Được sinh làm người là phước báo hi hữu

30/07/2024 8:51
Không ít người tu Phật có ý chán ngán Ta-bà, cầu sinh cõi trời, các quốc độ thanh tịnh. Ý hướng này không sai, vì làm người trần gian có lắm điều đáng chán. Tuy vậy, được sinh làm người (nhất là người biết tu theo Phật pháp) lại là một diễm phúc lớn của các chúng sinh trong lục đạo, kể cả cõi trời.

Bởi cõi người có đặc điểm là không quá khổ mà chẳng quá vui, có thể xuất gia tu tập chứng đắc giải thoát, thành tựu Niết-bàn.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nên biết Thiên tử khi sắp mạng chung có năm điềm chưa từng có ứng hiện ở trước. Thế nào là năm? Hoa héo, y phục cáu bẩn, thân thể hôi hám, chẳng ưa địa vị của mình, Thiên nữ tinh tán.

Đó là Thiên tử lúc sắp mạng chung có năm điềm ứng này. Bấy giờ Thiên tử hết sức sầu lo, đấm ngực kêu gào. Khi ấy các Trời đến chỗ Thiên tử này, bảo:

- Nay ông tương lai có thể sanh chỗ lành, đã sanh chỗ lành, chóng được lợi lành, đã được lợi lành nên nhớ an xử thiện nghiệp.

Khi đó, các vị Trời dạy dỗ Thiên tử ấy như thế.

Một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Trời Ba mươi ba, thế nào là được sanh cõi lành? Thế nào là chóng được lợi lành? Thế nào là an xử nghiệp lành?

Thế Tôn bảo:

- Nhân gian đối với Trời là cõi lành, được cõi lành. Được lợi lành là sanh nhà chánh kiến, tùng sự bậc thiện tri thức, ở trong pháp Như Lai được tín căn. Đó gọi là chóng được lợi lành. Thế nào gọi là an xử nghiệp lành? Là ở trong pháp Như Lai được tín căn, cạo bỏ râu tóc, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Kia đã học đạo, giới tánh đầy đủ, các căn đầy đủ, ăn uống biết đủ, hằng nhớ kinh hành, đắc Tam minh. Đó gọi là an xử nghiệp lành.

Thế Tôn liền nói kệ này:

Người là cõi lành Trời,

Bạn tốt là lợi lành,

Xuất gia là nghiệp lành,

Hữu lậu hết, vô lậu.

Tỳ-kheo nên biết, Trời Ba mươi ba dính mắc vào ngũ dục. Họ cho nhân gian là cõi lành, ở pháp Như Lai được xuất gia, làm lợi lành mà được tam đạt. Vì sao thế? Phật Thế Tôn đều xuất hiện ở nhân gian chẳng phải do Trời mà được. Thế nên Tỳ-kheo! Ở đây mạng chung sẽ sanh lên Trời.

Bấy giờ Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn rằng:

- Thế nào là Tỳ-kheo sẽ sanh cõi lành?

Thế Tôn bảo:

- Niết-bàn là cõi lành của Tỳ-kheo. Nay Tỳ-kheo các thầy nên cầu phương tiện được đến Niết-bàn. Như thế, Tỳ-kheo nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 34.Đẳng kiến, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.326)

Lời bàn: 

Pháp thoại này cho thấy, loài trời khi hết phước sinh vào loài người mà họ vẫn vui. Loài trời thụ hưởng ngũ dục nhưng vẫn biết rõ, nếu đạt ba thứ: Được sinh làm người (sinh cõi lành), được gặp và tin sâu Phật pháp (được lợi lành), được xuất gia và chứng Tam minh ngay tại thế gian (an xử nghiệp lành) là phước đức tối thượng.

Rõ ràng, được sinh làm người là phước báo hi hữu, nên chúng ta không nhất thiết phải cầu sinh về đâu nữa, thậm chí là các cõi trời. Dù rằng trong rất nhiều pháp thoại, Thế Tôn ca ngợi phước báo của cõi trời, xem cõi trời là nơi đáng để thú hướng. Nói như vậy để thấy rằng, được sinh làm người, gặp Phật pháp để tu học, cầu giải thoát Niết-bàn ngay trong hiện tại là phước duyên hy hữu, loài trời cũng không sánh kịp.

Mới hay, loài trời vẫn cầu sinh làm người để tu tập. Vậy nên hàng đệ tử Phật không cầu phước báo cõi trời vì hưởng phước nhiều quá sẽ khó tu.

Liên hệ thực tế thấy rất rõ, người phước ít tu hành rất khó khăn nhưng khi phước nhiều mà không khéo giác tỉnh liền dính mắc. Nên điều mà chúng ta cầu mong (Thánh cầu) là phước và trí đều trang nghiêm, nhằm thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết-bàn. 


Quảng Tánh

Các tin tức khác

Back to top