Ý nghĩa chữ "tu"

15/03/2024 8:49
Trên đường tu, ta đi được một bước là an lành một bước, đi hai bước là an lành hai bước. Tu là như thế, chớ không phải tu là cầu xin Phật Tổ ban cho mình sự an vui tự tại.

Phật không chấp nhận điều ấy. Người biết tu thì việc làm mới có ý nghĩa, người không biết tu chẳng những việc làm không có ý nghĩa mà còn phạm tội nữa. 

Biết tu là an lạc một đời, không biết tu thì đau khổ mãi trong đời này và cả đời sau. Cho nên người Phật tử chân chánh cần phải hiểu đạo lý một cách đúng đắn, không nên hiểu sai lầm để đời tu của mình trở thành vô nghĩa.

Phật tử qui y Tam Bảo, thọ trì năm giới để tu. Ðó là điều thiết yếu. Nhiều vị tu mà không biết gì là gốc, gì là ngọn. Chúng ta tu sao cho bản thân mình được tốt đẹp, ảnh hưởng đến những người chung quanh cũng được tốt đẹp.

Vì sao Phật dạy phải giữ giới không sát sanh? Ở đời ai cũng sợ chết. Mình đã sợ thì có nỡ làm cho người khác chết không? Ta trọng sanh mạng của mình thì cũng phải trọng sanh mạng của người, do đó không được sát sanh. Ta muốn sống thì cũng phải bảo vệ mạng sống của người khác. Ðó là lẽ công bằng.

Giới thứ hai, không được trộm cắp. Ai cũng biết tiền của là mạng mạch của sự sống. Nếu mất tiền của, sự sống không còn bình an nữa. Ai cũng thấy tiền của quan trọng như thế, nên bị xâm phạm thì nổi tức muốn trả thù. Nếu ta biết bảo vệ của cải cho mình thì cũng nhớ bảo vệ của cải cho người. Vì vậy không trộm cướp là một lẽ công bằng trong cộng đồng xã hội loài người.

Giới thứ ba, không được tà dâm tức bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong gia đình, người chồng hoặc người vợ ngoại tình, gia đình đó tan nát, không còn hạnh phúc. Chúng ta muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình mình thì phải bảo vệ hạnh phúc gia đình của người. Do đó Phật cấm không được tà dâm. Ba giới này hết sức thiết yếu trong cuộc sống, giữ được ba giới này là tránh khổ cho mình cho người nhiều lắm rồi đó.

Giới thứ tư không được nói dối. Thường trong gia đình từ cha mẹ đến con cái, chồng hoặc vợ dối gạt nhau, không ai thật thà với ai hết thì làm sao tin nhau được. Không tin thì có thương yêu không? Có tin mới có thương, không tin thì không thương. Như vậy, muốn gia đình hòa vui, tin yêu nhau thì mọi người phải thật thà với nhau. Ðến ngoài xã hội cũng vậy, nếu chúng ta lừa gạt người này, dối trá người kia thì không ai tin mến mình cả. Chừng đó ta nói gì họ cũng không nghe. Thế là vô tình ta tự loại mình ra khỏi cộng đồng xã hội rồi, có khổ chưa? 

Bởi vậy nói dối rất nguy hại, trong gia đình mất tình thương yêu; ngoài xã hội ta trở thành kẻ cô độc. Cho nên Phật cấm không cho nói dối.

Giới thứ năm không được uống rượu. Phật cấm không uống rượu mạnh, không uống say. Tại sao Phật lại cấm uống rượu, đâu có đánh đập ai, phiền lụy ai? Bởi vì người say rượu giống như kẻ điên mất hết trí khôn, tâm thể cuồng loạn. 

Cho nên Phật dạy rượu là nhân si mê, uống nhiều thì si mê nhiều, không uống thì tỉnh sáng. Uống rượu có hai điều hại. Thứ nhất là gieo hạt giống si mê, thứ hai là sanh bệnh hoạn. Ðó là hại gần, còn xa nữa thì con cháu sanh ra cũng bị si mê theo, vì ảnh hưởng di truyền của cha mẹ. Vì vậy Phật cấm không cho uống rượu.

