Đó là người biết lọc bỏ cát sỏi để lấy vàng. Nếu chúng ta cứ nuôi nó hoài thì suốt kiếp tu không tới đâu hết. Chẳng những tu không tới đâu mà còn nguy hại đến nhiều đời sau, phải chịu đau đớn gấp trăm ngàn lần đời này.
Vì vậy chúng ta tu phải cố gắng dẹp bỏ tất cả tham sân si. Tu một năm giảm chừng mười phần trăm, hai năm giảm hai chục phần trăm, mười năm thì sạch trơn tham sân si. Tu như vậy là Thánh mất rồi.
Đằng này đi chùa nhiều năm phiền não lại càng nhiều vì không dẹp chút nào hết, như vậy đâu gọi là tu.
Mỗi năm qua mạng sống mỗi giảm mà việc tu hành vẫn y nguyên, không tiến bước nào hết thì con đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, chờ đón chúng ta ở phía trước.
Muốn trở lại làm người tốt, muốn lên cõi trời, muốn thành Thanh văn, Duyên giác v. v… mà không chịu tu tiến là điều không thể chấp nhận được.
Cho nên nói tới người tu chúng ta phải hiểu là người luôn luôn sửa đổi, loại bỏ cái dở hướng đến cái thiện.
Năm này bỏ được phân nửa, năm tới phải bỏ hoàn toàn.
Nhớ như vậy để cố gắng, đó là tu.
Nhưng gần đây Phật tử thật hời hợt, cứ nghĩ rằm, ba mươi đi chùa sám hối là hết tội.
Sau đó tạo tội lại, rồi đến rằm ba mươi đi sám hối nữa.
Cứ như vậy sám hối hoài tới già tội càng thêm tội.
Chúng ta phải can đảm nói tu là tu.
Như quí vị có chiếc xe hư đẩy vô xưởng sửa. Một tháng hai tháng sau, chiếc xe vẫn y nguyên, không sửa gì hết, quí vị có rầy ông chủ xưởng không?
Đã sửa thì phải sửa cho tốt hơn, cái gì hư phải bỏ làm lại cái mới. Đem sửa mà xưởng không chịu sửa thì mình chê trách.
Cũng vậy, chúng ta nói tu tức là sửa, mà năm năm, ba năm không sửa gì hết thì sao?
Ai chê trách mình đây?
Đức Thế Tôn ngồi trên tòa sen thấy Phật tử đi chùa Ngài vui, vì quí vị đã tin kính Tam Bảo.
Nhưng nếu đi năm này, năm nọ, năm kia mà không chịu sửa đổi lỗi lầm gì hết Phật có còn vui không? Chắc không vui.
Vì vậy chúng ta nguyện tu theo Phật thì phải làm sao cho chính bản thân mình được tốt đẹp, gia đình được hạnh phúc.
Mỗi ngày đến với đạo thì đạo càng sáng sủa hơn, đó mới thật là tu. Chớ tu có chừng, qui y để Phật bảo vệ mình thì không được.
Người biết tu là người có dụng công.
Dụng công xét nét những điều xấu dở của mình.
Tham là dở, sân là dở, si là dở.
Ba thứ đó đáng chê trách, phải bỏ đi. Bỏ bằng cách nào?
Đó là một vấn đề.
Gặp duyên nó nổi sân đùng đùng lên, hết duyên nó ẩn đâu mất, ta không biết ở đâu nên trở tay không kịp.
Trong kinh Phật dạy, muốn trị bệnh sân phải dùng thuốc nhẫn nhục.
Nhẫn nhục trị sân nhuế. Nhưng ta lỡ nổi nóng, la hoặc đánh chửi người ta một hồi rồi làm sao nhẫn, sám hối muộn quá.
Cho nên phải nhẫn trước khi tạo các hành động xấu.
Nhẫn tức là nhịn, muốn nhịn phải có phương pháp, có kinh nghiệm trong sự tu.
Trong ba nghiệp, ý dấy khởi trước rồi tới miệng, tới tay chân. Như vậy lẽ ra phải chận ngay ở ý, nhưng cơn sân lỡ phát rồi, lúc đó ta chận ở đâu?
Chận ở miệng, vì sân trong ý chưa làm người ta tức giận, oán hờn mình, mà nói ra mới có chuyện.
Nên vừa thấy hơi nóng trong bụng, nên đọc câu thần chú như thế này:
"Nói là ngu, nhịn là khôn. Nói là ngu, nhịn là khôn."
Nhắc tới nhắc lui như vậy đôi ba lần thì kềm được lời nói bậy. Bởi khi sân nói bậy, nói bậy tức là ngu. Còn nhịn thì có thì giờ tỉnh táo, tỉnh táo là khôn.
Người tu phải nắm thật vững các gốc bệnh và phương thuốc trị liệu tương ứng.
