Trong nhà Phật nói: “Hồi đầu thị ngạn”, tức quay đầu là bờ. Đôi khi người học chỉ biết giải thích trên chữ nghĩa, cuối cùng không biết đâu là bờ? Quay đầu lại chỗ nào? Tức thấy ngay đó nếu tâm mê liền đi vào sanh tử, là bờ luân hồi sanh tử; cũng ngay đó mà giác trở lại tức là bờ giải thoát, là bờ kia.
Vậy bờ kia cũng ngay nơi tâm mình chứ không đâu khác. Có nghĩa là ngay một niệm giác liền vượt qua cả hằng sa kiếp mê chứ không phải tầm thường. Nghĩa là từ hằng sa kiếp không sáng tỏ được, giờ đây ngay một niệm đó mình giác trở lại thấy rõ được lẽ thật, tức là vượt hằng sa kiếp mê!
Nhưng đó chỉ mới vượt nơi một niệm, nên còn phải tu nữa tu tiếp. Nếu được niệm niệm liên tục như vậy thì hay, là hằng giác, thường giác.
Nhà thiền có câu chuyện: Tổ Quy Sơn hỏi đệ tử là ngài Ngưỡng Sơn sau thời gian đi giáo hóa trở về thăm: “Chúng sanh ở trên quả đất này, nghiệp thức mênh mông không có bờ mé gì, không có gốc có thể tựa, thì con làm sao biết họ có hay là chẳng có?”.
Ngài Ngưỡng Sơn thưa: “Con có chỗ kinh nghiệm”. Lúc đó, có vị tăng đi ngang qua trước mặt, Ngưỡng Sơn liền gọi: “Xà lê ! ”, ông tăng đó xoay đầu ngó lại. Ngài liền thưa với Tổ Quy Sơn: “Bạch Hòa Thượng! Chính cái này là nghiệp thức mênh mông không gốc có thể tựa”. Quý vị thấy nghiệp thức mênh mông đó ở chỗ nào?
Ngài Quy Sơn khen: “Một giọt sữa sư tử có thể làm tan cả sáu đấu sữa lừa”.
Nghe tiếng gọi “Xà-lê ! ”, ông tăng nghĩ là gọi mình, liền xoay đầu trở lại, sao lại bảo là nghiệp thức mênh mông không bờ mé? Vì ông tăng kia chỉ nhớ âm thanh gọi của người mà quên không nhớ cái đang biết nghe nơi mình, đó là lang thang nơi xứ người, là đi trong sanh tử luân hồi vậy.
Nếu khi nghe gọi, liền nhớ trở lại cái đang nghe mà không lầm theo âm thanh kia, ngay đó liền nhổ được gốc mê từ xa xưa. Đó là chỗ sống trở về của chúng ta. Tuy nghiệp thức mênh mông, không gốc để tựa, nhưng chính vì không gốc nên có thể nhổ nó lên bất cứ lúc nào. Vì nếu mà có gốc thì khó tu. Thí dụ nó có gốc mê từ một vạn kiếp rồi, giờ đây muốn nhổ gốc nó thì phải làm sao? Thì cũng phải đợi một vạn kiếp nữa, và đã có gốc thì nhổ lên rồi bỏ đi đâu? Nhưng ở đây ngay một niệm tỉnh giác trở lại, liền chuyển cái mê lầm đó liền. Chính đây là một lẽ thật để chúng ta thấy rõ và tin tưởng nơi mình có khả năng tiến đến giác ngộ.
Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm rằng: “Những người tu hành không thể thành tựu được quả Vô thượng Bồ-đề, cho đến thành Thanh Văn, Duyên Giác, Ma Vương hay quyến thuộc của ma, đều do chẳng biết hai thứ căn bản rồi tu tập lầm lộn. Thứ nhất là căn bản sanh tử từ vô thủy. Nghĩa là chính ông hiện nay và các chúng sanh, dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Thứ hai là thể Bồ-đề, Niết-bàn thanh tịnh sẵn có từ vô thủy, chính là thức tinh nguyên minh của ông hiện nay hay sanh các duyên mà bị các duyên bỏ sót nó. Do các chúng sanh bỏ sót tánh sáng suốt sẵn có này, nên tuy trọn ngày tu hành mà chẳng tự giác, uổng đi vào trong các thú”.
Ai biết “tâm phan duyên” là thế nào? Tức là nó nhớ theo duyên, theo cảnh mà quên mất chính mình. Là tâm nghĩ tưởng cái này cái kia hoài. Như là nghe tiếng gọi thì chỉ nhớ âm thanh thôi, thì đó là tâm phan duyên, là con đường mê đi vào sanh tử.
