Mong cầu cho nên khổ

21/01/2024 8:39
Dù chúng ta còn trẻ có thể chúng ta đã khổ rồi. Có khi mới hai tuổi, ba tuổi, đã bắt đầu khổ rồi. Khổ đó là những kinh nghiệm trực tiếp, mình khổ cái gì thì mình nói ra cái đó. Phật pháp phải khế cơ, tức là nó phải đáp ứng được những nhu yếu đang có thực của con người.

Cầu bất đắc, khổ.

Những gì mình ước mơ, mong đợi, thèm khát mà không được, ví như mãnh bằng hay chức vụ, hay sự nghiệp giàu sang…những cái đó, mong ước mà không có là khổ!

Đây là sự thật. Nhưng khổ này không phải là một thực tại khách quan.

Tại do mình cầu cho nên khổ.

Không cầu thì có khổ đâu?

Nếu mình không muốn mãnh bằng thì làm gì có khổ?

Vì mình muốn có bằng nên mới khổ.

Đôi khi có bằng còn khổ hơn nữa.

Có mảnh bằng, vui vui được vài bữa, rồi thấy mảnh bằng này chẳng có giá trị gì, lại muốn cái khác.

Cầu không được thì khổ nhưng cầu được cũng khổ như thường.

Sự thật này cũng không đúng lắm.

Cầu cái đó, được rồi thì mình cầu cái khác.

Thành ra cầu đắc cũng khổ chứ không phải cầu bất đắc mới khổ.

Vấn đề ở chỗ cầu hay không cầu mà thôi.

Những cái mà người xưa dùng để miêu tả sự thật thứ nhất, mình phải nhìn cho sâu mới hiểu, đó là cách hiểu của người xưa.

Không hẳn bây giờ mình phải theo cái hiểu đó.

Phật học là một khoa học.

Mình là một học giả, mình là một nhà khoa học, mình phải khám phá càng ngày càng sâu thêm chứ tại sao cứ ngồi đó mà lập đi lập lại những điều người xưa đã nói.

Tổ Lâm Tế đã nói như vậy đó.

Đừng ê a lập lại những giáo điều của người xưa. Mình đâu phải là cái máy record, mình đâu phải là cái máy cassette.

Ái biệt ly , khổ.

Thương nhau mà không được ở gần nhau, khổ.

Đây là sự thật nhưng chỉ là một nữa của sự thật thôi.

Ban đầu bị chúng gởi đi xóm khác, cũng hơi buồn. Ai ngờ đi xóm khác những vướng mắc kia tan đi, mình khỏe.

Mình hạnh phúc hơn nhiều.

Mình có những dây mơ rễ má, vướng mắc cái này, vướng mắc cái kia, tưởng rằng không gần nhau thì khổ lắm.

Ai dè qua xóm kia ở một năm rồi, không muốn về nữa.

Thành ra ái biệt ly chưa hẳn là khổ.

Nó có thể đem lại hạnh phúc.

Có những người đi qua cầu đó rồi.

Biết rằng cái cầu đó mình nghĩ không đi qua cũng được.

Bây giờ mình đã thoát khỏi ra rồi, mình nghĩ, trời đất ơi, hồi đó mình khổ biết bao nhiêu.

Bây giờ mình thoát ra khỏi, mình nhẹ nhàng biết bao nhiêu.

Biệt ly, xa cách đôi khi làm cho mình thương nhau hơn, quý nhau hơn.

Phải vậy không thầy , sư cô ?

Biệt ly giúp mình trân quý sự có mặt của nhau hơn.

Ở gần nhau, coi thường nhau.

Khi người kia đi xa rồi mình thấy, trời đất ơi, người đó dễ thương quá!

Biệt ly chưa hẳn là cái hoàn toàn xấu.

Nó cũng có cái hay. Mình phải thấy được.

Người xưa nói, có sự thật, nhưng không phải là sự thật tuyệt đối, sự thật trăm phần trăm.

Mình phải nghe, phải hiểu bằng cái thông minh của mình, bằng sự nhận thức độc lập của mình.

Oán tằng hội , khổ:

Những người mình ghét mà cứ ở với họ thì khổ.

