Tuy nhiên, trong đạo Phật, khi triển khai lời Phật dạy, mỗi vị Tổ sư đều có phương pháp thực tập riêng biệt, khác nhau, tùy theo hạnh nguyện và nhân duyên của từng vị, nhưng tất cả các ngài đều đạt được sở đắc, sở ngộ. Vì có sự khác biệt trong việc thể nghiệm giáo pháp mà các ngài đã phân chia ra nhiều pháp môn tu khác nhau.
Từ đó, nói đến tu là người ta nghĩ đến tu pháp môn nào; vì đạo Phật có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn tu để đối trị tám mươi bốn ngàn phiền não trần lao của chúng sanh, làm cho chúng sanh được an vui giải thoát và đó chính là con đường của Đức Phật vạch ra. Nếu đi lệch ra khỏi con đường này là đi vào tà đạo, tức chúng ta tu, nhưng không giải thoát.
Thực tế cho thấy có những người chưa tu thì hiền lành, dễ thương; nhưng tu một lúc trở thành khó tánh, khó chịu, không ai chấp nhận được, là đã đi lệch đường, là tu theo tà đạo. Thật vậy, nếu tu theo Phật đạo, càng tu thì càng giải thoát; trong khi đi lệch hướng thì càng tu càng bị ràng buộc. Trên bước đường tu, đi đúng hướng là việc rất cần thiết đối với tất cả chúng ta.
Trong các pháp môn tu, Phật giáo chúng ta chọn pháp chính yếu là tu Thiền và tu niệm Phật, tức tu Tịnh độ. Hai pháp tu này gần như mọi người đều áp dụng; vì niệm Phật và Thiền đều đi vào con đường giải thoát. Về Thiền đòi hỏi những người phải đắc Thiền mới dạy được Thiền; nhưng chưa đắc Thiền mà dạy Thiền thì không kiểm soát được thế giới nội tâm của Phật tử, họ đi lạc làm sao cứu được.
Thật vậy, Thiền phải dùng tâm truyền, tức người đắc đạo truyền cho người có khả năng đắc đạo mà thôi. Trong lịch sử, khi Phật thuyết kinh Pháp hoa ở Linh Thứu sơn, Ngài đưa cành hoa sen lên và ngài Ca Diếp mỉm cười, gọi là niêm hoa vi tiếu; nghĩa là Đức Phật chỉ truyền pháp cho ngài Ca Diếp, tức tâm truyền tâm, hai thầy trò hiểu nhau mà thôi.
Giáo tông là ngữ ngôn văn tự do Pháp sư thuyết giảng; cho nên con đường giáo tông được mở rộng hơn. Trong khi con đường Thiền là giáo ngoại biệt truyền, nên Phật truyền pháp cho Ca Diếp và chỉ một mình Ca Diếp biết thôi. Đó là điểm đặc sắc tiêu biểu của việc học Thiền.
Vì vậy, chúng ta thấy Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đi khắp đất nước Ấn Độ, nhưng không tìm thấy người có khả năng để ngài truyền pháp. Ngài mới lặn lội sang tận Trung Quốc để tìm, nhưng suốt cả một đời, ngài chỉ tìm được một người tiếp nhận được pháp là Huệ Khả. Có thể khẳng định rằng pháp tu Thiền không đơn giản, vì phải hiểu ngoài giáo lý, phải đắc đạo, phải ngộ đạo. Theo tôi, pháp tu này khó vô cùng, ít có người đạt được.
Thiền có nhiều phương cách thực hành khác nhau, cần xem phương cách nào thích hợp với mình để thực tập. Một là Thiền Ấn Độ hay Thiền ngoại đạo có đồng thời hay trước Phật, nhưng pháp này của ngoại đạo; vì thế, nếu áp dụng thì phải cân nhắc. Ngày nay, phái này cũng truyền sang Việt Nam gọi là luyện Yoga. Từ thời Phật tại thế, việc luyện Yoga mang tính cách tâm linh, nhưng ngày nay mang tính thể thao, thực tập pháp này để có sức khỏe tốt, nếu được hướng dẫn đúng pháp.
Hai là Thiền Tứ niệm xứ là pháp căn bản mà Đức Phật dạy các vị Tỳ-kheo khi Ngài còn tại thế. Tất cả mọi người bước chân vào cửa đạo phải thực tập pháp này để mở ra con đường giải thoát cho chính mình. Pháp Thiền Tứ niệm xứ là pháp tu đúng đắn, vì đó là cái gốc của Phật giáo giúp đệ tử Phật vào cánh cửa giải thoát là Không, vô tác, vô nguyện. Phật giáo Nam tông đã triển khai sâu rộng pháp này đúng với Chánh pháp.
