi hướng dẫn các bạn chỉ hiểu mười lăm phần trăm. Hoặc nếu đã làm nhà sư được năm năm thì có thể hiểu năm phần trăm”. Một vị sư trẻ thưa rằng: “Như vậy, con được một phần trăm vì con mới tu được một năm.” Ajahn Chah lắc đầu cười nói: “Không! Bốn năm đầu con không được phần trăm nào cả. Đến năm thứ năm con sẽ hiểu năm phần trăm”.

Một người học trò của Ajahn Chah khi được hỏi rằng liệu nhà sư sẽ giữ bộ y suốt đời hay sẽ hoàn tục. Vị sư học trò trả lời rằng: “Thưa thầy, con thấy rất khó để nói đến điều đó, mặc dầu không hề nghĩ đến chuyện hoàn tục, nhưng thật ra con cũng chẳng hề quyết định sẽ giữ mãi chiếc y này cho đến lúc chết”. Sau khi nhìn vào bên trong mình vị sư trẻ nói: “Dường như tâm con chẳng có nghĩa lý gì cả?”. Ajahn Chah bèn trả lời: “Tâm chẳng có nghĩa lý gì cả, đó chính là giáo pháp”.

Có người hỏi Ajahn Chah rằng Ngài có phải là một vị Alahán không? Ajahn Chah trả lời: “Tôi như cây cổ thụ đầy lá, hoa và trái. Chim chóc tới ăn và làm tổ trong cây đó. Nhưng cây cổ thụ không hiểu gì về thân phận của nó. Nó cứ sống tự nhiên như vậy thôi. Nó sao nó vậy.”

Hỏi: Tôi có thể quán sát tham lam và sân hận, nhưng làm thế nào để kiểm soát si mê? Đáp: Bạn như người đang cưỡi ngựa mà lại hỏi: “Con ngựa đâu? ”.

Nếu cái gì không tốt hãy để cho nó chết. Nếu nó không chết hãy làm cho nó tốt. Một số người chỉ do đức tin mà trở thành nhà sư, nhưng lại gặp khó khăn trong khi sống trong giáo pháp, thực hành giáo pháp. Họ không hiểu rõ chính mình, hiện nay rất ít người thật sự thực hành giáo pháp vì có quá nhiều chướng ngại phải vượt qua.

Bạn bảo rằng bạn yêu người yêu một trăm phần trăm. Được, hảy mổ xẻ cơ thể người ấy ra xem thử bạn còn được yêu bao nhiêu phần trăm. Hoặc nếu bạn quá thương nhớ khi cô ta xa bạn, thì tại sao bạn không bảo cô ta gửi cho bạn một bộ phận của cô ta. Mỗi khi bạn nhớ cô ta thì hãy dở bộ phận ra ngửi. Ghê tởm chưa? Đó là cái mà bạn yêu thương đấy! Cái gì làm cho tim bạn đập như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực mỗi khi gặp một cô gái hấp dẫn hay ngửi mùi nước hoa của cô ta? Sức mạnh nào vậy? Nó kéo hút bạn, nhưng bạn buông xuôi, không hề chống lại. Cuối cùng bạn phải trả một giá rất đắt. Bạn hiểu chứ?

Một hôm Ajahn Chah muốn dọn một khúc cây lớn, bị gẫy và đang nằm choáng đường, Ajahn Chah cùng người học trò, mỗi người một đầu, khiêng khúc cây vất đi. Trong khi nâng khúc cây lên, Ajahn Chah hỏi: “Nặng không?” Sau khi đã vất khúc cây vào bên đường, Ajahn Chah hỏi: “Bây giờ có còn nặng không?”. Đó là cách mà Ajahn Chah dạy cho học trò tìm thấy giáo pháp trong mọi lời nói và tác động hằng ngày. Trong trường hợp này, Ajahn Chah chỉ cho thấy lợi ích của sự xả bỏ.

Một người học trò của Ajahn Chah trong lúc rút dây cắm máy thâu băng ra khỏi ổ điện, sơ ý nắm vào chốt điện, và bị giật nên vội vàng buông bỏ dây ra. Ajahn Chah, không bỏ lỡ cơ hội dạy giáo pháp, bèn nói: “Ồ! Sao con có thể buông bỏ một cách dễ dàng như vậy? Ai dạy con đó?”.

