Chết là nỗi khổ lớn lao nhất ai cũng phải sợ

29/10/2014 1:02
Như chúng ta thấy người thân khi sắp lâm chung đau đớn quằn quại rất thống khổ. Đó là chưa kể thần thức hôn mê, người sắp chết thấy những cảnh giới gì đó hiện ra, lòng họ hoảng sợ, kêu gào than khóc, thật là thảm thương.

Ai cũng tham sống sợ chết muốn sống dai, sống già, sống thọ cho nên nhiều người tìm cách để luyện trường sanh bất tử nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải chết. Và chết là một sự thật không tha bất cứ một ai, dù là đức Phật cũng phải xả thọ mạng này khi hết duyên đời. Mình muốn sống hoài mà không được, cho nên nếu ai không biết tu gần chết rất khổ sở vì không biết mình sẽ đi về đâu.

Mọi người đều muốn sống an vui, chết nhẹ nhàng, nhưng việc ấy rất khó toại nguyện, mà phần nhiều thân thể con người luôn bị bịnh khổ hành hạ đau đớn cho đến khi chết. Thân đã bị bệnh khổ như thế, tâm lại càng hãi hùng, lo sợ, tham tiếc tài sản của cải mình tạo ra, luyến tiếc vợ con trước khi nhắm mắt lìa đời nên lại càng khốn khổ hơn. Chết, quả thật là rất khổ nên ai cũng sợ. Chết khổ có 2 loại: 

Cơn bệnh kéo lâu dài, mạng sống hết phải chết. Chết do duyên bên ngoài đưa đến bất đắc kỳ tử: Gặp chuyện không may bị người giết hại hoặc bị tai nạn mà chết, bị chết nước, lửa thiêu... vì chiến tranh loạn lạc mà chết. 

Khi đi ra bốn cửa thành, thái tử thấy một người chết. Thấy vậy, thái tử liền nhìn lại và nhận ra rằng, người ấy chết rồi đến lúc mình cũng sẽ chết. Càng thấy rõ sự tạm bợ của kiếp người, chí xuất trần của thái tử càng nung nấu mãnh liệt hơn.

Mới ngày nào đây còn liệt liệt, oanh oanh, sao bây giờ chỉ còn lại một tấm thân tàn ma dại, nằm bất động, ai làm gì cũng không biết. Chúng ta bây giờ tận mắt chứng kiến cảnh người chết, chúng ta mới thấy tấm thân này quá mỏng manh, kiếp người quá ngắn ngủi, cõi đời thật phù du, giả tạm.

Nếu chúng ta thấy rõ được sự mong manh của kiếp sống con người, thấy được khoảng thời gian sống và chết kề cận một bên thì chúng ta sẽ tỉnh giác mạnh hơn, không bao giờ có sự tranh cãi nhau nữa. Tranh cãi, giận dữ là do người kia không tự làm chủ được chính họ. Chính khi đang giận dữ họ cũng rất khổ sở chứ không sung sướng gì. Mình là người tỉnh táo làm chủ được mới thấy rõ nên thông cảm và thương họ, tội nghiệp cho người ta. Thấy được như vậy thì chúng ta sẽ thương được người hại mình, không tạo nghiệp khổ đau.

Phật nói thân hiện tại của chúng ta đây, mang tính chất đau khổ từ lúc mới sinh, cho đến khi trưởng thành rồi già, bệnh, chết đều phải trải qua nhiều thống khổ. Đó là một lẽ thật. Mới nghe người ta thấy đạo Phật như bi quan, nhưng thực tế đạo Phật rất lạc quan và yêu đời. Tại vì đạo Phật nói rõ lẽ thật của cuộc đời, để cho mọi người không lầm lẫn, biết cách làm chủ bản thân trên những khổ vui đó.

Như một ai đó, đang gánh một gánh nặng suốt một chặng đường dài lâu quá cảm thấy mỏi mệt, đuối sức nếu lúc đó để gánh nặng xuống vui hay khổ? Chắc chắn là vui. Còn gánh nặng trên vai thì khổ, để xuống hết nặng là vui. Sau khi biết khổ rồi mới thấy vui, chớ cái vui ấy không ngoài sự khổ. Cũng chính vì thế, đạo Phật nói rõ nguyên nhân của sự khổ đau để chúng ta biết cách chuyển hóa tiêu trừ, khi đó khổ hết thì vui đến. 

 

Trích "Sinh già bệnh chết là nỗi khổ của kiếp người" - Thích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top