1. Hạt giống – được làm người và biết đến Phật pháp:
Trong kinh A-hàm có chép, một hôm đức Phật bảo các Tỳ-kheo rằng: Chốn đại địa này biến thành biển cả, bấy giờ có con rùa mù sống lâu vô lượng qua trăm năm nghìn năm mới ngóc đầu lên một lần. Tại biển cả có một cây nổi lênh đênh, khi Đông sang Tây, vì bị sóng dập gió dồn liên tiếp mà trong thân cây chỉ có một cái lỗ. Thế thì khi rùa mù ngóc đầu tìm thân cây và chui vào cây chừng có dễ gặp không? Ngài A-nan trả lời rằng: Bạch đức Thế Tôn! Khó mà gặp được, bởi lẽ rùa thì mù, đông hải mênh mông, cây lại cây nổi trôi theo chiều sóng gió đẩy đưa. Đông Tây bốn hướng nào có đình đậu nơi nào. Cho nên chắc chắn khó mà gặp được. Phật dạy: Rùa mù, cây trôi tuy khó gặp nhưng còn có hy vọng; chứ đến như kẻ phàm phu ngu si trôi nổi trong năm thú mà tái sinh được thân người mới thật là khó hơn rùa gặp cây gấp mấy. Vì vậy nên các người chính này ngày nay phải tinh tấn tìm mọi phương tiện phát khởi tâm muốn học đạo càng tăng cao mới được.
Hôm nay chúng ta có được thân người, sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đầy đủ, lại được biết đến Phật pháp. Như vậy trong quá khứ chứng tỏ chúng ta cũng đã gieo trồng nhiều căn lành. Muốn cho hạt giống thân tăng trưởng, được phát triển tốt, chúng ta phải vun bồi, những duyên tu: nghe giảng, tụng kinh, ngồi thiền, ăn chay,... Hạt giống tốt gieo vào môi trường tốt, chắc chắn thu được quả lành.
2. Đất – đức tính nhẫn nhục và khiêm hạ:
Đất có tơi xốp, màu mỡ nhiều phù sa thì hạt giống mới từ từ nảy mầm lên cây. Cũng thế, trong nhà Phật ví đất là “mảnh đất tâm” chứa các công hạnh của nhẫn nhục và khiêm hạ.
Nhẫn nhục là an nhẫn, chịu đựng nghịch cảnh mà không sinh tâm sân hận, oán giận, báo thù. Nhẫn phải xuất phát từ tâm thì mới gọi là nhẫn, nhẫn để tha thứ, để yêu thương, để vẹn toàn, để tránh tàn hại nhau... Như lúc nóng giận của chồng hoặc vợ, nên hoan hỷ chấp nhận, đợi lúc tỉnh, sự việc đã qua mới thưa chuyện, trình bày, sẻ chia. Làm được điều đó là đã biết nhẫn để yêu thương, nhẫn để vẹn toàn nghĩa nhân. Nếu không biết nhẫn chuyện gia đình chẳng tránh khỏi lục đục, bất hòa.
Nhẫn được là người có sức mạnh. Nhẫn được thì tâm an, thân khỏe, niệm Phật mới được an lạc. Còn nếu mê lầm, ngu si, có những ý niệm ghen ghét, sân giận, thù oán,... thì phước đức giảm, oan gia càng thêm kết và xem như tam đồ ác đạo đang chờ ta phía trước.
Nhẫn nhục thường đi đôi với khiêm hạ, biết nhìn xuống những hoàn cảnh khó khăn, để thương yêu, san sẻ và giúp đỡ nhờ đó phước báu càng tăng, lòng từ càng lan rộng. Ngược lại, không biết khiêm hạ, ngã mạn, xem thường người khác, hiếp đáp kẻ yếu, tự cho mình là cây cổ thụ lớn, không hòa hợp đoàn kết với ai thì tự nhận lấy kết cục bị cô lập, lẻ loi.
Người khiêm tốn nhún nhường, càng có cơ hội để học hỏi thêm nữa từ bạn đồng tu, càng làm được lợi ích cho nhiều người hơn. Giống như đất hạ thấp sẽ tạo ra những ao hồ, đầm lầy - nơi ấy có sen mọc lên tỏa hương thơm ngát. Đó chính là từ nhẫn nhục, khiêm hạ mà tạo ra phẩm hạnh thanh cao.
3. Nước – lòng từ bi, tình thương có sự hiểu biết:
Nước là chất liệu cần thiết để rễ hấp thụ, nuôi dưỡng cành lá đến một ngày ra hoa kết quả. Con người chúng ta cũng vậy, từ bi là chất liệu không thể thiếu trong bản thân mỗi người. Nhờ đức tính yêu thương, bao dung, tha thứ, giúp đỡ, hòa hợp, đoàn kết... trong các mối quan hệ mà đời sống trở nên an lạc, hạnh phúc.
Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Tình thương thì còn có sự phân biệt, cho nên có điểm đầu và điểm cuối. Còn lòng từ bi là tình thương vô biên rộng lớn không còn có giới hạn, không có điểm đầu và điểm cuối. Tình thương có sự hiểu biết đó gọi là lòng từ bi.
Tình thương của thế gian vẫn còn quẩn quanh trong vòng đối đãi, cái gì của mình thì thương, không phải thì không thương. Còn đối với chư Phật và Bồ-tát, chúng sinh nào chưa biết tu thiện các ngài càng thương xót, tìm đủ phương tiện hầu để hóa độ. Vì thế, trong Phật giáo chúng ta thường bắt gặp hình tượng đức Quán Thế Âm tay cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy. Với hạnh lắng nghe, Bồ-tát nghe cùng khắp những tiếng kêu cứu của chúng sinh mà cứu khổ ban vui cho mọi loài.
