Hạnh nguyện Địa Tạng Bồ-tát

4/09/2024 8:47
Chỉ trong Phật giáo Đại thừa mới có Bồ-tát xuất hiện. Còn Phật giáo Nguyên thủy chỉ nói đến hạnh nguyện Bồ-tát của Đức Phật Thích Ca và nhắc đến ba Đức Phật quá khứ là Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni và Phật Ca Diếp.

Như vậy, Phật giáo Nguyên thủy rất giới hạn về sự hiện hữu của Phật và Bồ-tát, trong khi kinh Đại thừa mở rộng phần giới thiệu về Phật và Bồ-tát nhiều hơn là Thanh văn.

Và về kiếp quá khứ, gọi là Quá khứ trang nghiêm kiếp, theo kinh Đại thừa có bảy Đức Phật, thay vì ba vị theo Phật giáo Nguyên thủy; đó là Tỳ Bà Thi, Thi Khí, Tỳ Xá Phù, Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp và Phật Thích Ca. Như vậy, Phật Thích Ca là gạch nối giữa Phật quá khứ và Phật vị lai.

Hơn nữa, ngoài bảy Đức Phật nói trên, kinh A Di Đà còn nói có hằng hà sa số Phật trong kiếp quá khứ và hiện tại cũng có nhiều vị Phật trong mười phương, gần nhất chúng ta có 16 vương tử ở thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng đều thành Phật ở tám phương, trong số đó có Đức Phật Thích Ca thành Phật ở phương Đông Bắc và Đức Phật A Di Đà thành Phật ở phương Tây. Như vậy, có chư Phật trong tám phương, nhưng mở rộng trong tận hư không giới có vô số Phật.

Và trong kiếp vị lai, Phật thọ ký cho các vị A-la-hán như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Kiều Trần Như, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên… được làm Phật tương lai. Nhưng đến phẩm Pháp Sư thứ 10, Đức Phật thọ ký cho tất cả những người nào phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát hạnh theo Pháp hoa đều sẽ thành Phật. Vì vậy, trong đời vị lai, có nhiều Đức Phật không thể tưởng được, như chúng ta hành Bồ-tát đạo thì đều thành Phật, người thành Phật trước, người thành Phật sau. Điều này cho thấy kinh Đại thừa mở rộng sự hiện hữu của Phật như thế.

Kinh Đại thừa giới thiệu Bồ-tát phát nguyện hành Bồ-tát đạo sẽ thành Phật, nhưng trong kinh Pháp hoa, Đức Phật Thích Ca khẳng định rằng Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp và Ngài thương nhân gian mà sanh lại thế gian này để cứu độ chúng sanh. Vì vậy, theo Pháp hoa, có hai loại Bồ-tát là Bồ-tát từ nhân hướng quả như chúng ta tu Bồ-tát đạo thành tựu viên mãn sẽ thành Phật. Ngoài ra, còn có Bồ-tát từ quả hướng nhân sanh lại nhân gian để làm thiện tri thức hỗ trợ cho chúng ta tu hành. Cảm nhận sự hiện hữu của Bồ-tát vì thương nhân gian sanh lại giúp đỡ chúng ta, trên bước đường tu, tôi gặp bạn đồng hành nào tạo thắng duyên để tôi phát tâm, hay giúp tôi hiểu được đạo lý cao siêu của Phật, tôi nghĩ họ là Bồ-tát lớn hiện thân lại làm đàn anh của mình, hoặc là Phật hiện lại để sách tấn mình.

Trên tinh thần Bồ-tát từ quả hướng nhân, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi là thầy của Phật Nhiên Đăng và Đức Phật này thọ ký cho Phật Thích Ca, nhưng khi Phật Thích Ca thuyết pháp ở Ta-bà, Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hiện thân làm Bồ-tát để trợ hóa cho Phật Thích Ca. Trong kinh Dược Sư, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi chắp tay, quỳ gối và bạch với Phật Thích Ca…

Chúng ta tự hỏi Văn Thù là thầy của Phật Thích Ca mà tại sao Ngài lại phải quỳ trước Phật Thích Ca. Nếu chỉ nhìn ở hiện tại, chúng ta không thể thấy được phía sau là hạnh nguyện lớn của Bồ-tát; cho nên chúng ta khó hiểu được Bồ-tát. Bồ-tát chỉ nhằm mục tiêu khơi dậy tâm Bồ-đề cho mọi người và tác động cho họ tiến tu có kết quả; còn đóng vai nào không quan trọng đối với các Ngài.

Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi cũng phát nguyện làm cho tất cả mọi người thành Phật, Ngài mới thành Phật; nghĩa là đệ tử của Ngài là Phật rồi thì Ngài có dư năng lực thành Phật. Ngài là vị cổ Phật hiện lại làm người phát tâm. Ai làm như vậy là Bồ-tát. Phật làm như vậy cũng là Bồ-tát. Tuy nhiên, vị trí có khác nhau, vì phước đức của chúng ta có giới hạn; trong khi phước đức của Phật và đại Bồ-tát lớn lao vô cùng tận, cho nên các Ngài làm việc lớn rất dễ dàng.

Chẳng hạn như Đức Quan Âm là chánh pháp Minh Như Lai qua Tây phương trợ hóa Đức Phật Di Đà, Ngài đóng vai Bồ-tát để dìu dắt chúng nhân ở Cực lạc; họ không gần Phật được, thì Ngài gần gũi thân thương dạy dỗ họ. Và về Ta-bà, Ngài làm đủ mọi việc, từ làm vua, làm quan, làm tướng cho đến làm đồng nam, đồng nữ; nhưng cốt lõi bên trong của Ngài là Phật. Quan Âm là Phật, nhưng cứu người là Bồ-tát. Chúng ta hiểu nghĩa Bồ-tát là như vậy.

Đức Quan Âm có 12 nguyện là Ngài thuộc hàng đa năng, đa dạng, tức thể hiện nhiều hình thức khác nhau; địa ngục Ngài cũng vô, ở Ta-bà Ngài cũng đến để cứu.

Còn Bồ-tát Địa Tạng có nguyện sâu nặng hơn, chọn việc khó làm mà người khác không làm nổi, nên được Phật Thích Ca và mười phương Phật tán thán. Ngài có nguyện rằng:

Chúng sanh độ tận

Phương chứng Bồ-đề

Địa ngục vị không

Thệ bất thành Phật.

Bao giờ độ hết chúng sanh, Ngài mới thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì vậy, Ngài luôn luôn làm Bồ-tát; thật ra Ngài đã là Phật rồi, nhưng đóng vai lặn lội trên cuộc đời này và thân cận người hèn mọn nhất để cứu độ họ. Vì việc này khó làm, nên Bồ-tát mới phát tâm không làm được. Chỉ có Bồ-tát lớn tâm đã trong sạch hoàn toàn và phước đức đầy đủ mới dám làm và đạt được sự thành tựu viên mãn.

Thật vậy, chúng ta mới phát tâm thương chúng sanh, nhưng đụng việc, nghiệp của chúng ta còn, nên dễ nổi giận. Các Phật tử đi làm công tác cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hay đi ủy lạo đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Có Phật tử đến thưa với tôi rằng con theo các thầy làm từ thiện, nhưng nay con không đi nữa, là thoái tâm. Trước phát tâm giống Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Quan Âm. Tôi hỏi tại sao. Người đó nói thưa Hòa thượng, họ dữ lắm, con không dám đi nữa. Điều này dễ hiểu, khi chúng ta mới phát tâm mà gặp việc khó thường hay chùn bước.

Điển hình như Xá Lợi Phất đã tu 60 kiếp trước, gặp Bà-la-môn đến xin con mắt. Ngài phát tâm Bồ-đề rồi, nên có người xin phải cho. Cho hết cả hai mắt thì bị mù, nên Ngài thoái chuyển làm Thanh văn.

Còn Bồ-tát Dược Vương đốt cháy cả hai tay, nhưng mọc lại hai tay khác được. Nếu chúng ta đốt tay mà tay không mọc lại được thì sao. Hoặc Phật Thích Ca bị Ca Lợi vương chặt tay, móc mắt, nhưng Ngài vẫn giữ chánh định, vẫn an nhiên, không đau đớn, thì vua Ca Lợi sợ quá, sụp lạy Ngài và thân thể Ngài lành lặn như cũ, 32 tướng tốt hiện ra. Rõ ràng chỉ có Bồ-tát lớn làm được như vậy, vì phước đức của các Ngài vô cùng tận, nên mới có khả năng tiếp nhận được những việc cực kỳ xấu ác của cuộc đời mà chuyển đổi thành tốt đẹp.

