Người đời tranh nhau những chuyện không đâu

21/11/2024 8:22
Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?

Ấn Quang Đại sư dạy: “Người ta sanh ở trên đời, chẳng có chuyện nào không sắp đặt kế hoạch sẵn, chỉ có một chuyện sanh tử lại ngược ngạo không chịu để ý. Đợi đến khi báo hết, mạng sống chấm dứt, thì tùy theo nghiệp mà chịu quả báo. Chẳng biết một niệm tâm thức ấy sẽ đến cõi nào thọ sanh. Cõi trời người là quán trọ. Tam đồ ba đường ác là quê nhà. Một khi thọ báo ở tam đồ là trăm ngàn kiếp, chẳng biết tới bao giờ mới sanh trở lại cõi trời, cõi người được. Do vậy, phương pháp liễu sanh tử chẳng thể không gấp rút tìm cầu”.


Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đây là việc trọng đại của mỗi người chúng ta, đó gọi là “sanh tử đại sự”.


Chúng ta có nỗ lực, thận trọng suy xét hay chăng? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi? Người xưa thường nhắc chúng ta “sanh tử sự đại”, sanh tử là việc lớn, nhưng tình trạng hiện nay của chúng ta là như thế nào?


Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói: “Người đời tranh nhau những chuyện không đâu, chẳng cần thiết”. Cả ngày chúng ta bận bịu những sự việc chẳng cần thiết, đảo lộn gốc và ngọn, đối với những chuyện chẳng liên quan tới sanh tử thì tranh giành hơn thua, chưa hề coi trọng việc lớn sanh tử, và cũng chẳng sợ nỗi khổ luân hồi trong lục đạo, càng chẳng nghĩ tới sau khi chết sẽ sanh về đâu! Hoặc lâu lâu cũng nghĩ tới việc đó một lần, hoặc có lúc nhìn thấy người thân hoặc bạn bè đột nhiên qua đời, lúc đó xúc động trong chốc lát, nhưng chẳng lâu sau lại bị những chuyện thế gian chẳng cấp bách che lấp mất. Miệng tuy cũng niệm được vài câu Phật hiệu, niệm xong có thể vãng sanh hay không? Chỗ này chúng ta phải đặt một câu hỏi lớn.


Niệm Phật thì khác, ai cũng có thể niệm. Niệm Phật phải miên mật, trong tâm luôn luôn phải có câu Phật hiệu. Chuyện này có thể làm đƣợc, vấn đề là bạn tự mình có chịu niệm không.


Khi có phiền não sanh ra thì bạn không chịu niệm nữa. Sân hận, hấp tấp, bồn chồn là phiền não, vui mừng cũng là phiền não. Khi bạn cao hứng, bạn bè khách khứa tấp nập, nói chuyện vui vẻ thì bạn quên niệm Phật rồi. Đây đều là phiền não.


Thật ra trong lúc phiền não cũng có thể niệm Phật, chỉ tại bạn không muốn niệm thôi. Nếu bạn niệm thì tự nhiên sẽ được thành phiến.


HT. Tịnh Không

Các tin tức khác

Back to top