Thiện có âm dương

29/09/2024 8:40
Bạn hành thiện mà người khác đều biết, đây gọi là dương thiện. Bạn làm ác rồi che giấu việc ác, không để người ta biết thì cái ác này gọi là âm ác.


Nếu chúng ta làm những việc là dương thiện âm ác, thế thì khủng khiếp rồi, quả báo là địa ngục, khổ nhất ở trong tam đồ, là sự nghiệp địa ngục rồi.


Cho nên Thánh nhân dạy chúng ta, phải dương ác, ẩn thiện, phải tích âm đức, làm tất cả việc thiện, không nên để người khác biết thì cái thiện này mới tích được dày, quả báo thù thắng. Tạo việc ác thì cần phải để người khác biết.


Phật dạy chúng ta “phát lồ sám hối”, không một mảy may che giấu, nói ra tất cả, chịu sự chỉ trích của mọi người trong xã hội, chỉ trích chính là quả báo, quả ác báo hết rồi. Thiện thì ẩn tàng ở bên trong, cái phước này dày biết bao!


Nhưng người thế gian thì hoàn toàn làm trái ngược với điều này. Làm việc xấu thì che giấu. Việc tốt thì mong muốn hết thảy mọi người đều biết đến, ai cũng tán thán họ, vừa báo thì đã hết phước rồi, cho nên thiện thì tích không được gì, mà ác thì tích vô cùng kiên cố. Họ tương lai phải nhận quả báo gì? Việc này không cần nói thì cũng biết.


Phật dạy chúng ta sám hối, Khổng lão Phu Tử dạy chúng ta sửa lỗi, các tôn giáo cũng dạy chúng ta sám hối, xưng tội hối lỗi. Chúng ta đã không hiểu ý nghĩa chân thật của những lời giáo huấn này. Nếu bạn hiểu được rồi thì bạn sẽ như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói, bạn thật sự liễu tri thì bạn sẽ làm theo lời dạy. Bạn vẫn không làm được, vì bạn không hiểu rõ, không sáng tỏ đạo lý và chân tướng sự thật này, nên vẫn cứ làm việc hồ đồ như xưa. Người khác chỉ ra cho bạn, bạn vẫn không phục, vẫn muốn ngụy biện.

Phật pháp cũng quan tâm đến vấn đề thể diện. Phật đã chỉ định một ngày để tiếp nhận người khác phê bình, đó là ngày pháp hội Tự Tứ khi mùa an cư kiết hạ viên mãn. Trong buổi lễ này, mỗi vị Tăng tiếp nhận sự chỉ trích lỗi lầm từ bất kỳ người nào. Còn vào ngày thường, không có người bảo, thì quý vị tự mình sám hối.


Thực ra người khác nói chúng ta là rất tốt, giúp chúng ta cầu sám hối, đó chính là thiện tri thức chân chánh. Nhưng có mấy ai vui lòng tiếp nhận người khác nói lỗi lầm của mình chứ? Không những không thu được hiệu quả tích cực mà ngược lại đã kết oán thù. Cho nên người thế gian gặp mặt nhau chỉ có tán thán, không hề nói lỗi lầm.


Trước đây có người nói lỗi lầm của chúng ta, ai vậy? Cha mẹ, thầy cô. Họ có trách nhiệm dạy bảo bạn, thấy bạn có lỗi lầm, họ nói cho bạn nghe. Giữa đồng học cũng rất ít khi nói lỗi lầm của nhau, huống hồ là người ngoài, vì không muốn kết oán với người khác.


Trong Phật pháp chỉ có một ngày Tự Tứ này, trong một năm chỉ có một ngày này. Cho nên chúng ta phải phải biết, thiện phải tích như thế nào, công phải bồi ra làm sao, làm thế nào để đoạn ác tu thiện.


Thành tựu được phước đức chân chánh của mình thì đời sống của bạn sẽ được hạnh phúc, sẽ được tự tại.


HT. Tịnh Không

Các tin tức khác

Back to top