Còn chúng ta, hay Bồ-tát từ nhân hướng quả tùy theo trường hợp mà ứng xử khác nhau. Như Bồ-tát Thập tín thì phát nguyện chỉ bố thí những gì mình không cần dùng, như vậy không gây thiệt thòi cho bản thân mình; trong khi người tham lam không dùng cũng không dám cho. Hoặc trong thời hiện đại, các nhà tư bản ở Mỹ có hàng hóa lỗi thời. Chúng ta xin họ để cho người nghèo, nhưng họ không cho mà đem tiêu hủy; vì cho người ta dùng thì bán đồ mới ai mua. Đó là người chỉ nghĩ đến thu gom lợi nhuận, không dùng cũng không cho. Vì vậy, Phật khuyên những gì mình không dùng, nên cho người khác. Người Việt Nam thường giặt sạch quần áo cũ để cho người nghèo vùng sâu vùng xa. Bồ-tát mới phát tâm làm việc nhỏ như vậy, còn những gì mình cần, vẫn giữ lại.

Bước thứ hai, bố thí cao hơn, mình cũng cần, nhưng chưa cần bây giờ, mà người cần ngay thì cũng nên cho. Đó là tinh thần nhường cơm sẻ áo, người đói cần có cơm ăn liền, còn mình có dư gạo cả tháng, nên nhường được. Hoặc ta cũng cần, nhưng người khác làm được lợi ích hơn, thì ta cho, hay hợp tác với họ, giao cho họ làm để lợi ích nhiều người, nhờ đó phước mình cũng tăng lên. Như vậy, việc tu hành của chúng ta từng bước có thay đổi.

Bồ-tát tích lũy công đức là vì làm lợi ích cho người, trực tiếp làm hay gián tiếp làm, do phát tâm Bồ-đề làm lợi ích chúng sanh. Vì vậy, nếu ai trực tiếp hay gián tiếp hợp tác với Bồ-tát, công đức sẽ sanh ra. Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc, vì nếu không có trí tuệ, người sẽ lợi dụng lòng tốt của chúng ta, khiến mình sẽ thoái tâm.

Hành Bồ-tát đạo hay hợp tác với ai, nên cân nhắc xem họ có phải là Bồ-tát thật hay là lợi dụng. Nếu họ thương người nghèo và giúp đỡ thật, hoặc họ cúng dường thật, chúng ta cũng sẵn lòng hợp tác. Tuy nhiên, cũng cần xem họ có làm đúng những gì mà họ đã nói với chúng ta hay không. Nếu họ hứa nhiều, nhưng không làm đúng, ta nên nghĩ lại.

Tôi nhắc quý Phật tử nên chọn người hành Bồ-tát đạo thật để chúng ta kết quyến thuộc Bồ đề; vì không khéo, hợp tác với người xấu ác một thời gian, chúng ta sanh bất mãn và sẽ kết thành oan nghiệp với mình.

Riêng tôi luôn quan sát, đối với người thực lòng làm đạo, tôi gần gũi và hợp tác; còn không phải như vậy, tôi tránh xa, không dám hợp tác, vì sợ sau này mình không gánh nổi quả báo, nếu họ vào địa ngục, mình cũng vào theo, nếu họ bị chống đối, mình cũng bị vạ lây.

Thế giới Ta-bà có muôn mặt, chúng ta phải quán sát cho kỹ; người Việt Nam gọi là chọn mặt gửi vàng. Trên bước đường hành đạo, nếu khéo chọn được Bồ-tát thương nhân gian làm lợi ích cho chúng sanh, khi họ về Phật, ta cũng có bạn ở đó.

Hợp tác với người xấu, họ vào địa ngục, ta cũng vào đó làm bạn với họ. Thực tế tôi thấy người hợp tác với kẻ xấu, phước chưa sanh mà nghiệp đã sanh. Từng bước họ vào thế giới của ngạ quỷ, nghĩa là họ làm nhiều, nhưng không được mà chỉ bị thất thoát khiến gia đình khổ sở, khó khăn, cho đến bước chân vào địa ngục.

Nhưng người may mắn gặp được Bồ-tát Địa Tạng, vì đã trồng căn lành với Phật pháp, đã làm việc tốt, cho nên khi bị rơi vào cùng cực khổ đau, Bồ-tát Địa Tạng xuất hiện cứu họ.

