Sự nguy hại của sân hận

7/08/2014 11:50
Trong đời sống này có những sự việc gây oan trái khởi đầu có thể không mấy lớn lao nhưng tích tụ lâu ngày chày tháng sẽ trở nên phức tạp. Trong Kinh, Đức Phật dạy rằng, "Người nào có tâm sân hận, cũng như nước tiểu hoà với chất độc trở thành chất ghê gớm, sự sân hận tích luỹ từ đời này sang đời khác.”

Oan trái tích luỹ giống như thuốc độc ngâm với nước tiểu. Con nhái lúc muốn kêu phải phồng bụng lên, do đó con dơi lúc ban đêm mới nghe và tấn công con nhái. Cũng giống như con ểnh ương phồng bụng kêu to, vì vậy mà  quạ hay con người mới bắt được nó. Người sân hận cũng có những hành động tương tự như vậy: Mày xanh mặt tía , tay chân run rẩy. Những trạng thái như vậy làm mồi cho ác ma. Với thân, khẩu, ý làm vũ khí,  người sân hận có thể tàn hại đối tượng. Khi giết hại hay đánh đập người khác được rồi thì sẽ tạo nên sự oan trái:

Chưa đánh được người , mày xanh mặt tía

Đánh được người rồi, hồn vía lên mây

Khi đánh được người rồi mình mới sợ bị phạt tiền hoặc tù tội. Một người rớt vào phiền não của sự hận thù sẽ chịu khổ trong ác đạo, trong tù tội. Người nào quán được sự khổ gây ra do sân hận sẽ diệt trừ được lòng sân hận.  Hãy quán rằng mình dùng cách này, cách khác để hại người, làm cho họ  khổ đau thì mình cũng sẽ khổ đau, không những đời này mà còn liên tiếp đến những đời sau. Đức Phật nói người nào có lòng sân hận nhiều nên quán khổ,  không những chính bản thân mình vì sân hận  mà khổ, mà  người khác cũng vì đó mà khổ, và khổ nhiều đời kiếp.

Vì vậy, sự sân hận gây nguy hại nhiều hơn đem lại sự tốt đẹp. Nếu mình bị đoạt mạng hay bị đánh đập mà không mang lòng oán hận thì sẽ thấy an lạc vì mình chỉ chịu oan trái có đời này thôi. Ngược lại, nếu  chúng ta để cho lòng sân hận của mình trổi dậy thì sẽ tạo ra oan trái với đối thủ. Tại điểm khởi đầu, sân hận có thể dường như không đáng gì, không là gì cả,  nhưng nếu  nó  không được phát hiện, không được biết đến, không được dập tắt,  thì lòng hận thù tích lũy lâu ngày sẽ đốt cháy tâm từ bi hỷ xả của chúng ta. Người tánh đa sân, do nghiệp sân hận không được chế ngự nên khi tái sanh vẫn ôm ấp mối hận thù, mười hai tâm bất thiện sẽ cho ra tâm tái tục là tâm Thẩm tấn (sanṭīranaciṭṭa)  bất thiện nên sanh ra trong cõi khổ, sanh ra trong cõi bàng sanh. Người có tánh đa sân, do không khéo suy nghĩ sâu xa về khổ, không được nghe pháp và học pháp nên hay gặp mười hiềm hận sự, gặp những cảnh trái ý nghịch lòng.

Người có tánh sân hận, do nhiều kiếp tích luỹ. mười hiềm hận khiến sự khổ đau phát sanh và oán thù chất chứa. Người có tánh sân hận thường nghĩ rằng   nguời này đã làm tổn thất cho ta, đang làm tổn thất cho ta, sẽ làm tổn thất cho ta; và suy nghĩ rằng người này đã gây sự với người ta thương mến, đang gây sự với người ta thương mến, sẽ gây sự với người ta thương mến; người này đang làm cho người thù của ta được lợi ích, đang làm cho người thù của ta được lợi ích, sẽ làm cho người thù của ta được lợi ích.  Người gặp những hiềm hận sự, với tánh đa sân không khéo suy nghĩ, sẽ làm cho thân khẩu ý bất thiện, do đó có thể đưa đến sự sát sanh hại vật, gây hại cho nhiều chúng sanh.  Pháp để diệt trừ lòng sân hận là tâm từ bi hỷ xả.

Trong bài kinh Hàng ma,  ác ma nhập vào dân làng để mắng chửi chư Tỳ khưu Tăng .Đức Phật  dạy chư Tỳ khưu Tăng nên tu tập tâm từ bi hỷ xả để đối trị lại sự sân hận do vậy việc mắng chửi của dân làng (do bị ác ma nhập vào) trở nên vô nghĩa. Thấy chư Tỳ khưu Tăng không dao động, ác ma lại nhập vào dân làng cúng dường hộ độ chư Tăng và tán thán chư Tăng. Lúc bấy giờ,  Đức Phật   dạy chư Tăng quán thân bất tịnh để làm đối trọng với sự khen tặng. Chư tăng  làm theo lời dạy của Đức Phật tu tâm từ bi hỷ xả để diệt trừ hận thù, đồng thời quán thân bất tịnh để khắc phục tham ái. Người nào còn có sự chấp thủ thì tâm còn có sự giao động, tâm có giao động thì không khinh an, không khinh an thì có hy cầu, có hy cầu thì có khứ có lai, có khứ có lai thì có đời này có đời sau. Lấy sân hận rửa sân hận như chúng ta lấy nước dơ rửa chỗ dơ, không bao giờ sạch được. Chỉ có lòng từ bi mới diệt được sự hận thù. Đó là định luật.

Chúng sanh nào được nghe pháp của các bậc Thánh, suy tư pháp của các bậc Thánh, tâm của những chúng sanh đó mới có  thể trở nên hoàn toàn yên lặng do nhờ nguồn nước mát Pháp bảo tẩy trừ ô nhiễm trong tâm, nhất là tâm sân hận và oán thù. Khi tâm từ bi hỷ xả được tu tập viên mãn, tâm của vị đó ví  như khoảng hư không; tâm của vị ấy như nước, như lửa hoặc như đất.  Người có tâm từ bi hỷ xả rộng lớn, không vì sự khen chê hoặc sự chỉ trích của người làm cho giao động. Nếu hiểu được như vậy, hành được như vậy người ấy sẽ vượt qua bộc lưu, vượt qua luân hồi sanh tử, thoát khỏi phiền não.

Đức Phật dạy rằng cũng vì lòng thương yêu là sự ái luyến, muốn được tốt đẹp mà không được tốt đẹp sẽ khởi lên sự sân hận. Nên ta thấy tập đế là sở hữu tham không phải là sở hữu sân,  nhưng chính là do tham nên chúng ta muốn những điều tốt đẹp, và khi sự việc không được tốt đẹp như mình mong cầu thì chúng ta lại đâm ra sân hận. Do vậy sân hận cũng khởi nguồn từ lòng tham. Chính vì phiền não luân hồi mà ta có thân hành, khẩu hành và ý hành. Với người có lòng sân hận,  thân hành khẩu hành của người đó là bất thiện, vì vậy  người ấy luân hồi mãi trong cảnh khổ.

Chuyển biên: Minh Hạnh - Biên tập: Pañña Dīpa Tuệ Đăng - TVPS

Các tin tức khác

Back to top