Tu Thiền hay Zen là phương pháp luyện tập giúp “tâm thức lắng xuống” hoặc nói một cách khác là “không suy nghĩ”, xin hiểu không suy nghĩ trong trường hợp này là không để tâm thức bị chi phối bởi mọi thứ tư duy và xúc cảm liên tiếp lôi kéo nhau để sinh khởi và hiển hiện. Vậy, thể dạng “tâm thức lắng xuống” và “không suy nghĩ” chính là sự “yên lặng”.
Sự yên lặng của tâm thức theo Thiền tông là một thể dạng “nguyên thủy” hay “tinh khiết” trước khi bị khuấy động bởi tâm ý (ý đồ), bởi sự suy xét và các khái niệm, có nghĩa là mọi sự diễn đạt. Thể dạng tâm thức không bị khuấy động bởi bất cứ một sự diễn đạt nào là một thể dạng thật thăng bằng, yên lặng và trong sáng. Thể dạng ấy biểu hiện cho “sự chặn đứng” quá trình lôi kéo sau đây: cảm nhận – diễn đạt – tư duy – xúc cảm – ý đồ – ngôn từ và hành vi duy ý. Sự yên lặng của một tâm thức không bị khuấy động có thể thực hiện được nhờ “tư thế ngồi thiền” qua các cách tu tập khác nhau tùy theo các học phái. Ngồi im, chỉ còn lại sự chuyển động duy nhất của hơi thở, sẽ giúp cho tâm thức lắng xuống.
Ta thử lấy một thí dụ thực tiễn như sau: Ta đang ngồi im để thiền định, đang quan sát sự vận hành của tâm thức, cố gắng theo dõi và làm lắng xuống mọi tư duy và xúc cảm. Nhưng bỗng nhiên có một người nào đó ngoài cửa hay phòng bên cạnh xì xầm, nói xấu hay bình phẩm không tốt về ta. Ta chú tâm lắng nghe, mặt ta có thể bừng nóng và rất có thể ta sẽ đứng lên tìm người này để đối thoại, cải chính hoặc hơn thua. Hoặc khi đang ngồi thiền, ta nghe hai người hàng xóm cãi vã nhau trước sân nhà, càng lúc họ cãi nhau càng hăng, văng ra những lời thô tục, có vẻ như sắp đánh nhau hay đâm chém nhau. Trường hợp này tuy không liên quan gì đến ta, nhưng rất có thể ta cũng sẽ đứng lên để chạy ra xem. Tất cả những phản ứng trên đây, tức những hành vi duy ý, là do sự diễn đạt sinh ra. Âm thanh là làn sóng thuộc nguồn gốc bên ngoài kích động nguồn gốc bên trong tức là tai (nhĩ căn), từ tai sinh ra tín hiệu truyền lên não bộ, não bộ tiếp nhận, phối kiểm dựa vào trí nhớ tức sự hiểu biết và kinh nghiệm nhị nguyên, công thức và quy ước tích lũy từ trước, não bộ (ý căn) diễn đạt những tín hiệu ấy thành tiếng nói và tiếng gây gổ. Sự diễn đạt tiếp tục được đẩy xa hơn: tiếng nói là nói xấu ta, tiêng gây gổ cho thấy sắp đưa đến xung đột…, những diễn đạt ấy đưa đến xúc cảm: tức giận vì bị nói xấu, tò mò vì sắp được xem hai người choảng nhau. Những xúc cảm như tức giận, tò mò chuyển thành hành vi duy ý làm cho ta bỏ tư thé ngồi thiền và đứng bật dậy. Tại sao phải xác định rõ ràng hành vi trên đây là một hành vi duy ý, vì chưng mọi hành vi duy ý sẽ tạo ra nghiệp, nghiệp (karma) có nghĩa là hành động. Có những hành vi không chủ tâm hay duy ý, chẳng hạn như tiêu hóa, ợ chua, khép mở mí mắt, duỗi tay chân… những hành vi này gọi là trung hòa. Tuy gọi là trung hòa nhưng thật ra vẫn kích động để tạo ra nghiệp, nhưng nghiệp phát sinh thật nhỏ gần như không đáng kể. Tất cả mọi chuyển động đều sinh ra hậu quả…chỉ trừ có sự yên lặng toàn diện, một thể dạng bất bạo động tuyệt đối từ thân xác đến tâm thức, mới không làm phát sinh ra nghiệp mà thôi.
Vậymột người đang hành thiền phải làm thế nào để tránh không bị ngoại cảnh kích động và đứng lên? Họ phải chặn đứng quá trình diễn đạt phát xuất từ ý căn. Ta không thể nào chặn đứng các làn sóng âm thanh, cũng không thể cấm cản tai tiếp nhận những làn sóng đó, cũng không thể ngăn chận não bộ tiếp nhận các tín hiệu. Ta có thể ứng dụng thí dụ này đối với các giác quan khác nhau như thị giác, khứu giác v.v…Tóm lại sự vận hành của lục căn liên đới với ngoại cảnh vẫn giữ nguyên trong tính trạng vận hành bình thường, nhưng sự diễn đạt không xảy ra, người hành thiền vẫn ý thức một cách minh bạch sự tiếp xúc của tâm thức với thế giới bên ngoài, nhưng xúc cảm và ý đồ không hiển hiện.
Khi đã ý thức và chủ động được lục căn, người hành thiền có thể giữ cho tâm thức thăng bằng và phẳng lặng bất cứ trong hoàn cảnh nào, trong khi sinh hoạt bình thường, tức không cần phải ngồi im. Người này có thể đang làm việc, đang đi giữa chợ, ngoài đường phố, giữa sự ồn ào và biến động của ngoại cảnh, nhưng tâm thức vẫn yên lặng, thanh thản, giống như đang làm việc hay đang bước đi trong một cảnh giới thật êm ả, thanh thoát, an bìnhvà rạng rỡ. Cũng cần phải minh định là dạng thể ấy không phải là một dạng thể vô thức và tê liệt của giác cảm, trái lại là một dạng thể mở rộng và bén nhạy của lục căn, một trạng thái thật tỉnh thức, khác với tình trạng xao lãng, vô cảm, chẳng hạn như bị điếc, mù, hôn mê, bất tỉnh…Hôn mê hay các giác quan bị tổn thương không ghi nhận được tín hiệu là một thể dạng yên lặng của cái chết, không phải là sự yên lặng của tâm linh tỉnh thức.
Theo Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo
Các tin tức khác
- Lời Phật dạy về công ơn cha mẹ (24/07/2014 5:30)
- Phát tâm trường viễn (24/07/2014 5:20)
- Đi từ nhân căn bản (24/07/2014 12:28)
- Thư thiền sư Đại Huệ đáp Triệu Đại Phu (24/07/2014 12:20)
- Vô thường (24/07/2014 12:03)
- Cầu cúng có được chăng? (23/07/2014 11:03)
- Nhân duyên đẹp, xấu, giàu, nghèo, sang, hèn của nữ nhân (23/07/2014 10:37)
- Thiền sư Bá Trượng (Hoài Hải) (23/07/2014 1:15)
- Đạo và đời bất nhị (23/07/2014 12:48)
- Hãy tử tế với nhau (23/07/2014 12:36)