Hiện tại chúng ta không say mà còn lầm lẫn, huống là uống say thì bao nhiêu lầm lẫn khác xảy đến. Không làm chủ được mình, không giản trạch phải quấy, lúc đó rất dễ tạo tội. 

Ngày nay còn có ba thứ độc hại hơn ruợu nữa là á phiện, xì ke, ma túy. Cho nên phải nói thêm, Phật tử không được uống rượu mạnh, uống say; không hút á phiện, xì ke, ma túy, đó là giới thứ năm. Tai hại của những thứ này nếu nói rộng ra thì sẽ làm xã hội băng hoại, con người gây vô số tội lỗi, chớ không phải thường.

Vì vậy bước đầu vào đạo, Phật dạy chúng ta phải giữ năm giới. Giữ năm giới là tu. Phật tử nào không phạm năm giới là người sống xứng đáng trong đạo cũng như đời.

Do chúng ta biết giữ năm giới hiện đời bản thân mình tốt, mọi người chung quanh mến thương. Khi nhắm mắt biết chắc chắn sẽ trở lại làm người tốt, nên trong tâm không lo sợ hoảng hốt. Ðó là tu Nhân thừa Phật giáo.

Người không sát sanh đời sau sanh ra tuổi thọ dài.

Không trộm cướp đời sau sanh ra có tài sản nhiều. 

Không tà dâm đời sau sanh ra đẹp đẽ trang nghiêm.

Không nói dối đời sau sanh ra nói năng lưu loát, ai cũng quí cũng tin. 

Không uống rượu mạnh, không uống say; không hút á phiện, xì ke, ma túy đời sau sanh ra được trí tuệ minh mẫn.

Như vậy, giữ được năm giới hiện đời sống hạnh phúc, đời sau càng hạnh phúc hơn.

Nên nói tới tu là điều cần thiết cho bản thân mình, cho gia đình và cho cả xã hội nữa. Chớ không phải tu là cầu những chuyện lạ lùng, huyền bí. Nếu một thôn, một xóm ai cũng giữ tròn năm giới thì thôn xóm đó có vui không? Không ai sợ bị ăn cắp, sợ người khác hại, sợ người khác phá gia cang của mình v.v. Ðó là chỗ hòa vui.

Vì vậy tu là biết được gốc của sự an vui. Những gì làm đau khổ chúng ta tránh, những gì tạo niềm an vui chúng ta làm thì cuộc đời tốt đẹp biết dường nào. 

Nếu không biết tu chúng ta cứ làm những điều xấu, rồi tự chuốc khổ cho mình cho người. Chính mình chủ nhân tạo ra mọi sướng khổ, chớ không phải thần thánh nào cả. Thế nhưng có người động tới liền xin thần thánh "tha cho con". Thật buồn cười.

Chúng ta gieo nhân tốt mới hưởng được quả tốt, không gieo nhân mà đòi hưởng quả đó là chuyện viển vông. Không cần phải xin xỏ ai cả, chỉ khéo tạo nhân tốt để được quả tốt, đó là người sáng suốt thực tế. Phật bảo đó là người khéo tu, biết tu vậy.

Mong tất cả quí vị hiểu được ý nghĩa "chữ tu" cho thật đúng, khéo ứng dụng vào cuộc sống của mình, thì dù nghe ít vẫn lợi lạc nhiều. Bằng ngược lại nghe nhiều mà không khéo tu, cứ mặc tình tạo các nghiệp bất thiện thì chẳng những không được chút lợi lạc, mà phải chuốc quả khổ đau nữa.

Chúc quí vị cố gắng tu đạt được nhiều an lạc trong hiện đời và cho cả mai sau.


Hòa thượng Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top