Bệnh nào dùng thuốc nấy để sự tu của mình có kết quả tốt.
Kẻ khôn biết chọn đường đi, biết chừa bỏ những điều xấu xa để trở thành hay tốt.
Tu không phải là chuyện ở bên ngoài mà ngay nơi bản thân mình, nội tâm mình, từng phút từng giây chúng ta phải loại bỏ những điều xấu, nuôi dưỡng những điều tốt.
Tu như vậy mới tiến, mới gọi là thật tu.
Loại bỏ ba thứ độc tham sân si, ví như người đãi cát tìm vàng vậy.
Loại bỏ được tham sân si rồi, chúng ta sẽ tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng từ bi, đó là vàng.
Đây là chỗ thiết yếu của người tu, chớ không phải lạy Phật nhiều, ăn chay giỏi là tu.
Ăn chay lạy Phật là phần phụ, phần chính là loại bỏ tật xấu, trưởng dưỡng các nghiệp lành để tăng tiến công phu tu hành của mình.
Nhiều khi Phật tử ăn chay trường thấy mình oai lắm rồi, chê người ăn sáu ngày hoặc hai ngày tu dở.
Chê người ăn chay ít tu dở, nhưng nếu ăn chay trường mà ai động tới mình la om sòm thì dở hay giỏi?
Chỉ giỏi tập ăn, chớ chưa phải giỏi tập tu.
Hiện nay có nhiều người không tu, họ cũng ăn chay vì sợ bệnh hoạn, như vậy họ hơn Phật tử ăn chay kỳ sao?
Vì vậy phải hiểu việc tu là lọc luyện ba độc cho được trong sạch, tốt đẹp để tăng trưởng trí tuệ và từ bi.
Đó là bước thứ nhất.
Đến bước thứ hai là chúng ta lọc luyện những thứ tạm bợ hư dối trong nội tâm của mình, để hiển bày cái chân thật.
Giai đoạn này hơi khó. Như quí thầy thường dạy Phật tử phải niệm Phật là để dừng hết loạn tưởng, chỉ còn một tâm thanh tịnh thì Phật Di-đà mới đón về Tây phương.
Những loạn tưởng đó là cát, còn nhất tâm bất loạn là vàng.
Hiểu như vậy mới thấy con đường tu từ cạn tới sâu.
Đó là tu Tịnh độ.
Còn tu Thiền thì phải định, tất cả những điên đảo vọng tưởng lặng hết, tâm hoàn toàn thanh tịnh mới gọi là định.
Còn một chút lăng xăng vẫn chưa định, chưa định thì việc làm của mình chưa xong.
Phật dạy pháp môn có khác nhưng chỗ cứu kính, mục đích không hai.
Trong nhà Thiền dùng câu :
"Mạt vàng tuy quí nhưng rơi vào mắt cũng thành bệnh".
Nó quí nhưng không được bỏ vào mắt.
Con mắt dụ cho chúng ta sẵn có tánh Phật sáng suốt thanh tịnh. Nhưng vì mình quên nên các niệm khởi lăng xăng. Bây giờ dùng phương tiện để dẹp bỏ những niệm lăng xăng đó.
Phương tiện ví như mạt vàng, nếu các niệm lăng xăng hết rồi, mà ta vẫn giữ phương tiện thì cũng giống như bỏ mạt vàng vào trong con mắt.
Con mắt nguyên nó là thanh tịnh, còn một thứ gì trong đó là còn che lấp.
Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy tu là cao siêu, chớ không phải chuyện bình thường.
Muốn giải thoát sanh tử phải tu cho sạch nghiệp, tức là dứt hết các thứ vọng tưởng, phiền não.
Vì sao? Vì nghiệp dẫn chúng ta đi trong lục đạo luân hồi. Mà nghiệp do thân miệng ý của mình tạo.
Người không khéo tu tạo nghiệp ác, bị nó dẫn xuống ba đường ác. Người khéo tu tạo nghiệp lành, nó dẫn lên các đường lành...
HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Oai lực của tâm từ (26/05/2024 8:52)
- Chí thành cứu voọc, cả thôn thoát chết (26/05/2024 8:47)
- Kinh nguồn gốc khổ đau (26/05/2024 8:42)
- 5 sự bố thí không được phước (25/05/2024 8:24)
- Nhờ giới đắc định, nhờ định khai huệ (25/05/2024 8:21)
- “Phản văn văn tự tánh” là gì? (25/05/2024 8:17)
- Tâm tạo ra tất cả (24/05/2024 8:39)
- Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường (24/05/2024 8:32)
- Khẩu nghiệp sẽ phá hoại đức hạnh và công phu tu hành của chính mình (23/05/2024 8:30)
- Nghĩ tốt về người khác có thể cảm hóa họ (23/05/2024 8:18)