Tại sao công đức “tùy hỷ” và công đức “bố thí” lại bằng nhau?

12/06/2024 8:23
Cái vui của người Phật tử đến chùa là tập cái vui “tùy hỷ”, hỷ là mừng, tùy là theo. Khi chúng ta nhìn thấy một người bạn hay một kẻ thân làm một điều lành, một việc phải thì chúng ta phát tâm vui theo.

Người làm vui năm, chúng ta cũng vui được năm; người làm vui mười, chúng ta cũng vui mười.

Vui theo việc làm lành làm phải của người bạn người thân, cho đến những người đồng đạo của chúng ta.

Chúng ta phát được niềm vui đó, thì công đức cũng bằng của người làm việc phải, việc thiện.

Nói như vậy quí vị không khỏi nghi ngờ.

Thí dụ: Người ta đem mười đồng bạc tới chùa cúng Tăng hay cúng Tam Bảo, mình không có đồng xu nào hết, thấy người ta cúng Tam Bảo họ vui, mình cũng vui theo, thì công đức của người cúng mười đồng với công đức của người vui theo bằng nhau.

Mới nghe qua như bất công bằng vì mình không tốn một xu nào mà lại công đức bằng.

Nhưng đức Phật nói công đức bằng nhau.

Có người hỏi: Bạch Thế Tôn, tại sao công đức tùy hỷ và công đức bố thí lại bằng nhau?

Phật trả lời: "Như một ngọn đèn, hay một cây đuốc đang cháy, có người cầm cây đuốc đến mồi. Khi mồi xong, cây đuốc này cháy, cây đuốc kia cháy, thử hỏi ánh sáng hai cây đuốc có thua nhau không? Cây đuốc bị mồi có mất ánh sáng không? "

Phật nói:

- Cũng vậy, người làm việc lành việc thiện, chính họ đã có công đức rồi. Người kia phát tâm tùy hỷ vui theo việc lành, việc thiện đó, công đức cũng ngang bằng với người làm lành làm thiện.

Như vậy tốt quá, nhẹ nhàng quá, lựa là chúng ta có nhiều tiền mới làm việc công đức.

Ai làm việc công đức chúng ta tùy hỷ tán dương thì chúng ta có công đức ngang bằng rồi.

Tại sao tùy hỷ có công đức lớn như vậy?

Người có của đem ra bố thí hay là có công đem ra giúp người, đó là họ xả được cái tâm ích kỷ, tham lam của họ để làm việc bố thí, làm việc cúng dường, làm việc cứu giúp.

Còn người phát tâm tùy hỷ thì xả được cái tâm tật đố, vì thông thường thế gian thấy người ta làm cái gì hơn mình thì sanh tật đố.

Thí dụ hai huynh đệ đi chùa, người kia có mười đồng cúng, mình không có, thì cảm thấy buồn, rồi nói móc nói ngoéo, chớ không bao giờ có tâm tùy hỷ vui theo.

Thấy người ta làm, mình làm không được thì có cái đố kỵ. Đó là tâm xấu.

Bây giờ chúng ta phát tâm tùy hỷ là dẹp được cái tâm tật đố.

Người bố thí xả được cái tâm tham lam ích kỷ, người tùy hỷ xả được cái tâm tật đố, thì hai người công đức bằng nhau.

Nhưng ở thế gian, chúng ta hằng thấy, cho đến em ruột trong nhà, khi thấy người anh làm được nhiều của giàu, còn mình không có của nghèo, thì tự nhiên có mặc cảm đố kỵ với anh rồi.

Vì vậy tình anh em có hơi xa cách. Vì sao? Bởi cái tâm tật đố không muốn ai hơn mình.

Thấy người hơn mình là sanh tâm đố kỵ. Đó là thông bệnh của con người.

Cho nên ở đây chúng ta học đạo phải tập cái tâm tùy hỷ. 

Không phải đợi làm việc công đức mới tùy hỷ  mà thấy ai làm được cái gì an vui, hạnh phúc tốt đẹp, chúng ta đều tùy hỷ hết.



HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top