Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc…
- Lại nữa, có năm con đường của ngôn ngữ, hoặc nói đúng thời hay không đúng thời, hoặc nói chân thật hay không chân thật, hoặc nói dịu dàng hay cứng ngắc, hoặc nói từ hòa hay sân nhuế, hoặc nói có nghĩa lợi hay không nghĩa lợi. Với năm con đường ngôn ngữ này, các ngươi nếu khi người khác nói mà với tâm bị biến đổi, có thể miệng phát ra lời nói cộc cằn, Ta nói các ngươi do đó mà bị suy thoái.
- Các người hãy học, với năm con đường ngôn ngữ này, khi người khác nói mà tâm không bị biến đổi, miệng không phát ra lời nói cộc cằn, hãy hướng đến kẻ thù nghịch, hãy duyên nơi kẻ thù nghịch mà khởi tâm từ mẫn, tâm tương ưng với từ biến mãn một phương, thành tựu và an trụ.
Cũng vậy, hai, ba, bốn phương tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.
- Cũng như một người cầm cái cuốc rất lớn đến và nói rằng: ‘Tôi có thể làm cho cả mặt đất này trở thành không phải đất’. Người ấy bèn đào chỗ này, chỗ kia, rồi nhổ nước miếng, nước tiểu để làm dơ bẩn. Khi người nói lời thô ác nói như vầy: ‘Mong cả mặt đất này không phải là đất’. Ý ngươi nghĩ sao? Người ấy do phương tiện ấy có thể làm cho mặt đất trở thành không phải mặt đất được chăng?
Các Tỳ-kheo trả lời rằng:
- Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì cõi đất này rất sâu rất rộng, không thể lường được. Cho nên người kia với phương tiện ấy không thể nào làm cho cõi đất này trở thành không phải đất. Bạch Thế Tôn, người ấy chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Mâu-lê-phá-quần-na, số 193 [trích, lược])
Người xưa nói “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Dù cho miệng lưỡi thế gian có thế nào chúng ta vẫn an nhiên, “tâm không bị biến đổi, miệng không phát ra lời nói cộc cằn”. Để làm được điều này, nội tâm của chúng ta cần được phủ đầy bốn tâm vô lượng, đặc biệt là tâm từ.
Tâm từ vốn có trong ta nhưng phải đánh thức, nuôi dưỡng bằng thiền rải tâm từ mỗi ngày. Ban đầu là nguyện yêu thương hết thảy chúng sinh cho đến khi lòng thương vô hạn có mặt. Đặc tính nổi trội của tâm từ là mát mẻ, từ ái, không sân hận. Khi tình thương đã chan chứa, đong đầy thì chúng ta không có kẻ thù, chẳng còn người đối nghịch nên dẫu có đối mặt với những lời chướng tai cũng khó làm cho ta bực bội. Chẳng những không nóng giận mà ta còn thương cho những ai ăn nói cộc cằn, khó nghe. Bởi những ai nói lời gây tổn thương, đau khổ thì chính họ đang bị quá nhiều tổn thương, đau khổ.
Nếu cả bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả được tu tập “rộng lớn, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ” thì tâm của ta vững chãi và rộng lớn như mặt đất. Cho dù có ai đào bới, khạc nhổ hay quăng bỏ những vật dơ uế lên mặt đất thì đất đều dung chứa, chấp nhận dễ dàng. Mặt đất không hề khó chịu, phiền hà hay nóng giận vì nó quá lớn, không thể bị tổn hại.
Thế nên, ta không ngại thị phi của người đời vì bản chất của con người và cuộc vốn như vậy. Quan trọng là hãy giữ tâm mát mẻ, vui vẻ, yêu thương và buông xả. Lời nói sẽ theo gió bay đi nếu tâm ta không bị dính mắc.
Quảng Tánh
Các tin tức khác
- Bình an do mình tạo ra chỉ là giả tạm (28/03/2024 8:36)
- Hải đảo tự thân (28/03/2024 8:33)
- Phút giây tỉnh thức lặng thầm hơn cả nghìn năm mê mờ... (28/03/2024 8:31)
- Những tật xấu rất khó chữa trị (28/03/2024 8:25)
- Tránh xa thầy tà, bạn xấu (27/03/2024 8:44)
- Thiện và ác rất xa mà rất gần (27/03/2024 8:40)
- Vô sự mà lợi ích cho đạo (27/03/2024 8:37)
- Pháp thân có sẵn ở nơi mỗi chúng ta (26/03/2024 8:31)
- Kiêu mạn hao tổn phước (25/03/2024 8:43)
- “Mọi thứ đều không mang theo được, chỉ có nghiệp theo mình” (25/03/2024 8:31)