Giải thích các cõi trong lục đạo

24/11/2024 8:43
Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?

Trong kinh Biện-Ý-Trưởng-Giả-Tử, Đức Phật nói:


“Có năm việc được sanh lên cõi trời:


1. Giữ hạnh từ bi không giết hại loài hữu-tình; thường phóng sanh, nuôi dưỡng, ái hộ vật mạng, khiến cho chúng được yên ổn.


2. Giữ hạnh hiền lương không tham lam, không trộm cướp tài vật của kẻ khác; bố thí giúp đỡ người nghèo nàn khốn khổ.


3. Giữ hạnh trinh tiết không ngoại tình; tinh tiến phụng trì trai giới.


4. Giữ hạnh thành tín không khi dối người; tránh bốn điều vọng ngữ; thực hành bốn điều chân ngữ.


5. Không say mê rượu hoặc bài bạc, khéo giữ tâm trí sáng suốt xa lìa nhiễm duyên.


Có năm việc được sanh cõi người:


1. Bố thí, thi ân trạch đối với kẻ bần cùng.


2. Giữ giới, không phạm mười điều ác.


3. Nhẫn nhục, không làm não người.


4. Tinh tiến, khuyến hóa kẻ giải đãi.


5. Nhất tâm, trọn hiếu, tận trung. Giữ trong năm điều nầy, sẽ làm người giàu sang, sống lâu, khỏe đẹp, có oai đức; hoặc làm vua chúa được mọi người kính mến thừa sự.


Có năm việc bị đọa vào loài Bàng-sanh:


1. Phạm giới, ngoại tình, trộm cướp.


2. Mắc nợ mà lừa lọc, ngang ngạnh, không chịu trả.


3. Ưa sát sanh, rượu thịt.


4. Không chịu nghe học kinh pháp.


5. Say mê theo tục duyên, không thích trì trai, giữ giới, bố thí.


Có năm việc bị đọa vào loài Ngạ-quỷ:


1. Bỏn sẻn không thích bố thí.


2. Trộm cắp, bất hiếu với cha mẹ.


3. Ngu tối hẹp hòi, không có lòng rộng rãi, xót thương.


4. Chứa cất nhiều tiền của mà không dám ăn mặc, chi dùng.


5. Có tiền của, song không cấp dưỡng cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ.


Có năm việc bị đọa Địa-ngục:


1. Không tin, Phật, Pháp, Tăng, khinh báng thánh-đạo.


2. Phá hoại chùa miếu.


3. Hủy báng bốn chúng của Phật, lung lăng không tin việc nhân-quả-tội-phước.


4. Ngỗ nghịch, không biết thượng hạ tôn ty, chẳng kể quân thần phụ tử, không chịu thuận tùng phục thiện theo lẽ phải.


5. Không nghe lời dạy chân chánh của thầy, tự cao, khinh mạn, hủy báng sư trưởng.


- Nầy Biện Ý! Ðó là những nhân duyên sanh về thiện hay ác đạo”.


(Kinh Biện-Ý- Trưởng-Giả-Tử)


Bởi chúng-sanh đều có tánh Phật và đều có thể thành Phật, nên Như-Lai vận đức từ vô duyên, lòng bi đồng thể, nói ra năm thừa. Trong năm thừa nầy, Nhơn và Thiên-thừa được thi thiết với mục đích khiến cho chúng-sanh khỏi bị đọa vào ba đường ác khổ não, giữ thân trời, người, để lần lần gặp nhân duyên nghe pháp đắc ngộ. Nhưng phước nhơn thiên vẫn là hữu lậu, vô thường, còn trong nẻo luân-hồi, khó bảo đảm khỏi bị sa đọa, nên Đức Phật nói ra Thanh-Văn và Duyên-Giác-thừa, để loài hữu-tình thoát ly ba cõi, được vĩnh viễn an vui. Tuy nhiên, hai thừa nầy còn chưa đi đến chỗ giải thoát cứu cánh; vì thế Ðức Như-Lai lại nói ra Bồ-Tát-thừa để hàng tiểu quả tiến tu chứng lên cảnh an vui tự tại cực điểm là ngôi viên giác của Phật.


Tóm lại, Nhơn-Thiên-thừa chỉ là thế gian pháp trong Phật-pháp. Thanh-Văn, Duyên-Giác-thừa lấy cảnh Vô-dư-niết-bàn làm chỗ quy túc, tuy cũng xót thương cứu độ loài hữu-tình, nhưng lại chủ trương theo đường lối xuất thế. Còn Bồ-Tát- thừa thì quy túc nơi cảnh Vô-trụ-niết-bàn; vì Niết-bàn nên không đắm nhiễm thế gian, vì Vô-trụ nên không lìa bỏ thế gian, hằng gần gũi với đời, vận lòng bi trí tiến tu phước huệ cho đến khi thành Phật. Ðây tức là xuất thế mà nhập thế, nhập thế mà xuất thế vậy.


Nếu ngộ tất cả pháp là Phật-pháp, thì dù nhập thế hay xuất thế, đối với thế gian, hành giả phải nhìn bằng con mắt bình đẳng, không nên khinh thường."


HT. Thiền Tâm dạy trong Phật Học Tinh Yếu, phần Đạo Phật với Gia Đình

Các tin tức khác

Back to top