Mình chỉ có hạnh phúc được khi tách rời, đi xóm khác, mới được hạnh phúc.

Ngoài đời có những cặp vợ chồng khi mới yêu nhau, mới cưới nhau thì họ nói, không có em làm sao anh sống sót được, chắc anh chết quá.

Nếu không có em thì đời anh không nghĩa lý gì.

Không có anh cũng vậy, đời em chẳng còn ý nghĩa gì cả, thà em chết, không bao giờ cưới người khác.

Nhưng nếu không tu tập thì chừng ba bốn năm sau, họ có cảm tưởng khác.

Người kia là gánh nặng cho mình, mỗi khi thấy người kia thì mình không hạnh phúc nữa.

Ban đầu thì nhìn nhau cũng đủ no, bây giờ nhìn mặt nhau không được nữa.

Nói chuyện với nhau không được nữa vì gây nội kết cho nhau quá nhiều.

Bắt buộc phải sống với người này đến trăm năm, chắc mình chết quá.

Tình yêu ngày xưa đẹp như vậy mà bây giờ trở thành ngục tù chung thân.

Oán tằng hội khổ.

Mình phải chịu đựng ổng suốt đời mình hay sao?

Mình phải chịu đựng bà cho hết đời hay sao?

Cái đó nó do tâm.

Nếu mình có Phật pháp, mình có thể chuyển hóa, thay đổi được.

Óan tằng hội khổ không phải là sự thật khách quan.

Có Phật pháp mình thay đổi được hết.

Ghét nhau mà mỗi ngày nhìn thấy mặt nhau, chán quá.

Nhưng có mặt của từ bi thêm vào, nó khác hẳn ngay lập tức.

Ngũ ấm xí thạnh, khổ:

Năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức nếu không điều hòa cũng tạo ra khổ.

Cái này quá mạnh. Xí là cháy lên, trở thành bao trùm những cái khác, làm mất thăng bằng.

Một trong những yếu tố của năm uẩn như giận buồn, lo hay năng lượng trong thân thể như năng lượng tình dục chẳng hạn, nếu nó lên nhiều quá thì nó làm mình khổ.

Năng lượng của sự lo lắng, tăng lên cũng làm mình khổ.

Trong Quy Sơn Cảnh Sách mà mình đọc sáng nay có câu:

Tuy tứ đại phù trì thượng tương vi bối, hình hài này tuy được bốn yếu tố đất nước, không khí và sức nóng nâng đỡ nhưng bốn yếu tố đó có khi chống chọi nhau.

Nhiều khi hỏa bốc lên nhiều thì mình cũng khổ, nước nhiều quá cũng khổ, gió nhiều cũng khổ vì vậy sự thăng bằng phải khéo léo để giữ gìn.

Nếu không có sự thăng bằng đó trong năm uẩn và trong tứ đại thì cũng khổ.

Đây là sự thật cần khám phá, nhưng nó quá vắn tắt.

Sau này các thầy, các sư cô phải khai thác ngũ ấm xí thạnh khổ này cho rõ ràng, khoa học hơn.

Mình là người học Phật của thế kỷ hai mươi mốt, mình là nhà khoa học trong lãnh vực thực tập đạo Phật trong thế kỷ 21, mình phải có sự trình bày khác hơn về sự thật thứ nhất.

Nó thích hợp hơn, tại vì trong chúng ta, ai cũng từng khổ.

Dù chúng ta còn trẻ có thể chúng ta đã khổ rồi.

Có khi mới hai tuổi, ba tuổi, đã bắt đầu khổ rồi.

Khổ đó là những kinh nghiệm trực tiếp, mình khổ cái gì thì mình nói ra cái đó.

Những khổ đau có thiệt chứ không hẳn là những điều người xưa đã nói.

Đó là những công thức của người xưa để giảng bày cái khổ.

Không hẳn là mình phải theo nhưng mình phải biết.

Phật pháp phải khế cơ, tức là nó phải đáp ứng được những nhu yếu đang có thực của con người. 


Sư Ông Làng Mai


Các tin tức khác

Back to top