Làm thế nào mới không hiểu sai ý của Phật?

23/09/2024 9:05
Từ xưa đến nay, rất nhiều người học Phật hiểu sai ý của Phật. Chúng ta phải làm thế nào thì mới chân thật có thể không hiểu sai ý của Phật?

Khai ngộ mà trong nhà Phật thường nói là tiểu ngộ. Thế nào là tiểu ngộ? Biết chính mình mê hoặc điên đảo. Tích tiểu ngộ thành đại ngộ, tích đại ngộ thì thành đại triệt đại ngộ. Cho nên, phương pháp mà cổ đại đức chỉ dạy cho chúng ta, tốt nhất người sơ học chúng ta chưa có năng lực phá mê khai ngộ thì hãy tuân thủ giáo huấn của Đức Phật.

Đại sư Thiện Đạo ở trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ đã dạy cho chúng ta, Ngài nói: những điều mà Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta hãy nỗ lực chăm chỉ mà làm, những điều Phật dạy chúng ta không được làm thì chúng ta nhất định không làm. Hai câu nói này rất hay.

Người sơ học như chúng ta, quả nhiên có thể ghi nhớ giáo huấn của hai câu nói này, chăm chỉ y giáo phụng hành, trước tiên y theo Phật, y theo Phật điều gì?

Sửa đổi các loại tư tưởng, hành vi sai lầm của chính chúng ta, sau khi tu sửa trở lại thì có thể y theo chính mình, vì sao vậy? Bởi vì tư tưởng, hành vi của chúng ta không còn sai lầm nữa. Không có sai lầm thì đương nhiên có thể dựa vào chính mình, khi vẫn còn có sai lầm thì phải nương tựa người khác.

Phật là người từng trải, tư tưởng hành vi của Phật Bồ-tát nhất định không có sai lầm. Đối với lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, mỗi câu mỗi chữ đều quay về tự tánh thì chúng ta mới được thọ dụng. Nếu như không thể quay về tự tánh, y văn mà giải nghĩa, vậy thì bạn đã hiểu sai ý nghĩa trong đó rồi.

Từ xưa đến nay, rất nhiều người học Phật hiểu sai ý của Phật, điều này cho thấy người học Phật thì nhiều mà người thành tựu thì ít, nguyên nhân là ở chỗ này. Vì sao những người đó không thể thành tựu? Vì đã hiểu sai ý của Phật.

Vậy chúng ta suy nghĩ, chúng ta phải làm thế nào thì mới chân thật có thể không hiểu sai ý của Phật? Ở trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ-tát đã dạy chúng ta, chúng ta xem kinh nghe giáo, nghĩa là nghe giảng kinh phải “lìa tướng ngôn thuyết”.

Xem kinh không chấp trước văn tự, nghe giảng kinh không chấp trước ngôn ngữ, đây chính là lìa tướng văn tự. Đó là điều kiện đầu tiên. Điều kiện thứ hai là “lìa tướng danh tự”. Các vị phải nên hiểu, câu đầu tiên Ngài dạy chúng ta lìa tướng, câu thứ hai thì dạy chúng ta lìa danh, lìa danh ở trong ngũ pháp.

Không nên chấp trước tướng danh tự. Danh tự là công cụ, chấp trước thì sai rồi. Phật nói với bạn có Phật có Bồ-tát, bạn chấp trước thật sự có Phật, thật sự có Bồ-tát thì sai rồi, bạn chấp trước không có Phật, không có Bồ-tát cũng sai, nếu không chấp trước thì tâm của bạn mới thanh tịnh.

Thứ ba là “lìa tướng tâm duyên”. Thế nào gọi là tâm duyên? Bạn suy đoán, “tôi nghe đại khái là cái ý này” thì bạn suy đoán sai rồi. Thế nên, sau khi nghe Phật pháp thì có thể nghiên cứu hay không? Không thể nghiên cứu, hễ nghiên cứu thì sai rồi, vì sao vậy? Bạn đã rơi vào trong ý thức. Ý thức là vọng tưởng, phân biệt. Bạn dùng vọng tưởng, phân biệt để phân biệt cảnh giới của Phật thì toàn bộ đều sai rồi.

Cho nên, quả nhiên có thể lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, thì bạn nhất định sẽ không hiểu sai đi ý nghĩa của Phật. Bạn phải biết nghe. Hầu hết thính chúng chúng ta đều chấp trước ba loại tướng này. Nếu chấp trước ba loại tướng này thì sau khi nghe xong sẽ có tranh luận. Không chấp trước ba loại tướng này thì tự nhiên sẽ không có tranh luận.

Phật Bồ-tát thuyết pháp không chấp tướng, gọi là “nói mà không nói, không nói mà nói”. Bạn nghe kinh mà cũng không chấp trước ba loại tướng này, chính là “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe” thì sẽ khai trí huệ. Đoạn mở đầu Khởi Tín Luận đã đem phương pháp này dạy cho chúng ta, chúng ta phải biết học.

Tóm lại mà nói, nhất định phải đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay sanh tử luân hồi, hiện tại sống những ngày tháng khổ sở này, gặp phải rất nhiều tai nạn, không do gì khác, mà đều là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hại, không phải người nào khác hại chúng ta, không phải hoàn cảnh hại chúng ta.

Hoàn cảnh và người đều không hại chúng ta, vấn đề là chính mình đã hại chính mình. Tự mình nếu không hại chính mình thì tất cả hoàn cảnh đều là hoàn cảnh tốt, thuận cảnh là hoàn cảnh tốt, nghịch cảnh vẫn là hoàn cảnh tốt, thiện duyên là hoàn cảnh tốt, ác duyên cũng là hoàn cảnh tốt…


HT. Tịnh Không

.

Các tin tức khác

Back to top