Ba là Thiền Đông độ phát triển mạnh ở Trung Quốc (Đông độ chỉ cho Trung Quốc) từ thời Đạt Ma Tổ sư, mà ngày nay Phật giáo Bắc truyền ở Việt Nam áp dụng gọi là Thiền Tổ sư.
Bốn là khi Thiền Đông độ truyền sang Nhật Bản thì đã mở rộng theo chiều hướng khác, thích ứng với tinh thần của xã hội Nhật, nghĩa là Thiền đi vào cuộc đời để tất cả mọi ngành mọi giới của đất nước này đều thực tập được. Pháp Thiền này thực sự mang tính thư giãn nhiều hơn, ngày nay chúng ta có thể áp dụng, tức là làm sao cho đầu óc chúng ta được nhẹ nhàng, vơi bớt ưu phiền trong cuộc sống.
Có thể gọi là Thiền hay tĩnh tâm giúp cho mọi người điều hòa thể xác khỏe mạnh và tinh thần tốt đẹp; đó là Thiền mang tính cách xã hội. Nhờ ảnh hưởng của Thiền, mới xuất hiện ở Nhật Bản những bài thơ và những áng văn trác tuyệt. Giới võ sĩ đạo triển khai kiếm đạo, cung đạo, hiệp khí đạo, nhu đạo nhờ hấp thu tinh ba của Thiền là sức tập trung cao để đạt đến đỉnh cao trong lãnh vực chuyên môn.
Chẳng hạn võ sĩ muốn bắn trúng một điểm xa phải tập trung cao vào tiêu điểm xa nhỏ nhất, nhờ vậy, mục tiêu di động thế nào, họ đều thấy rõ, nên bách phát bách trúng. Hoặc nhờ tập trung cao mà võ sĩ thấu biết được đối thủ nghĩ gì, tính gì, nên có cách phá hỏng được ngón đòn của đối thủ ngay từ trong tâm trí. Về nghệ thuật, có rất nhiều bức tranh, nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của các thiền sư Nhật sáng tạo. Như vậy, từ Thiền Tổ sư, Thiền Tứ niệm xứ hướng đến con đường thoát tục, người Nhật đã khai thác, đưa Thiền vào sinh hoạt xã hội hàng ngày. Ngày nay, cả thế giới ngưỡng mộ Thiền, làm sao đem Thiền vào cuộc sống, giúp con người khỏe mạnh, tâm lý bình ổn và có cái nhìn sáng suốt hơn. Đó là pháp đúng đắn mà người tu cần thực tập.
Về pháp môn Tịnh Độ nhiều người hiểu Tịnh độ một cách đơn giản là thế giới Cực lạc ở phương Tây của Đức Phật Di Đà và mong rằng sau khi từ giã cõi đời này, sẽ được sanh về thế giới đó.
Theo tôi, nếu nghĩ pháp môn Tịnh độ chỉ hướng về thế giới Cực lạc ở phương Tây mà tu tập, chúng ta sẽ bị hạn chế nhiều mặt, cần phải cân nhắc. Chúng ta hiểu Tịnh độ là gì. Tịnh độ là trong sạch, hay muốn nói tâm trong sạch, thân trong sạch và quốc độ trong sạch. Vì vậy, tâm tịnh thì độ tịnh, tức tâm chúng ta thanh tịnh, hoàn cảnh tự tốt, không phải về Tây phương Cực lạc cách đây mười muôn ức thế giới mới có Tịnh độ; còn nơi khác không có Tịnh độ.
Đức Phật dạy chúng ta rằng trong khắp mười phương thế giới, ở đâu cũng có Phật và ở nơi nào có Phật, chỗ đó có Tịnh độ, hay chỗ có tâm trong sạch, chỗ đó có Tịnh độ. Vì tất cả các Đức Phật thân tâm đều thanh tịnh nên quốc độ của các Ngài thanh tịnh; vì thế, ở đâu cũng có Tịnh độ.
Và trở qua kinh Duy Ma, ngài Xá Lợi Phất nghĩ rằng mười phương Phật thanh tịnh, chẳng lẽ Đức Phật Thích Ca không thanh tịnh hay sao mà thế giới của Ngài là Ta bà đầy hầm hố gai chông. Đức Phật liền ấn chân xuống đất thì Tịnh độ hiện ra. Tịnh độ hiện ra là Thường Tịch Quang Tịnh độ, là thế giới Thiền định của Phật mà chúng ta không thấy được, không vào được, nên nói là không có.