Thuở nhỏ, tôi nghe ông cụ thân sinh của tôi nói rằng cụ nghe Hòa thượng kể về Địa Tạng Bồ-tát, cứ đến tháng 7, Ngài đi khắp tất cả các địa ngục và dùng cây gậy sắt gõ vào cửa ngục nào, cửa đó sẽ tự động mở ra để Ngài vào đó cứu người. Tôi cũng ước gì mình có cây gậy sắt như Ngài Địa Tạng để độ thoát chúng sanh. Tôi hỏi Ngài có cứu được hết không, thưa cha. Cha tôi đáp Ngài lựa người có căn lành để cứu. Sau này, tôi học kinh Pháp hoa, mới nhận ra rằng phải là người có căn lành mới được cứu.

Trên bước đường tu theo kinh Pháp hoa, tôi luôn trồng căn lành ở các Đức Phật. Nếu quý vị lỡ bị rớt vô địa ngục thì ráng nhớ rằng quý vị đã có tu Một ngày an lạc, tức lòng chúng ta nghĩ tới chùa, nghĩ tới thời pháp được nghe, nhờ pháp Phật xuất hiện trong lòng chúng ta, Địa Tạng Bồ-tát liền hiện ra cứu mình thoát khỏi cảnh khổ.

Bồ-tát Địa Tạng thường dạo chơi trong địa ngục để xem ai cứu được, khi Ngài đến uổng tử thành là nơi chỉ nhốt toàn những người chết trẻ, chết dưới 30 tuổi. Ngài thấy trong thành này trẻ con đông quá, đứa nào cũng kêu Ngài cứu. Ngài liền bước vào thành và hỏi rằng các chú ở trong này hãy nhớ lại xem trong đời mình, từ khi sanh ra cho đến lúc bị xe cán chết, hay bị té xuống sông chết, có làm việc thiện không, hay là toàn phá làng phá xóm.

Trong đó có một đứa bé hỏi rằng thưa Bồ-tát, con làm được một việc thiện thôi thì có tính được không. Con suốt đời làm ác, nhưng chỉ một lần thấy con nhện rớt xuống nước, con vớt để nó lên cành cây. Bồ-tát nói đó là việc thiện, nhớ trưa mai con nhện sẽ đến cứu con. Chú bé này chờ, đến đúng giờ ngọ, có con nhện đến thả sợi tơ xuống bảo chú nắm sợi tơ để nó kéo lên. Chú ta nắm sợi dây tơ lên vừa đến miệng thành thì quay đầu lại, nhìn thấy đằng sau chú có một đám đông đeo theo sợi dây. Chú nổi giận la lên rằng tao cứu nó thì nó đến cứu tao, còn tụi bay không cứu nó mà đeo theo làm chi và chú co chân đạp mạnh họ, thế là chú và tất cả đều rớt xuống lại uổng tử thành.

Câu chuyện này nhắc nhở quý vị nếu có bị đọa, nhớ mình đã tu Một ngày an lạc, nên ráng giữ tâm thanh tịnh, chỉ một lòng nhớ đến Phật A Di Đà, đừng nghĩ điều gì khác, đừng nghĩ đến người khác, mình sẽ thoát được địa ngục, nhờ đó oan gia của mình cũng thoát theo, tất cả các nghiệp cũng đều được hóa giải. Câu chuyện cũng giống như Phật tử cả đời làm từ thiện, nhưng một lần gặp người lỗ mãng, nên nổi giận, không làm từ thiện nữa là hỏng hết.

Bồ-tát Địa Tạng nguyện vào nơi khổ đau nhất để cứu người ra. Do hạnh nguyện như vậy mà thành danh là Địa Tạng. Địa là đất, Tạng là kho, tức ví tâm của Ngài như là đất. Đất có năng lực cải hóa tất cả những thứ gì đổ lên nó. Đồ dơ bẩn đổ lên đất, chỉ một thời gian sau, những thứ dơ bẩn ấy đều biến mất và chuyển thành chất màu mỡ. Bồ-tát Địa Tạng cũng vậy, chúng sanh đổ oán, đổ xấu ác lên Ngài, chẳng những không làm ô nhiễm được Ngài, mà Ngài còn hóa giải được tâm ô trược của chúng sanh trở thành thanh tịnh.

Vì vậy, tu học theo Bồ-tát, tức là chúng ta lập hạnh Bồ-tát, khi bị người đem việc xấu ác đổ lên, ta bắt đầu thấy chướng tai gai mắt, cảm thấy khó chịu, buồn phiền. Nhưng chúng ta niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng, Ngài sẽ hóa giải sự phiền não này, nên tâm chúng ta cũng được hóa giải theo. Lúc mới, chúng ta giận lắm, nhưng nhờ niệm Bồ-tát, tâm giận bớt lần và cuối cùng thương được người đổ xấu ác lên ta, nghĩa là ta đã được Bồ-tát Địa Tạng cứu thoát khỏi địa ngục khổ đau.