Còn “thức tinh nguyên minh” tức là cái biết vốn sẵn đang sáng ngời đây, nó hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót nó. “Các thú” tức là các đường luân hồi.
Ý Phật dạy đoạn kinh trên là do vì chúng sanh nhận tâm duyên theo cảnh làm mình, nên mê lầm phải đi vào luân hồi sanh tử. Còn thể Bồ-đề Niết-bàn sẵn có thì cũng ở ngay cái biết vốn sáng suốt hiện tại đây, gọi là thức tinh nguyên minh. Chính nó hay sanh ra các duyên tức là nó sanh biết cái này, biết kia, biết nọ, biết bình hoa, biết cái bàn, cái ghế, biết bức tường, bức vách, biết đủ thứ hết v.v… Nhưng khi nó biết thì chỉ nhớ các duyên như cái bàn, cái ghế, bình hoa, bức tường v.v… thôi mà nó bỏ sót chính nó, là cái sáng suốt đang hiện hữu đây. Như từ đầu đến giờ, quý vị đọc qua những hàng chữ này mà có bỏ sót chính nó không? Nếu nhớ mà không bỏ sót chính nó, đó là thể Bồ-đề Niếtbàn, là chỗ trở về thì tâm Phật đó!
Tuy nhiên, xin nhắc mỗi người phải khéo nhận rõ chỗ này, nếu không cứ ngỡ tu rồi không biết gì hết, trở thành cây đá. Tuy không theo tất cả duyên bên ngoài, không đồng hóa mình với tất cả duyên đó nhưng biết rõ ràng không mê.
Chính chỗ này ngày xưa trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật quở ngài A-nan: Phật giơ tay lên hỏi ngài A-nan thấy không? Ngài A-nan thưa là: Thấy. Phật để tay xuống hỏi thấy không? Ngài A-nan nói: Không thấy. Phật quở ngài A-nan sao mà điên đảo.
Quý vị thấy mình có giống như vậy không? Đưa tay lên thì có thấy, để tay xuống thì không thấy. Nhưng có thật là không thấy chăng? Nếu không thấy thì chắc mù rồi. Không thấy là chỉ không thấy cái tay, song vẫn thấy cái bàn, cái ghế, thấy tượng Phật. Nhưng khi trả lời như vậy là tự đồng hóa cái thấy của mình với cái tay, cho cái tay là thấy, nên có tay thì có thấy, không có tay thì nói không thấy. Chính đó là chỗ bỏ sót chính mình, lầm mê là chỗ đó!
Nên Phật mới nhắc là chúng ta thấy cái tay, thấy người, thấy vật, cái gì cũng thấy cũng biết, nhưng cũng đừng quên cái gốc đang thấy ở nơi chính mình. Vậy thì mê, ngộ là ngay hiện tiền đây chớ không ở đâu khác hết, gọi “xoay đầu là bờ mé” là như vậy.
Thiền sư Tư Nghiệp trước khi giác ngộ, Ngài là một ông đồ tể giết heo. Một hôm, đang giết con heo chợt Ngài tỉnh ngộ. Ngài liền bỏ dao mổ heo tìm đến Thiền sư Văn Thù - Tâm Đạo xuất gia tu và sau này trở thành Thiền sư. Ngài có làm bài kệ:
Tạc nhật Dạ-xoa tâm
Kim triêu Bồ-tát diện.
Bồ-tát dữ Dạ-xoa
Bất cách nhất điều tuyến.
Dịch:
Hôm qua tâm Dạ-xoa
Sáng nay mặt Bồ-tát.
Bồ-tát với Dạ-xoa
Chẳng cách một đường tơ.
Mới đó là mê, là Dạ-xoa, bây giờ giác trở lại thì chuyển thành Bồ-tát. Qua đó, quý vị không phải mặc cảm rằng mình nghiệp nặng nghiệp xấu khó tu. Nếu nghiệp nặng xấu nhưng mà biết khéo tỉnh giác, khéo chuyển lại thì đều có thể tiến tu được cả.
TÓM KẾT
Ai cũng đều có tâm Phật, đây là một lẽ thật muôn đời, là một “thông điệp cho tất cả chúng sanh”. Chính đó là một niềm tin, đem lại sức mạnh giúp mọi người vươn lên, không còn mặc cảm tội lỗi, cũng không phải chạy tìm cầu bên ngoài.
