Từ kiếp vô thủy từ xa xưa đến nay, sáu căn của người phàm cứ chạy theo ngoại cảnh, tức là lục trần (Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà "tìm thanh kiếm sắc" tạo ra không biết bao nhiêu nghiệp bất tịnh.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của con người thì giống như sáu kẻ gian làm mối lái cho giặc, chúng dẫn bọn cướp vào nhà lấy hết tài sản quý giá nơi "căn nhà" tự tánh của chúng ta.
Chúng ta cho rằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là những thứ giúp đỡ mình; kỳ thật, sáu thứ này là sáu vật rất xấu xa, chúng dẫn kẻ gian vào nhà cướp đoạt hết Pháp bảo tự tánh của chính mình mà mình vẫn không hay biết; quả thật là "kẻ cướp trong nhà khó đề phòng!" Bây giờ hãy nói về mắt và tai:
Nhãn bất kiến, khẩu bất sàm,
Nhĩ bất thính, tâm bất phiền.
(Mắt không thấy, thì miệng không thèm thuồng,
Tai không nghe, thì lòng không phiền não.)
Khi trông thấy người khác ăn những thức ăn ngon lành thì tự nhiên mình có ý muốn nếm thử, rồi sanh lòng tham ăn. Khi nghe thấy lời nói hay ho, mình sanh lòng vui thích; còn nghe thấy những lời trái tai, nghịch ý thì sanh giận dữ.
Các vị đừng cho rằng mắt là vật tốt, giúp mình nhìn thấy, bởi vì chính do sự giúp đỡ của mắt mà sanh ra đủ thứ phiền não, như khi mắt nhìn thấy sắc đẹp thì mình sanh lòng tham sắc đẹp, tham tới mức là mình đạt được nó thì lòng sanh phiền não, mà không đạt được nó thì cũng sanh phiền não! Ngay cả mũi, lưỡi, thân, tư tưởng hay ý niệm cũng đều như vậy, chúng khiến mình phát sanh ra đủ thứ phiền não, mà một khi phiền não nảy sanh là mình mất đi Pháp bảo tự tánh; nên nói rằng :
Thiên nhật khảm sài nhất thiêu tận.
(Ngàn ngày chẻ củi, một ngày đốt sạch.)
Cũng vậy, mình tu dưỡng công phu Thiền định cả ngàn ngày, nhưng đến khi đạt được cảnh giới khinh an tự tại rồi, thì hốt nhiên chỉ vì khởi một niệm phiền não mà bao nhiêu công phu đều tiêu tan cả; nên có câu:
Tinh tinh chi hỏa thiêu tận công đức chi lâm.
( Một đốm lửa nhỏ có thể thiêu sạch cả rừng công đức.)
Cho nên người tu Đạo cần phải:
Nhan quán hình sắc, nội vô hữu,
Nhĩ thính trần sự, tâm bất tri.
( Mắt nhìn hình sắc, lòng không động,
Tai nghe thế sự, dạ chẳng hay !)
Phải có được định lực như thế thì mới không bị người ta tới cướp của quý trong nhà. Nếu không, thì suốt ngày các vị sẽ theo sáu căn và sáu trần, tâm hướng ra ngoài mà chạy, chẳng biết hồi quang phản chiếu, và như thế gọi là " lậu" có nghĩa là phiền não.
Khi có lậu thì cứ luân lạc mãi trong ba đường ác, chẳng có kỳ hạn chấm dứt; như thế há chẳng đáng sợ sao?
Muốn đoạn trừ phiền não, trước tiên chúng ta phải truy tìm căn nguyên của phiền não. Đức Phật dạy rằng sáu thức (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý) chính là giặc trong nhà. Bởi do Sáu căn cấu kết với sáu trần nên sanh ra sáu thức, rồi vì thế mà "khởi hoặc, tạo nghiệp" trở nên mê mờ, gây ra đủ thứ ác nghiệp. Cho nên, sáu căn chính là kẻ môi giới dẫn dắt chúng ta tạo ra những việc ác.
"Gia bảo"(vật báu) trong nhà mình là gì? Gia bảo của mình chính là chân tâm thường trụ hay Như Lai Tạng với tánh giác mầu nhiệm sáng suốt, chứ không phải là thứ tiền tài, vật chất có hình tướng của thế gian.
Tự tánh thì đầy đủ Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, và chính là thứ "tài bảo chân chánh". Ngoài ra, siêng năng tu học Giới, Định, Huệ, hoàn thành Tam Vô Lậu Học, cũng là "Pháp bảo chân chánh" của chúng ta.
Có người nói: "Thứ tài bảo này, tài sản quý báu mà Thầy nói, không thể nhìn thấy thì làm sao tôi tin được?" Người này cũng chẳng đáng trách, bởi vì "tài bảo" này thì không có hình tướng nên chẳng thể nào thấy được. Nhưng mình vẫn có thể cảm nhận được nó, người có huệ căn thì sẽ biết được ngay, còn kẻ không có huệ căn thì chẳng thể biết được. Đó là vì huệ căn chưa thuần thục, chín chắn, cho nên họ không thể sanh khởi lòng tin và cũng không thể có sự hiểu biết rõ ràng được.
HT. Tuyên Hóa
Các tin tức khác
- Không nên sống quá lâu ở một nơi (11/12/2024 8:44)
- Sống có “đức” mới có hạnh phúc chân thực (11/12/2024 8:41)
- Phải chăng do con thiếu đức? (11/12/2024 8:39)
- Họa từ miệng mà ra (10/12/2024 8:41)
- Đủ phước duyên thì nụ cười sẽ nở (10/12/2024 8:40)
- Lễ Phật sám hối kéo dài tuổi thọ (10/12/2024 8:37)
- Hãy cười cho đời bớt khổ (10/12/2024 8:34)
- Phật đến, bình yên đến ( 9/12/2024 8:42)
- Mình đã thương mình đủ chưa? ( 9/12/2024 8:38)
- Giận hờn làm chi ( 8/12/2024 8:42)