Yếu nghĩa này được Phật nhắc đến trong kinh Bát đại nhân giác:

“… Thứ sáu là nhớ câu giác ngộ

Nghèo khổ nhiều đau khổ càng nhiều

Nợ oan vay trả bao nhiêu

Dây oan buộc chặt lắm điều đắng cay

Bậc Bồ-tát ra tay bố thí

Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân

Càng thương những kẻ ác nhân

Quên điều lỗi cũ thương phần khổ đau…”.

Thực dạ tu hành theo Phật, tâm oán hận của chúng ta được xả bỏ lần, giống như chất dơ tan biến vào lòng đất vậy. Và hỷ xả được, tâm từ bi của chúng ta phát lên, thương xót người hại mình; vì họ hại ta, nhưng ta phát tâm tu hành, nên họ hại không được. Điều này đã được Phật dạy rằng người dữ không thể hại được người lành, giống như tung cát ngược gió vậy.

Khi chúng ta thực sự thương được người chống đối, công đức chúng ta sẽ sanh ra. Thật vậy, trên bước đường tu, nếu không có người hung dữ, người xấu ác, tâm tốt và việc tốt của người hiền khó thể hiện được. Vì vậy, kinh Hoa nghiêm dạy rằng quả Bồ-đề thuộc về chúng sanh. Chúng ta phát tâm tu, muốn có kết quả tốt đẹp phải nhờ chúng sanh, mà chúng sanh đương nhiên phải có nghiệp và phiền não. Nếu không có nghiệp và phiền não thì không là chúng sanh.

Bồ-tát nói rằng chúng sanh không có nghiệp ví như đất khô cằn, không màu mỡ. Nghiệp, hay ác nghiệp ví như phân và phiền não ví như nước. Hạt bồ-đề không thể gieo trồng trên mảnh đất cằn cỗi; nói cách khác, hạt bồ-đề gieo vào tâm chúng sanh có phiền não mới phát được. Chúng sanh không có nghiệp, không có phiền não, chắc chắn không bao giờ cần Bồ-tát độ họ. Họ không khổ thì cầu cái gì. Nghiệp và phiền não là chất liệu để nuôi lớn Bồ-đề tâm. Vì vậy, không gặp người kỳ khôi, không gặp người chống phá, chúng ta không có điều kiện tu không thành Phật được.

Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện độ tận chúng sanh, tức không còn chúng sanh, không còn nghiệp và phiền nào thì đây là Niết-bàn. Chúng ta thấy địa ngục trần gian và mở mắt tuệ sẽ thấy Bồ-tát Địa Tạng xuất hiện trong từng trường hợp, chúng ta nên đảnh lễ và hợp tác với Ngài; đó là con đường tu tạo công đức tốt nhất. Còn nơi an vui như Niết-bàn, chắc chắn không có Địa Tạng Bồ-tát.

Tóm lại, tâm của Bồ-tát Địa Tạng như đất chấp nhận một cách dễ dàng tất cả phân và nước đổ lên để cho cây bồ-đề theo đó tăng trưởng. Nói cách khác, trong hoàn cảnh khó khăn mới thấy Bồ-tát xuất hiện cứu khổ độ sanh, mới có Phật pháp hóa giải gút mắc cho đời. Còn sống trong hoàn cảnh tốt đẹp thì khó có Bồ-tát và khó có sự phát tâm cứu giúp chúng sanh; đó là một trở ngại lớn cho việc phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát hạnh.

Tâm Bồ-đề và việc làm lợi ích cho đời, mang an vui cho mọi người chính là Thánh tài quý báu giúp chúng ta tiến đến quả vị Vô thượng chánh đẳng giác. Ý thức sâu sắc tinh ba này, tu tập theo hạnh Bồ-tát Địa Tạng, chúng ta hoan hỷ chấp nhận mọi khó khăn, mọi oan trái trong sự tỉnh giác để thấy đúng như thật của sự vật, từ đó từng bước hóa giải, chắc chắn sẽ nhận được ít nhiều niềm an lạc giải thoát trong cuộc sống. 


HT. Thích Trí Quảng

Các tin tức khác

Back to top