Gần ai

15/06/2025 8:48

Gần ai mà tâm mình ngày càng thiện – thì nên giữ. Còn ngược lại – nên tránh.


Tôi từng đọc một câu chuyện thật, xảy ra ở Mỹ.

Chuyện đơn giản thôi, nhưng rất đáng để suy ngẫm.


Có một chàng trai trẻ gốc Á, sống hiền lành, dễ thương, hòa nhã với mọi người.

Sau khi học xong kỹ thuật cơ khí, anh được nhận vào thực tập tại một xưởng sửa tàu cao tốc – một nơi có tiếng trong ngành.


Người thầy trực tiếp hướng dẫn anh là một kỹ sư lão luyện, rất giỏi nghề.

Nhưng tính tình thì… ai cũng ngán.

Thô. Nóng. Cộc.

Chỉ cần sai một lỗi nhỏ – là bị chửi thẳng mặt. Có khi còn bị ném cả đồ nghề.


Chàng trai lúc đầu vẫn cố chịu.

Anh nghĩ: “Chỉ cần học kỹ thuật, không học tính khí.”

Và anh thật sự đã rất cố gắng.


Nhưng rồi từ lúc nào không hay,

anh bắt đầu thay đổi.

Nóng nảy. Cáu bẳn.

Bạn bè ít dần. Người thân ngại nói chuyện.

Ai nói nhẹ cũng thành chuyện lớn.

Đến khi trầm cảm, mất ngủ triền miên – gia đình mới đưa anh đến gặp chuyên gia tâm lý.


Khi được hỏi:

“Gần đây con thường ở với ai nhiều nhất?”

Anh mới nhớ lại.

Và rồi chính anh cũng bàng hoàng nhận ra:

Anh không hề “trở thành người xấu” –

mà chỉ đơn giản là… anh đã bị ảnh hưởng quá sâu từ người mình ở gần mỗi ngày.


Tâm lý học hiện đại gọi đó là hiện tượng “nội hóa cảm xúc 

Nhưng thật ra, gần 2.600 năm trước, Đức Phật đã nói rất rõ:

Gần ai mà làm cho tâm mình ngày càng bất thiện – thì phải tránh. Gần ai mà tâm mình ngày càng hiền thiện – thì nên ở . 


Chúng ta ai cũng nghĩ mình đủ tỉnh để không bị ảnh hưởng.

Nhưng thật ra, tâm rất dễ nhiễm.

Gần người hay sân – mình cũng dễ nổi nóng.

Gần người hay than – mình cũng thấy đời thật u ám.

Gần người hay nói lời độc – lòng mình cũng bắt đầu héo đi.


Ngược lại…

Có khi chỉ cần gần một người nhẹ nhàng, có tâm từ, có chánh niệm, có trí tuệ, mình tiếp xúc thấy tâm mình mát mẻ.  

Được an lạc hơn .

Và… thiện pháp bắt đầu có đất để sinh.


Vậy nên, mỗi ngày hãy tự hỏi:


– Gần ai mà tâm mình ngày càng an lành, dễ thương, dễ cảm thông – thì nên giữ.

– Gần ai mà mình thấy mình dần mất chánh niệm, sân hận tăng trưởng – thì phải xem lại.


Không phải ghét bỏ.

Chỉ là nên biết giữ lấy môi trường tốt cho sự tu tập của mình.


St

Các tin tức khác

Back to top