Càng buông bỏ, càng hạnh phúc

4/04/2024 8:14
Thiền sư Ajahn Chah từng chia sẻ từ sự trải nghiệm thực hành hạnh buông bỏ trong một bài giảng rằng: “Người nào buông bỏ ít, bình an ít, buông bỏ nhiều, bình an nhiều, buông bỏ hoàn toàn, bình an hoàn toàn.”

Điều này truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta rằng tất cả đều có thể thực hành hạnh buông bỏ tùy theo khả năng và nghiệp duyên của mỗi người. Nếu chưa thể buông bỏ hoàn toàn thì vẫn có thể làm vơi nhẹ dần những phiền não, hạn chế dần những ham muốn đời thường và an lạc, hạnh phúc theo đó cũng lớn dần theo mức độ gia công và nỗ lực của hành giả.

Để giúp cho chúng đệ tử dễ dàng hơn trong việc chế ngự tâm, thực hành hạnh buông bỏ, Đức Phật chế định ra hệ thống giới luật, quy định những điều không nên làm để giảm thiểu tối đa những ham muốn mang mầm đau khổ, giúp người thực hành sống trong ranh giới an toàn của đời sống thiểu dục tri túc thánh thiện, an lạc và hạnh phúc. Hệ thống giới luật của người xuất gia giúp cho hành giả buông bỏ hoàn toàn để có hạnh phúc trọn vẹn. Trong khi đó, giới luật dành cho người cư sĩ tại gia đặt nền tảng trên 5 giới là một cẩm nang quý báu để hỗ trợ cho người thực hành hạn chế ham muốn, buông bỏ dần dần trên con đường chuyển hóa khổ đau, mà vẫn còn đang đi trên con đường của sự ham muốn.

Điều này có nghĩa là ai ai cũng có thể nương vào cẩm nang Đức Phật để lại cho đời để thực hành hạnh buông bỏ. Đơn giản là bạn cứ hưởng thụ hạnh phúc theo kiểu của bạn, cho đến khi sự hưởng thụ ấy đem lại cho bạn chướng ngại và khổ đau thì hãy đem cẩm nang quý báu của Đức Phật dành tặng cho những người có đủ tuệ giác để sợ hãi khổ đau ra mà áp dụng. Với tuệ giác ở mức tối thiểu đó, cùng kinh nghiệm khổ đau vừa trải qua, bạn có thể bắt đầu thực tập sự buông bỏ; sự thực hành lúc này là cần thiết vì bạn không muốn phải chịu đựng khổ đau thêm nữa. Chỉ từ trong đau khổ ngoi lên, chúng ta mới tha thiết thực hành hạnh buông bỏ để thoát ly đau khổ. Do đó, càng đau khổ, chúng ta càng thấy giá trị của các giới điều như một bảo vật cho chúng ta trong quá trình trị liệu và chuyển hóa khổ đau. Đây là cách thừa hưởng tối ưu gia tài Chánh pháp mà Đức Phật đã dày công gầy dựng và để lại cho đời.

Thực hành hạnh buông bỏ giữa những cám dỗ vật chất đang bủa giăng rình rập với nhiều hình thức hấp dẫn khác nhau là noi theo gương hạnh từ bỏ vĩ đại của Đức Phật, là hành động có ý nghĩa thiết thực nhất để chúng ta tưởng niệm Đức Từ phụ Bổn Sư nhân ngày lễ Đản sanh của Ngài. Những ai đang thao thức với con đường giải thoát giác ngộ, tìm cầu an lạc, giải thoát thật sự thì hãy thực hành hạnh buông bỏ - buông bỏ từng phần, buông bỏ dần dần cho đến lúc có thể buông bỏ hoàn toàn để có được hạnh phúc trọn vẹn và tối thượng. 


Liên Trí

Các tin tức khác

Back to top