Trả lời: Phần lớn chúng ta có thói quen đánh giá, nhìn nhận, hành xử... mọi vấn đề bằng lý trí chủ quan hoặc tình cảm riêng tư, nghĩa là phản ứng hay hành động theo kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, quan niệm... đã được lập trình sẵn trong tâm (hay trong đầu gì đó).
Vì vậy, dường như ít ai thấy biết hay hành động một cách mới mẻ và trực tiếp từ tánh biết rỗng lặng trong sáng, mà chỉ là lặp lại kinh nghiệm quá khứ, những quan niệm hay thành kiến đã lâu đời. Điều này dễ dàng hình thành thói quen hay lối mòn khuôn sáo và chỉ còn hành động như con rối, bị điều khiển bởi cái Ta ảo tưởng.
Thấy biết, hành xử trong sáng là khi tâm không bị tư tưởng, bản ngã và thời gian chi phối. Cái Ta ảo tưởng luôn bị sa lầy trong quá khứ, hiện tại và vị lai nên không thể thật sự trong sáng được.
Chỉ khi nào vắng bóng cái Ta ảo tưởng thì hoạt động lý trí cùng với ý niệm thời gian cũng biến mất, lúc đó chỉ còn lại thực tại hiện tiền. Thấy biết thực tại hiện tiền chính là thấy biết trong sáng. Điều này được thể hiện qua chánh niệm tỉnh giác một cách tự nhiên và vô ngã, như đức Phật đã dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ.
Hỏi: Kính bạch thầy, trên con đường tu tập nếu mình còn thấy "Ta làm cái này, Ta làm cái kia, cái này thiện, cái này ác..." thì vẫn còn trong vô minh trói buộc. Nếu biết được đó là do pháp vận hành thì sẽ ra khỏi vô minh phiền não, có phải vậy không ạ?
Trả lời: Thấy "Ta làm cái này, Ta làm cái kia, Ta thiện, Ta ác..." thì đúng là vẫn còn trong vô minh trói buộc, chủ yếu là vì trong đó còn có cái Ta ảo tưởng.
Nhưng thấy rõ ràng phân minh “cái này thiện, cái này bất thiện" trong tính chất của hành động, nói năng, suy nghĩ mà không cố chấp phân biệt thì đó là trí tuệ.
Khi nào phân biệt thiện ác theo quan niệm hoặc tình cảm cá nhân v.v... rồi đánh giá, phê phán chủ quan mới là trói buộc của bản ngã vô minh ái dục. Cần thấy rõ giữa sự phân biệt thiện ác của cái Ta lý trí-tình cảm với sự phân minh thiện ác của trí tuệ phát xuất từ tánh biết rỗng lặng trong sáng.
Hỏi: Kính bạch Thầy, trong các bài giảng của Thầy, Thầy luôn nhắc tới cái Ta ảo tưởng (bản ngã), nếu Phật tử chú ý thì sẽ mở được nút thắt, sẽ thấy được đạo ở ngay trong tâm mình.
Trả lời: Đúng vậy. Khi hoàn toàn giác ngộ Đức Phật tuyên bố đã phát hiện được người thợ làm nhà (bản ngã) và đã phá hủy toàn bộ cấu trúc ngôi nhà mà bản ngã đã dựng lên (ngũ uẩn). Đó là mấu chốt của sự tu tập.
Do không nhận ra điều này, nhiều người tu vẫn còn ảo tưởng cầu toàn cho bản ngã. Nhưng chính cái Ta ảo tưởng không biết rằng pháp vốn đã hoàn toàn từ lúc bản ngã chưa sinh...
Thầy Viên Minh
Các tin tức khác
- Không kinh doanh phi pháp (17/04/2024 8:24)
- Sống đời dễ chịu (17/04/2024 8:13)
- Người bạn chân thật ở đời theo lời Phật dạy (17/04/2024 8:11)
- Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi (16/04/2024 8:47)
- Kiếp súc sinh - dễ đọa, khó thoát (16/04/2024 8:42)
- Hai nguyên tắc làm vơi đi phiền não (16/04/2024 8:40)
- Không kính cha mẹ là một bệnh căn khiến không được thấy Phật (16/04/2024 8:35)
- Điều gì là tốt? (15/04/2024 8:31)
- Nhân duyên của giàu và nghèo (15/04/2024 8:26)
- Lời Phật dạy về việc giữ gìn tài sản (15/04/2024 8:21)