4. Không khí – sự trao đổi giữa các mối quan hệ trong xã hội:
Là người Phật tử, phải có ý thức giữ gìn năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu; quán chiếu tự thân, luôn chánh niệm tỉnh thức về hành động, lời nói, ý nghĩ của mình để trong các mối quan hệ không xảy ra những lỗi lầm đáng tiếc. Giống như cây muốn phát triển phải có sự trao đổi với môi trường. Con người có đạo đức, ái ngữ, yêu thương, hòa hợp thì tất cả mọi người khi tiếp xúc với ta đều nhận được từ trường an lạc, hạnh phúc.
Trong kinh Di Giáo đức Phật có dạy: “Các thầy Tỳ-kheo nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi không một chút ích lợi.”
Vì sao chúng ta cần phải thực tập? Vì chúng sinh nhiều đời nhiều kiếp tâm niệm thiện rất yếu, còn tâm niệm tà vạy, xấu ác thì rất mạnh, khó kiềm chế! Tâm niệm xấu thì hành động bất thiện liền theo. Cho nên, thấy điều gì tốt, có lợi cho người thì nên cố gắng làm liền không hứa hẹn. Thực tập ngồi thiền, tụng kinh, lễ Phật, niệm Phật, quán chiếu nơi tâm mình, gạn lọc lấy chỗ tinh túy để ghi nhớ, thực hành trong từng phút giây hiện tại.
5. Ánh sáng – gần gũi thiện tri thức
Ánh sáng là điều kiện cho quá trình quang hợp để cây xanh tươi và phát triển. Trong Quy Sơn có câu: “Sinh ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè. Gần gũi người hiền như đi trong sương móc, tuy không ướt áo mà lúc nào cũng thấm đượm”. Trong kinh Pháp cú - kệ số 78, đức Phật dạy:
“Chớ nên làm bạn với kẻ ác
Chớ nên làm bạn với người hèn kém
Hãy nên kết bạn với người lành
Với người chí khí cao thượng.”
Gần đây, báo chí có đăng vụ án về một cậu thiếu niên chưa đủ 18 tuổi với tội danh giết người cướp tiệm vàng. Tìm hiểu kỹ mới biết vốn gia đình cậu làm nghề đồ tể, xẻ thịt không biết bao nhiêu con vật. Qua đó có thể thấy hoàn cảnh sống có ảnh hưởng đến tính cách tàn bạo của cậu thiếu niên sau này. Cho nên, gần gũi thiện tri thức chính là gần gũi người dẫn dắt ta trên đường đạo, đồng tâm tiến tu, hướng về giác ngộ. Ngược lại, gần gũi kẻ ác sẽ tập nhiễm những thói xấu, tâm bất thiện ngày càng lớn, không những bị quả báo ngay trước mắt mà tương lai bị đọa vào tam ác đạo.
6. Chăm sóc – sự tinh tấn của hành giả tu tập
Người chăm sóc ví cho sự tinh tấn. Tinh tấn là một việc làm cần mẫn và kiên trì. Cây có người chăm sóc nên tốt tươi, người học Phật nhờ tinh tấn mới thành tựu được đạo nghiệp.
Trong bốn mươi tám đại nguyện của Phật A-di-đà, có lời nguyện thứ mười tám: “Khi tôi thành Phật, chúng sinh trong mười phương hết lòng tin ước muốn sanh về nước tôi, xưng danh hiệu tôi cho đên mười niệm, nếu không được sinh, tôi sẽ không thành chánh giác”. Nếu ta nghe và hành theo, dễ hay khó? Dễ là chỉ có một câu “Nam mô A-di-đà Phật” mà niệm tới, khó là ta hay quên và nghi ngờ. Do tâm loạn động, duyên theo trần cảnh, nghiệp thức che khuất không nhớ, không tỉnh thức mà tu. Mười niệm để được vãng sinh khi lâm chung, tức là niệm cuối cùng để ly nước tràn. Để có được ly nước đầy, ta cần phải hứng từng giọt. Muốn được vậy, ngay bây giờ phải kiên trì, tinh tấn trong từng ngày, niệm Phật liên tục, niệm cho thành khối. Khi ấy mới có đủ sức mạnh làm ta chuyển hóa nghiệp thức xấu để thành tựu niềm an lạc.
Tóm lại, trong tất cả sự nghiệp ở đời, hay kết quả vẻ vang ở đạo, bí quyết để thành công đó là pháp tinh tấn. Để trở thành người có ích cho cuộc sống, ta hãy nỗ lực thực tập theo sáu yếu tố trên. Chắc chắn mỗi người sẽ có được an lạc và đem lại lợi ích cho nhiều người khác nữa.
Thiên Ấn (CHP)
Các tin tức khác
- Bước qua chênh vênh (29/12/2012 3:08)
- Phật tử đến chùa cần biết những gì? (28/12/2012 11:39)
- Học kinh (27/12/2012 11:26)
- Giữ rắn trong tay (26/12/2012 5:54)
- Niệm Phật có nghĩa là… (26/12/2012 2:30)
- Nơi nương tựa an toàn (24/12/2012 11:37)
- Nhìn lại “ngày tận thế” (22/12/2012 11:22)
- Khéo sống tùy duyên (22/12/2012 3:07)
- Hạnh phúc và phước đức trong thiền quán (21/12/2012 2:29)
- Nghĩ về "ngày tận thế" (20/12/2012 8:41)