Sau khi lắng nghe một đệ tử đọc Tâm Kinh Bát Nhã, Ajahn Chah nói: “Không có không, cũng không có Bồ tát”, rồi hỏi tiếp: “Kinh này từ đâu đến?”. Người học trò trả lời: “Thưa thầy, theo con nghĩ thì do Đức Phật thuyết ”. Ajahn Chah trả lời ngay: “Không phải Phật. Kinh này nói về trí tuệ thâm sâu, vượt mọi quy ước thế gian làm sao mà nói đây? Có phải thế không? ”.

Muốn trở thành thánh nhân ta phải thay đổi cho đến khi chỉ còn cái thân trơ. Tâm hoàn toàn đổi thay nhưng thân dường như luôn luôn có mặt; vẫn nóng lạnh đau nhức và bệnh hoạn. Thế nhưng nhờ tâm đã biến đổi nên nó nhìn sinh, già, đau, chết dưới ánh sáng chân lý.

Có người hỏi Ajahn Chah về sự giác ngộ, Ajahn Chah trả lời: Giác ngộ chẳng có gì khó hiểu. Chỉ lột vỏ chuối ra bỏ vào miệng là bạn sẽ biết ngay hương vị của nó. Bạn phải thực hành để tự mình chứng ngộ, và bạn cần phải kiên trì. Nếu thành đạo dễ dàng thì mọi người đã làm rồi. Tôi bắt đầu vào chùa từ lúc tám tuổi và trở thành nhà sư đã hơn bốn mươi năm; còn bạn thì chỉ muốn hành thiền một hai đêm thôi để đi thẳng đến niết bàn. Đâu phải chỉ cần ngồi xuống là tức khắc giác ngộ. Không phải chỉ cần một người nào đó gõ vào đầu bạn một cái là bạn thành đạo ngay.

Bạn không cần phải hoàn toàn đắc đạo mới có thể hướng dẫn người khác. Chỉ cần thành thật với họ và nói cho họ những gì bạn biết từ chính tâm bạn. Hãy nói cho người ta biết những gì trong khả năng của bạn. Đừng giả vờ như có thể nhấc được tảng đá to trong khi bạn chỉ có thể nhấc tảng đá nhỏ. Người ta sẽ không cảm thấy khó chịu nếu biết bạn đang thực hành và đang làm việc. Thế rồi cuối cùng bạn có thể nhấc được tảng đá to.

Đường lối của thế gian là làm việc gì cũng kỳ vọng để được đền đáp trở lại, nhưng trong Phật giáo, chúng ta làm mà không cần sự đền đáp. Tuy nhiên, nếu chẳng muốn gì cả, thì sẽ được cái gì? Chẳng được gì cả! Những gì chúng ta có được chỉ là nguyên nhân của sự đau khổ mà thôi. Như vậy, thực hành để chẳng được gì cả, nhưng tâm bình an tĩnh lặng là được rồi!

Đức Phật dạy chúng ta hãy buông bỏ tất cả những gì có bản chất tạm bợ, không vững bền. Nếu buông bỏ bạn sẽ thấy chân lý. Nếu không buông bỏ, bạn sẽ không thấy rõ sự thật. Chỉ có vậy thôi! Và khi trí tuệ khai mở rồi, thì nhìn đâu bạn cũng thấy chân lý.

Một cái tâm trống không, không có nghĩa là chẳng có gì trong đó cả. Nó không có phiền não, nhưng nó có đầy trí tuệ.

Người ta chẳng chịu suy nghiệm về sự già, đau, chết. Họ chỉ muốn nói đến không già, không đau, không chết. Thế nên, họ chẳng bao giờ hưởng được hương vị của Giáo Pháp.

