Chuyện kể về một cô gái tên là Sujata. Cô này là con dâu của Anathapindika (Cấp-cô-độc), lại là con gái vị phú thương Dhananjaya và là em út của nữ cư sĩ Visakha.
Anathapindika là vị cư sĩ giàu có đã quy y với Đức Phật. Ông đã dát vàng toàn bộ Kỳ Viên tự và cúng dường cho Đức Phật. Visakha là vị nữ cư sĩ đứng đầu trong hàng nữ cư sĩ về hạnh bố thí. Kinh Tăng Chi Bộ viết: “Này các Tỷ-kheo, trong các vị đệ tử nữ cư sĩ có hạnh bố thí của ta, tối thắng là Visakha Migaramita”. Như vậy, cô con dâu của Anathapindika sinh ra trong một gia đình danh giá. Cô ta về làm dâu nhà Anathapindika mà rất kiêu ngạo vì nghĩ rằng mình xuất thân từ một gia đình bề thế.
Mặc dù về làm dâu một thế gia, cô vẫn tự phụ về xuất thân của mình. Với những cô gái trẻ tuổi gia đình khá giả hay có truyền thống, việc coi nhẹ gia đình nhà chồng rất dễ xảy ra. Đặc biệt nếu gia đình nhà chồng thua kém gia đình bố mẹ đẻ. Cô rất bướng bỉnh, thô lỗ, nóng nảy và hung tợn. Cô từ chối các bổn phận với cha mẹ mới và đối với chồng. Cô đi khắp nhà gắt gỏng, rầy la và còn đánh đập mọi người.
Một hôm Bậc Đạo sư cùng năm trăm môn đệ đến viếng nhà Anathapindika. Mọi người ngồi xuống. Người Đại thương gia ngồi bên cạnh Thế Tôn và nghe Ngài thuyết pháp. Lúc ấy Sujata đang la mắng những người giúp việc. Bậc Đạo sư ngưng nói và hỏi xem do đâu mà có tiếng ồn ào như vậy. Vị thương gia giải thích rằng đó là do người con dâu thô lỗ của ông, rằng cô ta đã không cư xử đúng đắn với chồng và cha mẹ chồng, rằng cô chẳng hề bố thí và không có điều nào tốt cả; bất nghĩa, vô tín, cô đi khắp nhà la mắng những người giúp việc.
Ông Anathapindika hẳn là rất phiền lòng về cô con dâu. Nay được Đức Phật hỏi thăm, ông tâm sự với Ngài. Giàu như ông cũng có những nỗi buồn phiền của riêng mình. Không giàu có thì có những nỗi khổ riêng, còn giàu có cũng có những nỗi khổ riêng. Muốn mà không được thì khổ. Ông Anathapindika rất muốn có đứa con dâu ngoan hiền, vì thế mà ông rất khổ tâm.
Bậc Đạo sư truyền cho mời cô lại. Người phụ nữ kia đến và sau khi đảnh lễ Bậc Đạo sư, cô đứng một bên. Bậc Đạo sư hỏi cô: “Này Sujata, có bảy loại vợ mà một người đàn ông có thể có, ngươi thuộc về loại nào?”. Cô ta trả lời: “Bạch Ngài, Ngài dạy vắn tắt quá, con không hiểu được, xin Ngài giải thích thêm”. Bậc Đạo sư bảo: “Được rồi, hãy chú ý nghe đây”. Rồi Ngài đọc đoạn thơ sau:
Tâm địa xấu, điều hay chẳng có
Yêu người ta ghét bỏ cả chồng,
Của tiền chồng tạo phá tung,
Gọi là “phá diệt” mới cùng xứng tên
Đồ chồng tặng do tiền mua bán,
Nghề tinh chuyên cuốc xẻng nông gia
Cũng mong cấp lấy trích ra
Vợ mà như thế gọi là “gian tham”.
Quên phận sự hung tàn lười biếng,
Lại tham lam xấu miệng, căm cay,
Nghiệt quyền với kẻ dưới tay,
“Cao cường” là loại vợ này xứng tên
Còn có kẻ tôn khen điều tốt,
Chăm sóc chồng như một mẹ hiền,
Của tiền chồng tạo giữ gìn,
“Mẫu nghi” mới gọi đúng tên vợ này.
Tôn trọng chồng cũng tày như thể
Đàn em thơ kính nể người anh,
Nhún nhường tuân phục chồng mình
Vợ là “hiền muội” đúng tình chất chơn
Còn có kẻ chồng luôn mong thấy
Như bạn bè sau mấy độ xa,
Hiến dâng, đức độ nghiêm hòa,
Vợ mà như thế gọi ra “thân bằng”
Sợ hung tàn, khương an trước khổ
Chẳng cuồng si chỉ cố kiên trì
Chân tình chiều chuộng mãi ghi
Vợ kia phải gọi “nô tì” mới nên.
Này Sujata, trên đây là bảy loại vợ mà một người đàn ông có thể có. Ba loại vợ “phá diệt, gian tham, cao cường” sẽ bị tái sinh vào địa ngục. Bốn loại người vợ còn lại sẽ được sanh vào cõi trời thứ năm.
Vợ cao cường, gian tham, phá diệt,
Giận dữ hoài, chẳng biết kính ai;
Hết đời thoát xác, đầu thai,
Xuống nơi địa ngục khó ngày thoát đi
Vợ thân bằng, mẫu nghi, hiền muội,
Hoặc nô tỳ trong cõi đời này
Ngoan hiền tự chủ lâu dài,
Hết đời, thoát xác lên trời sống vui.
