Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Người sống biết đủ, tuy nằm trên đất vẫn thấy an lạc; người sống không biết đủ, dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đức Phật và các đệ tử của Ngài gia tài chỉ có ba y phục và một bình bát mà vẫn an lạc, tự tại. Bởi thế mới biết rằng sở dĩ con người khổ là vì có quá nhiều lòng mong cầu, tham muốn.
Chỉ khi dứt trừ tham dục, dừng lại những tạo tác do mê lầm mới cắt đứt được những phiền não, hệ lụy trong cuộc đời, chấm dứt vòng luân hồi lẩn quẩn vì nghiệp duyên ràng buộc, khi đó mới tìm thấy an lạc hạnh phúc thật sự trên cõi đời này như kinh Bát Đại Nhân Giác đã dạy: “Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn đều từ tham muốn mà ra, nếu ít tham muốn, thực hành vô vi thì thân tâm được tự tại”.
Nhu cầu thật sự của con người là hạnh phúc chứ không phải thỏa mãn dục vọng. Nhưng do người ta nhận thức sai lầm rằng hạnh phúc của con người là khi dục vọng được thỏa mãn, trong khi không bao giờ thỏa mãn được tham dục, và chính điều đó đã tạo ra biết bao phiền não khổ đau cho con người.
Cuộc đời mong manh ngắn ngủi, tạm bợ vô thường, sớm còn tối mất nào ai biết trước, niềm vui có được không bao nhiêu nhưng nỗi lo lắng, thất vọng, khổ đau chi phối cả cuộc đời. Càng nhiều tham muốn, dục vọng thì càng nhiều phiền não khổ đau, đến lúc nhắm mắt xuôi tay trở về cùng cát bụi mới hay những gì đã trải qua như giấc mộng.
Vậy mà ai cũng bỏ thời gian, công sức, có khi cả cuộc đời lao tâm khổ trí làm vô số chuyện: tốt có, xấu có; hay có, dở có; thiện có, ác có, tạo ra duyên nghiệp buộc ràng cho mình và cho người khác, làm nên những vòng xoáy cuộc đời nhấn chìm an lạc, hạnh phúc mà lẽ ra chúng ta có được. Có khi tham muốn, khát vọng chưa thỏa mãn thì đã lìa bỏ cuộc đời, bởi đời sống vẫn vô thường, tai nạn, bệnh tật, sống chết là điều không ai biết trước.
Người xưa có câu: “Người không biết đủ giống như con rắn muốn nuốt cả con voi”, nuốt không được cũng lại không muốn nhả ra. Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều người bị “danh và lợi” thắt chặt. Họ mãi truy đuổi, một khắc cũng không dừng, có thứ này lại muốn thứ khác, có rồi lại muốn cái mới hơn. Một điều rất hiển nhiên rằng dục vọng của con người là hoàn toàn không thể thỏa mãn được.
Nếu một mực cưỡng cầu thì nhất định sẽ sinh ra phiền não. Con người sống truy cầu danh lợi vốn là để được hạnh phúc, vui vẻ, nhưng rất nhiều người vì truy cầu không được lại đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc vốn có của mình. Đây đúng là cái vòng luẩn quẩn của đời người.
Có người nói: “Tôi cũng không muốn liều mạng, quả thật không cần quá nhiều vật chất và hưởng lạc, nhưng danh lợi là thể hiện của sự thành công. Cho nên, buông bỏ là không có chí tiến thủ, không thể buông xuống được.” Không thể nghi ngờ rằng, danh lợi có phần mang đến vinh quang cho con người, tự nhiên có lực hấp dẫn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên thành công và danh lợi lại không nhất định là ngang hàng với nhau. Một người quá mức truy cầu danh lợi sẽ khiến tâm không còn tĩnh tại, dễ làm nhiều việc không nên.
Từ xưa đến nay, có bao nhiêu người cả đời lao tâm lao lực, đến lúc vinh hoa phú quý, công thành danh toại tưởng rằng như thế là hạnh phúc, khoái hoạt. Nhưng quay đầu lại nhìn thì hóa ra, hạnh phúc lại không phải ở nơi ấy… Người như vậy ở nơi nào cũng có, họ rốt cuộc cuối cùng là thành công hay thất bại?
Người biết đủ sẽ không chọn cách sống như vậy, họ cự tuyệt cách sống “chui đầu vào cái giỏ danh lợi”, bởi vì họ biết sẽ bị “danh lợi” làm khổ cả đời. “Danh lợi” tuy rằng ở một mức độ nào đó sẽ khiến con người khoái hoạt hạnh phúc nhưng dục vọng “danh lợi” mãi cứ giãn nở ra vô hạn thì chỉ có thể làm cho người ta thống khổ mà thôi. Cho nên, cổ nhân giảng: “Thấy đủ thường vui!”.
Một người biết đủ ở phương diện công danh lợi lộc có thể không thành công như người khác nhìn vào nhưng hẳn là sẽ vui vẻ, hạnh phúc. “Biết đủ” chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay. Người ta nói rằng “vui vẻ” là nguyên tố không thể thiếu của mỗi người.
Có câu nói rất hay rằng: “Đừng khóc vì không có giày đi bởi vì có người còn không có chân để đứng!” Bởi vậy mới nói: “Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng u buồn”. Ở vào cùng một tình cảnh, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi, cải biến theo chiều hướng tốt.
Chúng ta đến thế gian này hẳn đều có cảm giác bản thân mang theo sứ mệnh nào đó. Nên là sống để làm việc, đừng nên làm việc để sống. Có tâm biết đủ là quý trọng những gì có ở hiện tại. Chúng ta đừng nên nghĩ mình thiếu những gì mà nên nghĩ nhiều về những thứ mình đã có.
Nếu không quý trọng, thì những thứ đang có hiện tại cùng rời bỏ chúng ta mà đi. Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có. Ví như sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của mỗi người nhưng mọi người lại thường xem nhẹ, đến lúc sắp mất đi rồi mới thấy hối tiếc thì đã muộn mất rồi.
An Hoà - Minh Đức
Các tin tức khác
- Nhân quả của việc chê bai, nói xấu người khác ( 7/03/2024 8:26)
- Biết ơn những thất bại ( 7/03/2024 8:22)
- Tám nạn của người tu ( 7/03/2024 8:19)
- Bước đầu học Phật: Số mạng, nghiệp báo đồng hay khác? ( 7/03/2024 8:16)
- Tùy người mà nói Pháp ( 6/03/2024 8:33)
- Thế nào là hiện báo, sanh báo và hậu báo? ( 5/03/2024 8:38)
- Phật dạy ca ngợi đúng người, đúng việc mới được phước ( 5/03/2024 8:35)
- Chết an lành ( 5/03/2024 8:29)
- Tất cả đều trống rỗng ( 4/03/2024 8:23)
- Trừ lửa trong tâm ( 4/03/2024 8:19)