Ý này được kinh diễn tả rằng tất cả chúng sanh ví như người mù không thấy ánh sáng, nhưng thực sự lúc nào ánh sáng cũng có. Tại sao chúng sanh mù. Mù mắt thịt do mắt bị kéo mây, nhưng mù tâm thì Phật nói do mây ngũ uẩn ngăn che chúng ta không thấy. Chúng ta từ từ lột bỏ mây ngũ uẩn, ánh sáng sẽ hiện ra. Vì bị đám mây ngũ uẩn che khuất, cho nên chúng ta ở thế giới thanh tịnh của Phật Thích Ca, mà chúng ta tự khởi sự ô nhiễm mới thấy khổ.
Đi tu rất sướng đối với người biết tu và tu có kết quả. Tôi nói thực rằng không gì sung sướng hơn tu. Người tu không có quyền, không có tiền, nhưng sung sướng nhất. Tuy nhiên, phải nhận ra chân thật pháp và thực tập đúng đắn mới được sung sướng.
Điều sung sướng nhất là người tu không bị phiền não thế tục quấy rầy, tức là không buồn, không giận, không lo, không sợ. Câu chuyện Đức Phật hướng dẫn các vị Tỳ-kheo đi du hóa, gặp một người chủ trang trại mất bò, chạy hớt hơ hớt hải để tìm bò trông thực khổ sở thê thảm. Đối trước cảnh khổ đó, Đức Phật mới nói rằng các Thầy Tỳ-kheo sung sướng vì không có con bò để mất, hay không có gì để mất. Riêng tôi, trên bước đường tu, tôi cảm thấy sung sướng vì không bị vướng mắc với ba việc là ăn, mặc, ở như tất cả những người đời luôn luôn bị ba thứ này làm khổ. Tu hành, làm sao chúng ta tự rèn luyện không bị lệ thuộc với ba việc này.
Ăn ngủ nhiều để sanh bệnh chỉ chuốc lấy khổ. Việc tu của chúng ta làm sao hạn chế được ăn ngủ. Tôi sang Nhật tu Thiền, tới Thiền đường, người ta giao cho tôi một căn phòng trống trơn, không có chăn, mền, gối gì cả, rất là lạnh. Tôi thức tỉnh, nhận ra rằng nhờ lạnh không ngủ được, phải thức mới thực tập Thiền. Làm sao trời lạnh mà không cảm thấy lạnh, không thấy đói, phải thực tập cho được điều này.
Đi tu, tập bớt ăn nhiều chừng nào thì đạo giải thoát gần thêm chừng đó. Suốt ngày không ăn cũng được, vì tôi đã tập bớt ăn, nhịn lần. Ăn vừa đủ, hay ăn thiếu một chút càng tốt, là ý Phật dạy tam thường bất túc của người tu. Không nên ăn nhiều, ngủ say. Về đây tu, chúng ta tập bớt ăn uống, nên bớt phóng uế; cho đến ngày nào các Phật tử chỉ ăn một vắt cơm là tu có kết quả tốt.
Tôi đã thực tập pháp tu này ở Nhật, một ngày chỉ ăn một vắt cơm với một trái xí muội, rất ngon mà không khát nước, không ra mồ hôi, khỏi đi tiểu. Tuy nhiên, phải có quá trình thực tập, đừng ép, nguy hiểm. Muốn có cơ thể khỏe mạnh, phải dùng thức ăn thích hợp và hạn chế những thực phẩm có độc tố; ăn uống đơn giản để có thì giờ sống với đạo.
Tu là rèn luyện cơ thể có sức chịu đựng, bảo đảm không bệnh hoạn. Và tiếp theo, chúng ta thực tập những pháp môn mà Đức Phật chỉ dạy để phá một phần phiền não trần lao, để bước lần lên đường giải thoát. Như vậy là thân không bệnh, tâm không phiền não. Mong rằng tất cả quý Phật tử sẽ thực sự sống trọn vẹn trong sự an lạc tại đạo tràng này và mang sự an lạc ấy về cho gia đình, giữ mãi sự an lạc ấy trong từng phút giây của cuộc sống.
HT. Thích Trí Quảng
Các tin tức khác
- Bố thí ít được phước nhiều (22/04/2024 8:29)
- Mối quan tâm sâu sắc nhất của ta (21/04/2024 8:46)
- Nhân duyên (21/04/2024 8:38)
- Tuỳ duyên mà đi hay ở (20/04/2024 8:16)
- Thầy Minh Niệm: Cần yêu thương hãy quay về nhà (20/04/2024 8:13)
- “Phước đức” và “công đức” khác nhau như thế nào? (20/04/2024 8:11)
- Bản thân có giải thoát, mới mong giúp được người (19/04/2024 8:43)
- Là người khéo biết an trú vào Phật pháp (19/04/2024 8:39)
- Phật dạy về sự hộ niệm (19/04/2024 8:32)
- Chuyện con rùa tự bảo vệ mình (18/04/2024 8:27)