Khi Bậc Đạo sư thuyết giảng về bảy loại người vợ như thế, Sujata đắc quả Dự lưu.
Bấy giờ Bậc Đạo sư hỏi lại rằng nàng thuộc loại vợ nào thì nàng thưa: “Bạch Ngài, con là kẻ nô tỳ”. Nói xong nàng đảnh lễ Đức Phật và xứng đáng được Ngài tha thứ…
Bấy giờ các Tỷ-kheo họp nhau tại Pháp đường và ca ngợi Bậc Đạo sư: “Này các pháp hữu, do một sự khuyên bảo đặc biệt, Bậc Đạo sư đã thuần hóa người phụ nữ kia và đưa nàng nhập quả Dự lưu”. Bậc Đạo sư bước vào và hỏi xem họ ngồi với nhau đang thảo luận chuyện gì.
Họ thuật lại như trên. Ngài dạy: “Đây chẳng phải là lần đầu tiên Ta thuần hóa Sujata bằng một sự khuyên bảo đặc biệt đâu!”. Rồi Ngài kể tiếp một chuyện tiền kiếp.
Ngày xưa khi vua Bramadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ- tát là thái tử do chánh cung hoàng hậu sinh ra. Người lớn lên và được giáo dục tại Takkasila. Sau khi vua cha chết, ngài nối ngôi và trị vì rất công chính. Mẹ ngài là một người đàn bà rất nóng nảy, dữ tợn, thô lỗ, gắt gỏng, ác khẩu. Ngài chỉ mong sao khuyên được mẹ mình.
Mẹ của Bồ-tát trong kiếp đó chính là nàng Sujata ngày nay. Tính tình nóng nảy, dữ tợn của Sujata được “di truyền” qua nhiều đời. Bồ-tát kiếp đó là Đức Phật bây giờ. Vậy Sujata đã từng là mẹ của Đức Phật.
Ngài cũng nhận thấy rằng không nên làm điều gì bất kính đối với mẹ. Vì thế, ngài cố tìm một cơ hội để tiết lộ điều ẩn ý.
Một hôm ngài đi vào vườn hoa cùng với mẹ, có các nhà quý tộc đoanh vây. Trên đường đi, một con chim cưỡng xanh đang kêu the thé trên cây. Khi ấy các nhà quý tộc đều bịt tai lại và la lên: “Cái âm thanh kinh khủng! Cái tiếng kêu ấy thật ghê khiếp! Đừng gây ra cái tiếng ấy nữa!”. Lúc Bồ-tát đi qua vườn hoa với mẹ thì một con chim cu đậu trong đám lá rậm của cây sala hót lên âm điệu ngọt ngào. Mọi người đều khoái trá khi nghe nó hót:
“Ôi! Thật là một giọng hót êm dịu, một giọng hót tốt lành, một giọng hót thanh lịch! Hót lên, chim ơi hót lên!”.
Bồ-tát chú ý đến hai sự việc này, nghĩ rằng đây là dịp may để tiết lộ ẩn ý của mình cho mẫu hậu: “Thưa mẹ, tiếng kêu của con chim cưỡng trên đường làm cho ai cũng phải bịt tai và thốt lên: đừng gây ra cái tiếng ấy nữa! Đừng gây ra cái tiếng ấy nữa! Và họ bịt tai vì âm thanh dữ dằn chẳng ai ưa cả”. Thế rồi ngài đọc đoạn thơ sau:
Kẻ hưởng được vẻ ngoài duyên dáng
Thoạt nhìn vào tươi sáng đẹp thay
Nhưng buông lời nói chối tai
Gần xa khắp chốn chẳng ai yêu vì!
Chim cu kia, mẹ thường khi thấy,
Lốm đốm đen xấu xí dường bao,
Tiếng kêu êm dịu ngọt ngào,
Bao nhiêu kẻ đã đón chào mến thương.
Mong tiếng mẹ dịu dàng thanh lịch
Lời khôn ngoan nỏ hết tự kiêu,
Âm thanh êm ái mỹ miều,
Lời kia là thánh lệnh nêu tỏ tường.
Khi Bồ-tát khuyến dụ mẫu thân bằng ba đoạn thơ trên, người đã khiến mẹ suy nghĩ. Sau đó bà sống theo chánh đạo. Bằng lời nói, Bồ-tát đã làm cho mẹ thành một phụ nữ biết quên mình. Rồi về sau Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
Khi kể xong pháp thoại, Bậc Đạo sư nhận diện tiền thân: “Sujata là mẹ của vì vua ở Ba-la-nại, còn Ta chính là vì vua ấy”.
Ghi chú:
Phần trích dẫn lấy từ bản dịch của TTM.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 155
Các tin tức khác
- Thấy pháp (16/07/2014 10:47)
- Hướng dẫn căn bản cho thực hành thiền hơi thở (16/07/2014 10:21)
- Lòng tham con người (16/07/2014 9:53)
- Thiền sư Đạo Ngộ (15/07/2014 5:32)
- Đức Phật dạy về 5 tiêu chí khắc phục lòng sân hận (15/07/2014 5:08)
- 10 bài học cuộc sống nhận ra trước khi quá muộn (15/07/2014 4:58)
- Nữ Phật tử Visaka (15/07/2014 4:52)
- Lục Tổ (14/07/2014 9:51)
- Đất nước không thể bại vong (14/07/2014 6:39)
- "Những quốc gia đáng sống" của Liên Hiệp Quốc (14/07/2014 6:28)