Nhiều người nghĩ rằng: Hạnh phúc là đạt được những gì mình yêu, mình thích. Và chỉ muốn mọi người nói đến những gì mình yêu thích thôi. Phải chăng đó là cách bạn tìm hạnh phúc? Mong muốn rằng trên toàn thế giới, nơi đâu, bạn cũng chỉ nghe người ta nói đến những điều bạn yêu, bạn thích. Điều đó có thể được chăng? Tìm hạnh phúc bằng phương cách đó thì bao giờ mới tìm được.

Cỏ hoa, cây cối, núi rừng… sống theo đường lối riêng của chúng. Chúng mọc lên, chúng chết đi cũng theo bản chất riêng của chúng. Chúng sống một cách tự nhiên, vô tri, vô giác, trơ trơ bất động. Chúng ta thì khác, chúng ta quấy động mọi thứ. Nhưng cơ thể chúng ta cũng chỉ đi theo đường lối tự nhiên: sinh ra, trưởng thành, và cuối cùng là chết. Đường lối tự nhiên của cơ thể con người là vậy. Ai mong muốn cơ thể đi theo đường lối khác, kẻ đó sẽ đau khổ.

Đừng nghĩ rằng học nhiều biết nhiều là hiểu Giáo Pháp. Đó chẳng khác nào nói rằng bạn thấy mọi vật do bạn có mắt, hoặc bạn nghe mọi vật do bạn có tai. Bạn có thể thấy nhưng thấy không trọn vẹn. Bạn chỉ thấy với “con mắt bên ngoài” mà không thấy bằng “con mắt bên trong” mà không nghe bằng “tai bên trong”.

Đức Phật dạy chúng ta vất bỏ mọi hình thức bất thiện và vun bồi giới hạnh. Đó là Chánh Đạo. Bằng cách này, Đức Phật đã đặt chúng ta vào chỗ khởi đầu của con đường. Khi đã ở trên con đường rồi thì có đi hay không là tùy ở ta. Nhiệm vụ của Phật như thế là xong. Ngài chỉ cho chúng ta con đường: đây là con đường đúng đắn và đây là con đường sai lầm. Như vậy là đủ rồi, chuyện còn lại là ở ta.

Phải tự mình thấy Giáo Pháp. Tự mình ở đây có nghĩa là tự mình thực hành. Bạn chỉ có thể dựa vào thầy năm mươi phần trăm mà thôi. Ngay cả gíáo pháp tôi hướng dẫn cho bạn cũng chỉ là những lời nói suông, vô ích. Nếu bạn tin những điều đó với lý do là tôi nói thì bạn cũng chẳng sử dụng những lời dạy của giáo pháp một cách thích nghi. Nếu bạn hoàn toàn tin tưởng nơi tôi, thì bạn thật là điên rồ. Hãy lắng nghe Giáo Pháp, thấy được lợi ích của Giáo Pháp rồi tự mình đem ra thực hành để thấy Giáo Pháp trong chính bạn. Điều đó mới thật có lợi ích lớn lao.

Đôi lúc, trong khi đang kinh hành, thấy trời sắp chuyển cơn mưa nhẹ, tôi đã muốn bỏ việc kinh hành để đi vào phòng. Nhưng khi nhớ nghĩ đến thời gian tôi làm việc đồng ruộng, quần tôi bị ướt đêm hôm trước, nhưng tôi phải mặc lại lúc trời chưa sáng. Rồi bước xuống nhà sàn dẫn trâu rời chuồng. Tôi phải cầm dây dính đầy phân, dẫn trâu ra khỏi nơi lầy lội bùn sình. Thế đã yên đâu, trâu vẫy đuôi dính đầy phân bẫn đập vào người tôi. Mặc dù chân cẳng nhức nhối nhưng tôi phải dẫn trâu đi. Tôi thầm nghĩ “ Đời sao khổ thế này?”. Bây giờ chỉ một chút mưa nhỏ mà tôi lại đành bỏ sự kinh hành hay sao! Sự suy nghĩ này đã khích lệ tôi trong việc thực hành Giáo Pháp.

Tôi chẳng biết phải nói như thế nào đây. Tôi nói đến những cái cần phải làm và những cái cần phải vất bỏ. Nhưng chẳng có cái gì để làm và chẳng có cái gì để vất bỏ. 



Thiền sư Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top