Trong bài Cư Trần Lạc Đạo, vua Trần Nhân Tông nói:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Muốn sống ngay trong cuộc đời này mà vui được với đạo, thì hãy khéo biết tùy duyên. Nghĩa là đói đến thì ăn, mệt ngủ liền, là tùy thuận theo mọi hoàn cảnh, mọi cuộc sống mà không để mất mình, không để sanh tâm thêm ở trong đó. Sống trong hoàn cảnh nào cũng không để biến chất theo hoàn cảnh.
Ở đây nói đói thì ăn, rồi mệt thì ngủ là không có sanh tâm thêm ở đó. Tức không có sanh tâm ăn, không có sanh tâm ngủ thêm.
Còn mình ăn thì có sanh thêm tâm ăn, ngủ thì cũng sanh thêm tâm ngủ. Sao là sanh tâm ăn? Khi ăn đòi ngon đòi dở, nếu mà dở thì không muốn ăn, vậy đâu phải đói đến là ăn. Còn ngủ cũng vậy. Tối đến ngủ phải có phương tiện này, phương tiện kia, hoặc tới khi ngủ mà cũng còn nghĩ ngợi lung tung, thì tức nhiên đâu có mệt ngủ liền.
“Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền". Đây chính là chỗ nhắc nhỡ mỗi người là, trong nhà mình đều có tâm Phật, đều có chân lý giác ngộ. Nếu người biết khai thác, biết chuyển hóa thì có thể từ người xấu thành người tốt, đó mới chính là tu.
Còn nếu chỉ hiểu như thuyết số mệnh hay định mệnh, ai sanh ra thì cũng có số mệnh, định mệnh định sẵn nghèo là phải nghèo, giàu là giàu mãi, hoặc xấu là xấu mãi, tốt là tốt mãi. Như vậy thì đâu cần tu nữa vì số đã định rồi. Còn ở đây thì Phật dạy không phải như vậy. Mọi người đều có tâm Phật, có của báu ở trong nhà, đều có thể tu, như bà Liên Hoa Sắc là người phụ nữ tội lỗi nặng nề mà cũng giác ngộ tu chứng A-la-hán.
Chính quý thầy, quý cô cũng vậy. Khi sanh ra đời còn nhỏ cũng mê, có người cũng lầm lạc vậy. Nhưng sau đó được nhắc nhở, được đánh thức thì tỉnh giác rồi tu hành. Cũng có những người xấu, nhưng khi được nghe Phật pháp, cũng tỉnh rồi chuyển hóa thành người tốt, đó là tu. Đây là điều nhắc nhở cho mọi người có niềm tin.
Trong kinh Kim Cang có một đoạn Phật dạy rằng: “Như Lai nói là phàm phu tức chẳng phải phàm phu, đó gọi là phàm phu”. Vì thường nghĩ mình là phàm phu, là chúng sanh như vậy chắc khó tu giác ngộ, nhưng Phật dạy phàm phu tức chẳng phải phàm phu là sao? Vì phàm phu không có cố định phải là phàm phu mãi, đó chỉ là một cái tên. Nếu phàm phu mà giác ngộ thì chuyển thành Thánh, Hiền, Phật, hết còn phàm phu.
Rồi Phật cũng là cái tên. Nhiều khi chúng ta mắc kẹt trên cái tên, có khi cãi vã trên cái tên nữa. Như cái tên Phật, nó có biết gì là giác ngộ không ? mà cái biết giác ngộ là ở ngay nơi mình, trong tâm mình. Nếu khóe nhật rõ như vậy, thì tin tưởng rằng mỗi người đang ngồi đây, là phàm phu tức chẳng phải là phàm phu. Thật vui sướng thay !
Mong rằng mỗi người đều có đầy đủ niềm tin, thì mình sống và hiểu nhau, thông cảm được nhau để cùng giúp nhau tu tiến và chuyển cái chúng sanh mê lầm này.
- T.T Thích Thông Phương -
Các tin tức khác
- Tâm giác ngộ (11/09/2014 8:19)
- Pháp thí thắng mọi thí (11/09/2014 8:12)
- Thế nào là chỗ tâm tâm chẳng khác? (11/09/2014 8:01)
- Thiền là sự hiểu biết chính mình (10/09/2014 9:31)
- Vết thương làm mủ (10/09/2014 9:25)
- Ba người thợ xẻ đá (10/09/2014 9:07)
- Tìm kiếm kho báu của bạn (10/09/2014 8:48)
- Cho ( 9/09/2014 4:36)
- Trẻ ra già chậm nhờ thiền ( 9/09/2014 4:23)
- Tâm điên đảo nghe pháp hiểu sai ( 8/09/2014 8:48)