Một thời, Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Bấy giờ, vương tử Bodhi thỉnh Thế Tôn và chúng Tỷ kheo đến nhà thọ trai. Sau khi thọ trai xong, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
Khoảng bao lâu, bạch Thế Tôn, một vị Tỷ kheo tu tập theo giáo pháp của Như Lai, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh? Này Vương tử, có năm tinh cần chi này.
Thế nào là năm? Ở đây, này Vương tử: Vị Tỷ kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai; Vị ấy ít bệnh, ít não, có sức khoẻ; Vị ấy không gian trá, như thật đối với bậc Đạo sư và các đồng Phạm hạnh; Vị ấy siêng năng từ bỏ các bất thiện pháp, tu tập các thiện pháp; Vị ấy có trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp.
Này Vương tử, vị Tỷ kheo thành tựu năm tinh cần chi này có thể đắc lậu tận trong bảy năm, cũng có thể là sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm, nửa tháng, cho đến bảy ngày, có thể có người được giảng dạy buổi sáng thì buổi chiều đã chứng đắc.
(ĐTKVN, Trung Bộ II, kinh Bồ đề vương tử [trích], VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.565)
Lời bàn:
Tinh cần tức siêng năng, cần mẫn, tinh chuyên và bền bỉ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công, dù cho phải đối mặt với những trở ngại, khó khăn nhất. Trong sự nghiệp tu tập, tinh cần là một trợ đạo, góp phần không nhỏ cho việc thành tựu Thánh quả.
Theo tuệ giác Thế Tôn, giữ vững niềm tin Phật, đấng Toàn giác là yếu tố đầu tiên. Tin tưởng tuyệt đối vào bậc Đạo sư, người dẫn đường tối thượng đã hoàn toàn giải thoát và giác ngộ. Tin Phật để tin tâm, thành tựu niềm tịnh tín bất hoại là tin vào khả năng giác ngộ của chính mình. Như Lai là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Tiếp đến, người tu phải có sức khoẻ và thể lực tốt. Thân và tâm vốn nhất như, có liên hệ mật thiết với nhau. Không thể có sự minh triết, sáng suốt trong một thân thể bệnh hoạn, ốm yếu đến kiệt sức. Mặt khác, tu tập là một sự tự giác và tự nguyện.
Vì thế, trung thực và chân thật với chính mình và mọi người là một nguyên tắc căn bản để tiến tu, tịnh nghiệp. Nguyện từ bỏ các điều ác, làm tất cả việc lành đồng thời những điều ác chưa sinh thì không để phát sinh, những việc lành đã sinh thì phải làm cho tăng trưởng là cốt tủy của chánh cần. Cuối cùng là vận dụng tuệ giác, nỗ lực thiền quán về sự sanh diệt của các pháp để thân chứng về Khổ, Vô thường và Vô ngã.
Thời gian để chứng đạt và an trú quả vị giải thoát luôn tỷ lệ nghịch với tinh tấn, chuyên cần. Có thể rất dài, trải qua ba A tăng kỳ kiếp nhưng cũng có thể rất ngắn, bảy ngày cho đến một ngày, thậm chí trong một sớm một chiều tùy thuộc hoàn toàn vào sự tu tập năm tinh cần chi này của mỗi hành giả. Tinh tấn, siêng năng hay chánh cần có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp tu học như thế, nên trong lời di huấn cuối cùng trước lúc Niết bàn, Thế Tôn chỉ răn dạy: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ phóng dật (Kinh Đại Bát Niết Bàn).
Quảng Tánh
Các tin tức khác
- Thương yêu chính mình là nền tảng của từ bi (24/02/2024 8:30)
- Những điều các thiếu nữ Phật tử cần phải học (24/02/2024 8:28)
- Mỗi hơi thở là một cơ hội để đánh thức lòng biết ơn (23/02/2024 8:28)
- Câu chuyện con rùa và sáu căn (23/02/2024 8:23)
- Cuộc sống là những phép trừ... (23/02/2024 8:18)
- Ý nghĩa tụng kinh Dược Sư và niệm Phật Dược Sư (23/02/2024 8:09)
- Thế nào gọi là sám, thế nào gọi là hối (22/02/2024 8:24)
- Tiêu diệt ngoại tam ác và nội tam độc (22/02/2024 8:21)
- Trồng thiện nhân gặt thiện quả (22/02/2024 8:16)
- Bí quyết để được phú quý và trường thọ (21/02/2024 8:17)